Chủ nhật Ngày 28 Tháng 04 Năm 2024, 03:53:24

Si Ma Cai – 20 năm trên hành trình ra khỏi huyện nghèo

Ngày đăng: 22/09/2020

20 năm đã đi qua, Si Ma Cai có bước phát triển như trong truyền thuyết con ngựa vươn mình trên vùng biên giới.

Niềm vui ngày trở về xây dựng lại quê hương

Chủ nhật ngày 22/9/2000, tại cuộc mít tinh lớn tại chợ phiên Si Ma Cai, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện Si Ma Cai chính thức ra mắt với quyết tâm cùng đồng bào “tấn công” vào nghèo đói, xây dựng lại huyện vùng cao, biên giới. Khí thế ngày tái lập huyện vào năm đầu của thiên niên kỷ mới là điểm tựa vượt qua khó khăn, thách thức của địa phương – vang mãi truyền thuyết ngựa thần, nơi khuỳnh nhô sông Chảy.

Hãy đặt khó khăn, thách thức của huyện lúc đó trong tiến trình lịch sử của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc.

Bừng sáng phố núi Si Ma Cai.    Ảnh: Ngọc Bằng

Năm 1966, khi miền Bắc bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, để góp phần củng cố hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, huyện biên giới Si Ma Cai được thành lập trên cơ sở 17 xã khu vực phía Bắc của huyện Bắc Hà. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Si Ma Cai luôn là hậu phương vững chắc đóng góp sức của, sức người cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Đất nước thống nhất, nơi đây luôn có nhiều mô hình làm thủy lợi, làm ruộng bậc thang trong định canh, định cư, xây dựng hợp tác xã vùng cao, giữ yên vùng biên giới.

Sau chiến tranh biên giới năm 1979, để tạo sức mạnh mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng pháo đài biên giới, huyện Si Ma Cai được sáp nhập lại với huyện Bắc Hà. Trong bối cảnh ở xa trung tâm tỉnh Hoàng Liên Sơn và sau này tỉnh Lào Cai, dù được trên quan tâm, nhưng khu vực các xã Si Ma Cai vẫn là nơi khó khăn, gian khổ nhất – khó khăn vốn tích tụ từ quá trình phát triển vùng cao, vùng biên ải luôn từng ngày phải đối mặt với cam go, thách thức để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trước yêu cầu đổi mới và thể theo nguyện vọng của đồng bào địa phương, tháng 8/2000, Chính phủ ra Nghị định tái lập huyện Si Ma Cai. Và huyện chuyển lên khu tập kết, chính thức đi vào hoạt động từ 22/9/2000.

Khó khăn sau ngày tái lập huyện thì nhiều, nhưng khó khăn nhất đối với những lãnh đạo chủ chốt khi đó: Một là lựa chọn những giải pháp trọng tâm để chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, “tấn công” vào đói nghèo, vượt qua ngưỡng có xuất phát điểm thấp nhất về kinh tế, huyện nghèo nhất trong số 61 huyện nghèo của cả nước. Hai là sớm ổn định nơi sinh hoạt, nơi làm việc của cán bộ, viên chức. Đi cùng với đó là kiện toàn cấp ủy đảng, HĐND và UBND, các cơ quan giúp việc và hệ thống chính trị huyện mới. Ba là giữ vững an ninh, trật tự nông thôn vùng cao đang có những vấn đề nảy sinh “điểm nóng”, tạo “sức đề kháng” chống diễn biến hòa bình, đi đôi với tăng cường công tác phòng thủ biên giới trong hoàn cảnh mới khi Nhà nước ta nối lại hợp tác toàn diện với Trung Quốc.

Ba việc đó được quán triệt ngay hôm ra mắt huyện mới, là tư tưởng chỉ đạo trong suốt 20 năm qua của huyện…

Hành trình 20 năm thoát ra khỏi huyện nghèo

20 năm sau ngày tái lập huyện, diện mạo nông thôn vùng cao Si Ma Cai đã hoàn toàn đổi thay. Điểm ấn tượng, tâm đắc nhất khi về lại quê hương Si Ma Cai là: Những khó khăn ngày tái lập huyện đã được cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc từng bước “hóa giải” thành công. Nói hóa giải thay cho triển khai thực hiện vì phải qua 20 năm, 4 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện, tháo gỡ từng nút thắt, kinh tế xuất phát điểm thấp, động viên đồng bào khắc phục tư tưởng ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đó là thành tựu xứng đáng với mồ hôi, công sức lao động của đồng bào, cán bộ, đảng viên đã đồng tâm, đồng lòng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.

Những thành tựu nổi bật và ấn tượng nhất những cán bộ trưởng thành từ Si Ma Cai sau này ra tỉnh nhận nhiệm vụ mới cảm nhận được là: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa ở Si Ma Cai là mô hình, điểm sáng cần được nhân rộng. Kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới làm rạng ngời vùng cao biên giới: Đường vào 90 thôn, bản bê tông hoặc trải nhựa cứng, nơi nơi có điện lưới, trường học, trạm y tế, trung tâm xã được đầu tư xây dựng khang trang; xã Si Ma Cai trung tâm huyện lỵ từ nơi khuất nẻo đã thành thị trấn mang vóc dáng đô thị đẹp đẽ vùng biên ải. Văn hóa, xã hội đổi thay căn bản, phổ cập giáo dục thành công. Đặc biệt, hệ thống chính trị sau khi tinh gọn còn 10 xã, được củng cố đáp ứng yêu cầu mới trong cải cách hành chính; đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về mọi mặt, luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, đi đầu trong công tác. Biên giới luôn ổn định và được giữ vững.

Thu hoạch lê Tai Nung ở xã Quan Hồ Thẩn.             Ảnh: Tuấn ngọc

Nhớ lại hành trình ngày ấy, ông Đỗ Minh Lương, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách kinh tế, sau này là Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, người say sưa với các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống năng suất cao vào để đồng bào áp dụng vẫn như chưa hết trăn trở: Xem các mô hình trình diễn, nghiên cứu cùng cán bộ chuyên môn huyện về xây dựng kế hoạch, thông qua cấp ủy thống nhất cao. Rồi tranh thủ sự ủng hộ của các ban, ngành tỉnh, có cả kinh phí hỗ trợ đồng bào mà khi triển khai cứ trầy trật mãi. Cái khó nhất là làm sao thay đổi dần được tập quán sản xuất của đồng bào. Cây ngô lai bai-ô-xít, giống lúa ngắn ngày, cây đậu tương vàng, cây cỏ voi cho chăn nuôi vào vụ sản xuất rất nhanh, cho hiệu quả ngay năm đầu. Chẳng thế mà tổng sản lượng lương thực năm 2000 mới đạt 7.870  tấn, giá trị sản xuất độc canh/ha rất thấp; năm 2020 tăng gấp 3 lần, lên đến 26.500 tấn, giá trị sản xuất đạt 38 triệu đồng/ha. Nhưng cây công nghiệp như cây thuốc lá có thể làm giàu ở vùng đất Si Ma Cai lại không thành công, dù đã tốn rất nhiều công sức, từ vận động, bắt tay chỉ việc, thanh niên tình nguyện vào giúp khi thời vụ (!).

Còn ông Đỗ Trường Sơn, nay là Bí thư Thành ủy Lào Cai, khi đó được luân chuyển về, trước khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND huyện có 3 tháng cắm bản để quen với vùng cao, trực tiếp chỉ đạo cấy lúa xuân ở xã Bản Mế và cụm xã ven sông Chảy, khi về báo cáo giao ban cứ tiếc mãi: Giá ở vùng thấp thì vụ xuân thắng lợi rồi, năng suất hơn hẳn, đồng bào thu lợi từ tăng vụ ở đây nhiều lắm mới phải. Thế mà cứ phải bắt tay, chỉ việc của cán bộ khuyến nông, từ gieo mạ phát cho dân, đến làm đất nhanh, kể cả vận động một số tiểu thương chợ phiên vốn dân gốc thâm canh lúa dưới Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vào hướng dẫn và giúp đỡ cấy theo lối mới. Rồi vụ đầu thắng lợi, 112 ha lúa xuân thành công, năng suất trên 3 tấn/ha, tuy nhiên diện tích những năm sau cứ giảm dần. Khi được điều về tỉnh, ông thăm lại nơi cấy lúa xuân xưa thì đồng bào nói: Lúa xuân tăng vụ thì tốt rồi, nhưng vất vả cho người làm, lại ảnh hưởng tới năng suất vụ hè thu nên dần bỏ không cấy nữa!

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chủ tịch UBND huyện, sau được về làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, người được cán bộ, nhân dân các dân tộc địa phương gọi là “nhà kiến trúc mạng lưới giao thông Si Ma Cai”. Vốn là kỹ sư giao thông, gắn bó với vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai nhiều năm, trưởng thành cùng sự thức dậy của mảnh đất Si Ma Cai. Khi về lại cơ sở, hỏi trưởng bản của 7 thôn, bản xa, khó khăn nhất huyện khi xe máy đến được đều biết tới cán bộ Phúc. 90 thôn, bản làm đường đều có ông tham dự, từ mở tuyến đến xử lý kỹ thuật, làm công tác giải phóng mặt bằng…

Hôm nay, điểm xuất phát bước vào thời kỳ mới, Si Ma Cai đã khác xưa, bài học kinh nghiệm thành công vẫn luôn mang tính thời sự, nhắc nhở lớp cán bộ mỗi khi triển khai một chương trình, dự án mới tiếp tục giảm nghèo bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai về kế hoạch những năm tới: Trên cơ sở quy hoạch đến năm 2030, sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững gắn với tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 12%, GRDP bình quân đầu người/năm đạt 84 triệu đồng; cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thủy sản chiếm trên 42%; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 60 triệu đồng; có từ 4 – 6 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao.Tỷ lệ che phủ rừng sẽ đạt trên 41%. Trước mắt sẽ triển khai 10 đề án trọng tâm chỉ đạo thực hiện đến năm 2025.

20 năm đã đi qua, Si Ma Cai có bước phát triển như trong truyền thuyết con ngựa vươn mình trên vùng biên giới.Thế hệ cán bộ ngày nào cống hiến cho vùng cao nay có người đã nghỉ hưu, có người được phân công đảm nhiệm cương vị mới. Thành quả họ để lại không chỉ tính bằng tấn lương thực, tổng đàn gia súc tăng hằng năm, cùng nhiều ki lô mét đường trải bê tông vào bản, trường học, trạm y tế, trụ sở được quy hoạch đầu tư xây dựng khang trang… Cái lớn lao hơn để lại chính là khí thế ngày trở lại xây dựng huyện 20 năm trước và quyết tâm đưa huyện Si Ma Cai thoát nghèo, để vùng đất biên cương vững vàng bước tiếp trang sử mới… 

(Theo LCĐT)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.