Thứ sáu Ngày 17 Tháng 05 Năm 2024, 08:48:15

Quân và dân Khu Tây Bắc trong Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày đăng: 02/05/2024

QK2 – 70 năm trước, Tây Bắc là nơi diễn ra Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Quân và dân Khu Tây Bắc vinh dự được đóng góp to lớn cho Chiến dịch.

Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu).

Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17 tháng 7 năm 1952, gồm 4 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái với diện tích 44.300km², dân số 440.000 người. Sau khi thành lập, theo chỉ đạo của Trung ương, Khu ủy khẩn trương ổn định, kiện toàn tổ chức đảng, chính quyền, xây dựng cơ sở ở vùng địch hậu nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm địa bàn hành quân, trú quân, dẫn đường và huy động nhân lực, vật lực của các địa phương trong Khu phục vụ khi các chiến dịch diễn ra trên địa bàn.

Từ giữa năm 1953, thực dân Pháp triển khai và đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch Nava, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đứng trước những thách thức mới. Cuối tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn nhiệm vụ quân sự Đông – Xuân 1953 – 1954, xác định phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến.

Căn cứ vào chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu xác định kế hoạch tác chiến cho các chiến trường, cụ thể là:  Sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực tiến công địch ở Lai Châu; phối hợp với Lào, Campuchia mở cuộc tiến công địch ở Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, đông bắc Campuchia, bắc Tây Nguyên; điều thêm chủ lực lên Tây Bắc để tiêu diệt địch.

Theo kế hoạch, giữa tháng 11 năm 1953, Đại đoàn 316 bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc. Được tin này, Nava quyết định mở cuộc hành binh Caxto đánh chiếm Điện Biên Phủ (20-11-1953) và một cuộc hành binh khác từ Luông Pha Băng lên khu giải phóng của Lào ở khu vực sông Nậm Hu, nhằm chặn quân ta tiến công sang Thượng Lào, xây dựng một căn cứ quân sự mạnh ở Tây Bắc, tổ chức lực lượng ở đây thành Binh đoàn tác chiến Tây Bắc, gọi tắt là GONO (Groupement Opérationnel du Nord Ouest).

Trước diễn biến mới của tình hình, ta nhận định địch đang bị động đối phó, buộc phải phân tán một bộ phận cơ động lên Điện Biên Phủ và tăng viện để xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm, hoặc rút lui. Tuy nhiên, cho dù tình hình địch có thay đổi thế nào, việc chúng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là có lợi cho ta.

Từ nhận định trên, Bộ Tổng tư lệnh lệnh cho Đại đoàn 316 tiến công địch trên hướng chính Tây Bắc, gấp rút tiến công tiêu diệt địch ở Lai Châu, đồng thời cho một cánh quân tiến hành cắt đường rút lui của địch từ Lai Châu về Điện Biên Phủ, kiên quyết không cho lực lượng địch ở Điện Biên Phủ tiến lên đón chúng, đồng thời vây chặt Điện Biên Phủ. Chiến dịch Lai Châu giành thắng lợi, ngày 12 tháng 12 năm 1953, thị trấn Lai Châu và các huyện Châu Lai, Mường Tè, Sìn Hồ được giải phóng hoàn toàn. 

Bị thiệt hai nặng ở Lai Châu và biết quân ta đang hành quân lên Điện Biên Phủ, Nava quyết định đưa thêm 6 tiểu đoàn lên tăng cường cho Điện Biên Phủ, đưa lực lượng ở đây lên 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội vận tải, tổng binh lực 12.000 quân. Thực dân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm 49 cứ điểm, mỗi cứ điểm đều có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hoả lực có thể độc lập chiến đấu, đồng thời những cứ điểm gần nhau được tổ chức lại thành 8 cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng) và được chia thành 3 phân khu.

Trước diễn biến của tình hình, ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị họp, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh được chỉ định làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị và đồng chí Đặng Kim Giang làm Chủ nhiệm Cung cấp. Để tạo thuận lợi cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường, hình thành 5 đòn tiến công chiến lược. Các địa phương trên cả nước cùng phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại Khu Tây Bắc, Trung ương đã chỉ đạo cho các tỉnh động viên toàn thể cán bộ và nhân dân ra sức huy động triệt để khả năng nhân lực, vật lực ở địa phương cung cấp cho tiền tuyến. Nhu cầu vật chất bảo đảm cho chiến dịch ước tính khoảng 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm khô, chuẩn bị cứu chữa hơn 5.000 thương binh, đến ngày 20 tháng 1 năm 1954 phải hoàn thành.

Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó, đòi hỏi phải giải quyết đường vận chuyển và huy động hậu cần tại chỗ. Trước tình hình đó, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Bắc tiếp tục phối hợp sát cánh cùng bộ đội công binh cấp tốc mở đường cho xe kéo pháo và xe vận tải tạm đi được, sau đó củng cố, sửa chữa để đưa được pháo, đạn và gạo vào sớm nhất có thể. Về lương thực, do Điện Biên Phủ ở xa hậu phương nên việc huy động hậu cần tại chỗ là một yêu cầu bức thiết.

Để công tác vận chuyển chặt chẽ và hiệu quả, tuyến bảo đảm được xác định thành hai hướng với chiều dài khoảng 350km: Tổng cục Cung cấp và Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương giao hàng cho tiền phương ở Ba Khe (Yên Bái); Liên khu 3 và Thanh Hóa giao hàng cho tiền phương ở Suối Rút, Bãi Sang (Hòa Bình). Phương châm vận chuyển được xác định: cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ. Đến ngày 25 tháng 1 năm 1954, gạo và đạn đã được chuẩn bị theo kế hoạch bảo đảm cho nhu cầu tác chiến trước mắt, nhưng dự trữ tuyến sau mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu tác chiến dài ngày. Chiều 25 tháng 1, Bộ Chỉ huy Mặt trận quyết định hoãn tiến công, kéo pháo ra, thay đổi kế hoạch tác chiến, quyết tâm tiêu diệt Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Lực lượng chiến đấu được tăng thêm, gồm 4 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn công pháo, quân số tham chiến khoảng 43.000 người, thời gian tác chiến kéo dài hơn, nhu cầu bảo đảm vì thế mà tăng lên nhiều lần: Gạo 20.000 tấn, đạn 1.000 tấn.

Việc đảm bảo nhu cầu các mặt phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ là một nhiệm vụ nặng nề đối với quân và dân Khu Tây Bắc. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, với tinh thần đoàn kết và nỗ lực hết mình, quân và dân Khu Tây Bắc đã từng bước hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong công tác bảo đảm giao thông, phục vụ cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã huy động được 31.652 dân công với 1.650.740 ngày công, 2.700 thuyền máy, 650 xe đạp thồ phục vụ tiền tuyến, khai thác 45.000m3 đá, lấy 31.300m3 gỗ, tre, vầu để chống lầy, rải đá được 164.900m đường giao thông, cung cấp cho Mặt trận 1.840 tấn gạo, 372 con trâu, 429 con lợn và hàng chục tấn rau xanh.

Đi đôi với công tác tiễu phỉ, nhân dân và các dân tộc Lào Cai đã làm tốt nhiệm vụ củng cố hậu phương, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Lào Cai đã đóng góp 89.215 công người, 25.934 công ngựa thồ, 27.000 công thuyền, 511 xe trâu kéo và 615 xe đạp thồ; đã tham gia sửa chữa 38km đường từ Lào Cai đi Sa Pa với 16 chiếc cầu lớn nhỏ.

Tại Sơn La, ngay từ giữa năm 1953, Sơn La đã triển khai “chiến dịch mở đường” trên quy mô lớn. Khoảng 2 vạn nam nữ thanh niên các dân tộc Sơn La đã nỗ lực, vượt qua bom đạn kẻ thù, quyết tâm làm đúng thời hạn và đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đường giao thông nối Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc được thông suốt. Các con đường 13 và 41 nối liền Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Liên khu 3, Liên khu 4 đã được sửa chữa, tu bổ. Mở thêm tuyến đường vận tải ở huyện Sông Mã; đồng thời sử dụng nhiều con đường khác để vận chuyển kịp thời lương thực, thực phẩm, súng đạn cho Mặt trận Điện Biên Phủ. Ngoài nhiệm vụ mở đường, Sơn La còn được xác định là nơi trung chuyển, là địa điểm xây dựng các tổng kho dự trữ. Sơn La còn là nơi đóng quân của Hội đồng Cung cấp Mặt trận, Sở Chỉ huy các tuyến vận tải, các kho vũ khí, lương thực, trạm vận tải, bệnh xá… Tất cả các nguồn lương thực, thực phẩm, súng đạn từ các hậu phương lớn đều được đưa lên Sơn La và từ Sơn La được vận chuyển đến Tuần Giáo.

Thực hiện Chỉ thị “Chuẩn bị chiến trường của Bộ Tư lệnh Khu Tây Bắc”,  tỉnh Lai Châu đã thành lập Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh và các huyện, đi sâu vào vùng địch hậu vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch. Để có thể huy động sức người, sức của, Ban Cán sự tỉnh Lai Châu phát động phong trào thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chống đói; vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp và cho Nhà nước vay lương thực để phục vụ Chiến dịch; xây dựng vùng mới giải phóng…

Đặc biệt, tại Điện Biên, là vùng địch tạm chiếm, nơi chiến trường diễn ra ác liệt, địch tổ chức dồn ép dân vào các khu tập trung. Để đối phó với địch, trước khi đi, nhân dân đã đuổi hết trâu, bò, lợn, gà vào rừng và tìm cách báo cho bộ đội cứ bắt lấy để nuôi quân, chứ không chịu để cho giặc cướp. Tuần Giáo được Bộ Tư lệnh Khu Tây Bắc giao nhiệm vụ đón tiếp các đoàn dân công từ Pa Nậm Cúm, Sìn Hồ, Mường Lay qua lại. Các đoàn dân công Tuần Giáo đã đón và gánh lương thực, thực phẩm đến các địa điểm quy định, kịp thời phục vụ chiến dịch… Tính chung, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đóng góp vào Chiến dịch Điện Biên Phủ: 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công với 568.139 ngày công…

Dưới sự chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ của Khu ủy Tây Bắc và các Tỉnh ủy, kết quả các chỉ tiêu trên giao cho đều vượt cả về số lượng, chất lượng và thời gian. Nhân dân Khu Tây Bắc không những cung cấp cho bộ đội mọi nhu cầu chiến đấu, mà còn vừa tham gia chiến đấu, vừa chăm lo cho bộ đội từ cái kim sợi chỉ, viên thuốc chữa bệnh, gửi hàng vạn bức thư cổ vũ thăm hỏi chiến sĩ trên mặt trận.

Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng những bài học kinh nghiệm về xây dựng “Thế trận lòng dân”, về xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, về tổ chức chỉ huy và thực hành chiến đấu rút ra trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Tây Bắc vận dụng sáng tạo và phát huy hiệu quả.

Tròn 70 năm đã qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là bản hùng ca bất diệt cổ vũ quân và dân cả nước nói chung, quân và dân Tây Bắc nói riêng bước vào thời kỳ đổi mới, thi đua đẩy mạnh thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Trung tướng PHẠM HỒNG CHƯƠNG, Tư lệnh Quân khu
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.