Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 09:14:05

Nhớ Người Chiến sĩ Điện Biên ấy…

Ngày đăng: 06/05/2019

QK2 – Trong bài viết này, con vẫn xin gọi Cụ xưng con, như những năm tháng cụ làm thơ gửi về tòa soạn.

Trong danh sách gần 800 “Các nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20” trên trang mạng Max Reading, theo thứ tự bảng chữ cái, “Cụ Vân” mà tôi muốn nhắc đến là nhà thơ Lê Vân xếp ở thứ tự 169. Nhà thơ được ghi tiểu sử ngắn gọn: Tên thật: Lê Vân. Sinh năm: 1930. Nơi sinh: Hà Tĩnh. Bút danh: Lê Vân. Thể loại: Thơ. Các tác phẩm: Dáng đứng Pơ-mu, Gió không lời, Khoảng trời sau cửa sổ, Nắng trong mưa, Lặng lẽ thời gian, Trở lại Lào Cai. Cùng với đó, bài “Trở lại Lào Cai”, nơi xuất bản: NXB Lao động. Bài thơ hiện lên hình ảnh của phố thị vùng cao nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. “…Tất cả còn đây vẫn ở đây. Phố dài lối chợ những hàng cây. Lào Cai điểm tựa vươn nòng súng. Áo lính đi về xanh núi mây…”.

Nhà thơ Lê Vân.

Tôi biết tác giả Lê Vân đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dịp ấy, Báo Quân khu mở “chiến dịch” tuyên truyền về Điện Biên. Trong số thư từ, bài vở về tòa soạn, thỉnh thoảng có tác giả Lê Vân, gửi về từ Bảo Thắng, Lào Cai. Nét chữ viết tay mộc mạc nhưng đầy chất hoa văn, từng trải. Tôi vẫn được tòa soạn giao lựa chọn những tác phẩm phù hợp để biên tập, đăng báo nhà. Vì trong tác giả Lê Vân thấy đậm đặc “chất Điện Biên” nên Báo vẫn thường xuyên sử dụng. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc chất anh hùng ca của một chiến sĩ Điện Biên làm thơ về Điện Biên.

“Đất nước làm nên lịch sử Điện Biên. Máu chiến sĩ đỏ cờ quyết thắng. Hoa nghệ vàng nước mắt Đại tướng. Thành bông hoa Rực rỡ chiến công. Ngắm hoa Tổng Tư lệnh bảo ban. Các đồng chí hãy giữ gìn hoa nghệ. Trong màu vàng pha màu máu chiến sĩ. Và hoa ban trắng xóa cánh rừng.” (Hoa Nghệ vàng ở sân bay Mường Thanh). “Bạn nằm đây dưới rừng hoa Ban. Vui với bản trường ca giải phóng. Bên cạnh anh hùng Phan Đình Giót, Trần Can. Bế Văn Đàn hai vai thành giá súng. Chúng tôi về đây thắp nén hương trầm. Nhớ bạn những ngày ác liệt nhất. Dép lốp mũ nan súng trong tay vững chắc. Chặn quân thù đánh chiếm Him Lam.” (Trắng rừng hoa Ban)…

Một lần, đọc bản thảo bài thơ của cụ gửi về kèm theo số điện thoại, tôi cảm thấy vài từ có vẻ “cờn cợn” nên mạnh dạn điện thoại trao đổi: “Vì là sáng tác nên xin phép được biên tập vài từ…”. Chưa kịp dừng lời, phía đầu kia giọng nói có tiếng cười xòa đầy sảng khoái: “Không sao, quyền của tòa soạn, sờ đến mình, đăng cho mình là vui rồi. Mình không quan trọng nhuận bút, nhuận bút Báo Quân khu đáng gì so với một số báo khác, chỉ thích các cậu gửi báo biếu là hạnh phúc lắm. Với lại mình vẫn coi Báo Quân khu 2 là người nhà, là Quân khu Điện Biên vì mình là chiến sĩ Điện Biện đấy”.

Và mấy ngày sau, tôi nhận được một lá thư cho riêng mình từ Lê Vân. Trong thư, cụ thăm hỏi, động viên tôi cùng các anh em ở tòa; tờ báo Quân khu, đơn sơ, khiêm nhường nhưng đầy chất lính. Cụ gửi kèm góc tờ bìa một cuốn sách in hình chân dung, tiểu sử cùng một số tác phẩm đã in mang tên Lê Vân. Cha chả! Lê Vân – một nhà thơ lớn, sinh năm 1927, có đến mười mấy đầu sách in riêng, in chung. Sinh 1927 hay 1930 không rõ, nhưng nhà thơ ấy đích thực là chiến sĩ Điện Biên.

Rồi cứ thế đưa đẩy, tác giả Lê Vân, ngoài việc gửi bài thì thỉnh thoảng điện hỏi thăm. Ngày tết, ngày lễ, Ngày thành lập Đảng, Chiến thắng 30/4, Giải phóng Điện Biên, Ngày Quốc khánh, Ngày thành lập Quân đội…cụ đều điện hỏi thăm, động viên anh em ở tòa soạn. Cụ tự nhận mình là “ông già lẩm cẩm, rỗi hơi” nên khi điện nếu tôi đang ở gia đình, thể nào cũng yêu cầu được nói chuyện với bố đẻ hoặc vợ tôi. Tất cả những lời chia sẻ của cụ đều xoay quanh những kỷ niệm Điện Biên, kỷ niệm được gặp, làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Mặt trận Điện Biên cũng như trao đổi về văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, phong cách ứng xử của đồng đội, gia đình cùng những kinh nghiệm, kỷ niệm thời làm lãnh đạo cơ quan báo ở các tỉnh Tây Bắc…

Được vài năm, giọng cụ trên điện thoại yếu dần. Cụ bảo, giờ vào sống cùng con gái ở Thanh Hóa, mắt kém, tay run lắm rồi, không nhìn, không viết được. Nằm trên giường bệnh, con cháu phải hỗ trợ trở mình. Có sáng tác thì trong tưởng tượng và đọc, nhờ con, nhờ cháu viết hộ gửi báo. Cụ sử dụng điện thoại đời cũ, mắt không nhìn thấy, tay bấm lần thứ nhất là mở máy, bấm lần hai tìm danh bạ, sau đó bấm xuôi đến bảy thì đó là danh bạ của thằng con ở Báo Quân khu Điện Biên. “Cậu chả điện cho tớ thì tớ điện cho cậu vậy…!”

Vào thời điểm này năm 2018, tôi nhấc điện thoại gọi vào số ghi trên danh bạ: “CỤ VÂN”. Bấm phím đến ba lần vẫn giọng của cô nhân viên tổng đài: “Mời quý khách để lại lời nhắn sau tiếng bíp…”. Trống ngực tôi đổ dồn và nghĩ ngợi khôn nguôi. Kể từ đó đến nay, thỉnh thoảng tôi lại bấm máy… Dịp giáp Tết ta, giọng của nhân viên Tổng đài ghi âm sẵn có sự thay đổi: “Số máy quý khách vừa gọi không đúng, xin vui lòng kiểm tra lại…”.

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên, nhớ Người Chiến Sĩ Điện Biên ấy! Tinh thần Điện Biên có lẽ mãi sống trong lòng Cụ…

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.