Chủ nhật Ngày 28 Tháng 04 Năm 2024, 04:55:08

“Tám sáu mốc giới” giữa đại ngàn biên cương

Ngày đăng: 21/02/2024

QK2 – Cách đây 5 năm về trước, đầu năm 2019, trong chuyến công tác khảo sát tình hình văn hóa – xã hội của Ban Văn hoá xã hội – Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIII (nhiệm kỳ 2016 -2021), chúng tôi có dịp đến bản A Chè, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Kể từ mối “nhân duyên” ấy, những ngày đầu năm 2024, chúng tôi một lần nữa trở lại bản nhỏ này theo chương trình thiện nguyện tới thăm, tặng quà 18 hộ dân với 86 nhân khẩu ở giữa đại ngàn biên giới, đang ngày đêm thầm lặng “Giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Thời gian thấm thoát trôi đi, 5 năm trước, tôi không thể hình dung mình sẽ quay trở lại bản thế nào, dù sâu thẳm trong lòng lúc nào cũng nghĩ đến bản, đến những người dân ngày đêm thầm lặng đối mặt với nhiều khó khăn nơi vùng cao, vùng sâu giáp biên giới tiềm ẩn với bao điều bất ổn trong cuộc sống hàng ngày. Qua lời kể của những người dân trong bản, thời gian đầu khi bản mới được thành lập, thi thoảng lại xuất hiện những “vị khách không mời” từ bên kia biên giới và rồi người bị bắt đi; nhà Trưởng bản “tự cháy” trong đêm khi Trưởng bản đi thăm vợ mới sinh con ở nhà bố mẹ vợ nơi bản cũ A Thắng, xã Thu Lũm (huyện Mường Tè); chuyện trên đất của gia đình Trưởng bản bỗng dưng có mạch nước phun lên… và theo đó là giai thoại tâm linh khiến dân bản lo lắng, chưa yên tâm định cư lâu dài nơi đây… Tất cả những khó khăn của bản như thước phim quay chậm cứ ngày ngày theo tôi trong suốt 5 năm qua. Chính bởi vậy, trong những ngày đầu năm 2024 này, chúng tôi đã cố gắng thu xếp công việc để trở lại nơi đây – Nơi đã đến dẫu chỉ một lần nhưng con tim dường như đã mãi ở lại.

Đồng chí Lê Thị Kim Ngân, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Than Uyên, tỉnh Lai Châu (thứ sáu từ trái sang, hàng thứ hai) cùng các thành viên đoàn công tác tới thăm, tặng quà 18 hộ dân tại bản A Chè.

Tôi về bản chậm rồi, mẹ Phùng Go Nhù đã ra đi về với tổ tiên. Tôi thấy mình đã bỏ lỡ cơ hội, không kịp gặp người mẹ – già làng ưu tú của bản. Người đã thương con cháu mà cùng theo con cháu tới nơi ở mới. Cùng động viên, chia sẻ những khó khăn, là điểm tựa tinh thần để con cháu yên tâm giữ yên bờ cõi từ những ngày đầu tới lập bản mới nơi này. Còn nhớ, 5 năm trước khi lần đầu tôi về bản, đường xá đi lại vô cùng khó khăn, phải đi rất xa, qua nhiều xã, nhiều bản, nhiều cánh rừng ngút ngàn cây xanh. Theo giới thiệu của bác Lý Anh Po, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Tè, chúng tôi được biết, khu đất của các hộ dân trong bản đang ở hiện nay theo tiếng gọi của người dân tộc Hà Nhì là A Chè. A Chè theo cách đặt vần đề của Người Hà Nhì là “đất thừa”. Cách tôi hiểu gọi là đất dôi dư – Nơi sinh sôi, nẩy nở những điều lành, điều tốt. Tại khu vực này, xưa kia cư dân hai bên biên giới cùng chung săn bắn, chăn, thả gia súc, gia cầm. Để giữ đất, 18 hộ dân là các gia đình trẻ từ hai bản đã xung phong định cư nơi này. Tôi còn nhớ năm 2019, đoàn công tác đi từ huyện lên xã Thu Lũm cả đoàn nghỉ lại Đồn biên phòng, sáng sớm hôm sau theo đường tuần tra biên giới lên với bản, với dân. Hình ảnh tất cả bản ra đón đoàn công tác in dấu mãi trong tôi. Mẹ Go Nhù xúc động lắm, vừa khóc vừa nói lời cảm ơn Đảng, Nhà Nước, lãnh đạo và đoàn công tác đã tới thăm bản và chăm lo cho nhân dân, cho bản A Chè.

Năm đó, về bản dịp đầu xuân nên ruộng có cây lúa đã lên xanh, cảnh sắc đầu xuân có nét đặc trưng của mùa đẹp nhất trong năm. Trưa đó, cả đoàn ăn cơm cùng bản, hôm đoàn đến thăm và ở lại đúng là Têt bản – mọi người cùng múa vui bài múa truyền thống của người Hà Nhì, ai cũng vui!

Quang cảnh một góc bản A Chè nơi đại ngàn biên cương.

Đường về bản năm nay đã gần hơn một chút nhờ tuyến đường mới để tuần tra biên giới và con đường công vụ chạy chéo qua từ trung tâm xã Ka Lăng chếch về hướng bản A Chè, giúp cho Đoàn đi thăm bản đã gần hơn 50 km so với đường đến bản năm 2019, không phải dừng nghỉ ở trung tâm xã Thu Lũm nữa. Qua tâm sự cùng Trưởng bản Sú Phạ, 86 nhân khẩu có thu nhập kinh tế từ 12ha ruộng canh tác một vụ. Việc làm nương và bảo vệ rừng đó là nguồn thu chính để đảm bảo cuộc sống cho người dân A Chè. Năm 2023, huyện đã phê duyệt dự án cải tạo lại mặt bằng của bản, hệ thống nước sạch đã đầu tư xong. Sắp tới, khi xong mặt bằng và sắp xếp lại dân cư, kéo điện lưới hoàn chỉnh, việc tổ chức sản xuất được dẫn dắt phù hợp sẽ góp phần nâng cao hơn giá trị trên một đơn vị sản xuất. Như vậy, cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân sẽ tốt hơn nữa.

Chuyến thăm và tri ân bản A Chè lần này, chúng tôi lại nuốt nước mắt vào trong. Nhiều trăn trở chưa thoát ra được, chỉ biết nói thật gọn: “Tôi yêu bản A Chè và từng hộ dân của bản”. Mong sao bản nhỏ này thực sự yên bình và tôi có sức khỏe thật tốt để được trở về thăm các gia đình tôi yêu quý.

Một mùa xuân mới lại về nơi biên cương của Tổ Quốc, 18 hộ dân luôn cần cù, chịu thương, chịu khó, tảo tần nơi biên giới xa xôi. Cuộc sống tiếp nối ngày lại ngày thầm lặng, từng tấc đất của Tổ quốc được gìn giữ, chở che nguyên vẹn. Có người biết, có người chưa biết, có người có thể không biết. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, những ai đã từng nghe, từng đến nơi này sẽ luôn dành sự khâm phục, trân trọng và biết ơn sự hy sinh lặng thầm mà cao cả của người dân A Chè.

 Chia tay bản A Chè, chúng tôi cứ mong mãi nơi này bốn mùa đều là mùa xuân, là tết, hoa không ngừng nở, chim không ngừng hót và cuộc sống mãi bình an. “Tám mươi sáu cột mốc sống” đang ngày đêm kiên trung giữ đất, giữ rừng, mỗi việc làm hằng ngày của nhân dân đều là hoa đẹp, hoa tươi giữa đại ngàn xanh ngút ngát – trân trọng biết bao.

Bài, ảnh: MAI LÊ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.