Thứ năm Ngày 09 Tháng 05 Năm 2024, 04:43:57

Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch: ĐI BẦU CỬ LÀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN

Ngày đăng: 20/05/2016

QK2 – Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 càng đến gần, các thế lực thù địch, phản động càng đẩy mạnh chống phá cuộc bầu cử với tần suất ngày càng dày đặc. Chúng tung lên các trang mạng xã hội những luận điệu hết sức thâm độc, xảo quyệt để phá hoại, xuyên tạc, kích động nhân dân trong cuộc bầu cử.

Trên một số trang mạng, chúng cho rằng, cuộc bầu cử của ta do Đảng đạo diễn hoàn toàn, vì thế rất tốn kém và mất dân chủ. Chúng còn kích động cử tri “dành ngày chủ nhật 22/5 cho những việc có ích, có lợi, thay vì đi bỏ phiếu”…

Có thể nói, những luận điệu trên là sự xuyên tạc trắng trợn về vai trò lãnh đạo của Đảng ta và bản chất dân chủ trong bầu cử của ta, công kích, làm mờ nhạt vai trò công dân Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng đất nước.

Hướng dẫn cử tri là chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 297 nghiên cứu danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp.

Hướng dẫn cử tri là chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 297 nghiên cứu danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp.

Vai trò lãnh đạo của Đảng ta được thể hiện trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Bản chất cách mạng và khoa học đó của Đảng là cơ sở quy định vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trong suốt quá trình cách mạng, phương thức lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, chính quyền điều hành, nhân dân làm chủ.

Điều 27, Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015 quy định rất cụ thể về quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử, trong đó quy định chi tiết về cử tri.

Luật quy định: “ Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri”. Luật còn quy định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nêu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú)”. Đồng thời, đối với những cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cũng “được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Điều này có thể khắng định được tính nhân văn của Luật, của chế độ dân chủ của ta; đồng thời khẳng định quyền thiêng liêng được bầu cử đối với mọi công dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về một số trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri, gồm những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự…

Mặt khác, bầu cử là quá trình cử tri của cả nước đưa ra quyết định để chọn ra các đại biểu đại diện cho mình nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở Trung ương và địa phương. Cuộc bầu cử mang tính chất pháp lý rất quan trọng, để thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương; là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Về bản chất, cuộc bầu cử này là nội dung thể hiện tập trung nhất ý chí của nhân dân, tạo nền tảng quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân lựa chọn người đại diện quyền lực cho chính mình.

Rõ ràng, quyền bầu cử của cử tri là quyền cơ bản của con người một nước độc lập, tư do, dân chủ, vô cùng thiêng liêng và tối cao. Theo pháp luật quy định thì công dân có đủ năng lực hành vi dân sự thì có quyền được bầu cử, đấy là quyền thiêng liêng của con người, đã được hiến định tại Việt Nam từ lâu. Nếu nghe theo luận điệu của những kẻ phá hoại cách mạng, phá hoại cuộc bầu cử, thì không tham gia đi bầu cử chính là tự đánh mất quyền công dân của mình.

Đối với dân tộc Việt Nam, ngày Chủ nhật 22-5 tới sẽ là ngày hội của non sông, của toàn thể con người Việt Nam. Tất thảy công dân Việt Nam có quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử.

 Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.