Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 10:41:12

Người lính thợ tâm huyết

Ngày đăng: 28/05/2019

QK2 – Trung uý QNCN Đỗ Văn Sơn, nhân viên thống kê ngành xe, Ban kế hoạch kỹ thuật Kho K5 (Cục Kỹ thuật Quân khu) với dáng người tầm thước chắc khỏe, gương mặt cương nghị nhưng toát lên vẻ giản dị, dễ gần. Anh là một trong số các cá nhân tiêu biểu được Chính uỷ Cục Kỹ thuật Quân khu tặng Giấy khen trong phong trào Thi đua Quyết thắng 5 năm (2013- 2018).

Tôi đến Kho K5 vào buổi sáng đầu hạ, doanh trại Kho hiện ra một không gian thật xanh và thoáng đãng. Tại nhà chỉ huy Kho, anh Sơn niềm nở đón khách. Câu chuyện mở đầu mà anh kể với tôi là chuyện nghề, Trung uý QNCN Đỗ Văn Sơn nói thật giản dị: “Trong cuộc đời quân ngũ, nhất là thời gian công tác tại Kho, người lính thợ chúng tôi gặp nhiều khó khăn, phần vì đơn vị đang quản lý, khai thác VKTBKT chủ yếu là thế hệ cũ, qua nhiều năm sử dụng và thiếu đồng bộ, công việc thường xuyên tháo lắp các cụm máy, chi tiết lớn của xe, pháo rất dễ xảy ra mất an toàn; bộ đội làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với xăng, dầu, chất bảo quản và các chất khí thải độc hại… Nếu không xác định rõ trách nhiệm, không có lòng yêu ngành, yêu nghề thì chúng tôi khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Tổ thợ Kho K5 sử dụng thiết bị bơm dầu, bơm dầu cầu xe ô tô.

Dẫn chúng tôi đến vị trí lán xe SSCĐ, anh Sơn giới thiệu về sáng kiến “Thiết bị bơm dầu” do anh làm tác giả, sáng kiến đó đã giúp Kho K5 rất đắc lực mỗi khi bổ sung dầu, mỡ. Trung uý QNCN Đỗ Văn Sơn bộc bạch: “Thời tiết đang nóng, ai cũng thấm mệt khi tôi đề xuất ý tưởng mọi người đều cười và nói, thôi đừng có máy móc làm gì cho phức tạp, để cho đầu óc nghỉ ngơi còn làm việc, nhưng với niềm đam mê được nghiên cứu, ứng dụng những sáng kiến vào công việc hằng ngày, giảm đi sự vất vả của bộ đội, tôi đâu có để ý. Tôi mạnh dạn báo cáo, đề xuất ý tưởng với chỉ huy Đội và được các anh nhiệt tình ủng hộ”.

Không kể giờ nghỉ, ngày nghỉ, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi trên lán xe hay ở doanh trại đồng đội lại thấy anh loay hoay với bản vẽ thiết kế. Thời gian đầu thất bại, mải miết tìm nguyên nhân, có lúc đồng đội thấy anh quên ăn, quên ngủ. “Nghĩ đến sự vất vả, khuôn mặt lấm lem dầu mỡ, quần áo ướt sũng mồ hôi của đồng đội đã thôi thúc tôi không được chùn bước”, anh Sơn tâm niệm.

Sau 2 tháng thử nghiệm, chỉnh sửa, niềm vui vỡ oà khi “thiết bị bơm dầu” của anh được chế tạo thành công. So với phương pháp bổ sung dầu thủ công trước đây, thiết bị này có tính ưu việt hơn hẳn: Giảm một nửa nhân công, thời gian chỉ từ 10 đến 15 phút, thay bằng 30 đến 40 phút trước đây, tuỳ từng loại xe; người lính thợ dễ thao tác sử dụng, có thể thực hiện ở các vị trí khó, không gian chật hẹp, hạn chế việc rơi rớt dầu gây lãng phí và bảo đảm công tác vệ sinh công nghiệp. Đặc biệt, thiết bị có thể bơm hỗn hợp dầu và mỡ được sử dụng trong niêm cất hệ thống truyền động xe xích ATS-59, xe Tăng, pháo tự hành; bơm và hút dầu tuỳ theo từng nội dung công việc. Sáng kiến của Trung uý QNCN Đỗ Văn Sơn giành giải A, tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật LLVT Quân khu lần thứ V; tham gia Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2018 giành giải Ba toàn quân.

Không dừng lại ở đó, với trách nhiệm và tâm huyết của người lính thợ, Trung uý QNCN Đỗ Văn Sơn và đồng đội tiếp tục nghiên cứu cho ra đời 2 sáng kiến: “Thiết bị bảo dưỡng cáp tời” và “Thiết bị căng, trùng băng xích” được nghiệm thu, đánh giá cao. Các sáng kiến đó phục vụ hiệu quả trong việc bảo dưỡng và niêm cất các loại xe tại Kho.

Nói về người lính thợ của mình, Trung tá Phùng Xuân Hậu, Chủ nhiệm Kho K5 chia sẻ: “Đồng chí Đỗ Văn Sơn rất nhiệt tình, trách nhiệm, tận tâm với công việc, chuyên môn vững, là lá cờ đầu trong thực hiện các phong trào thi đua của đơn vị chúng tôi”. Vậy mà khi được phỏng vấn Trung uý QNCN Đỗ Văn Sơn chỉ khiêm tốn cười hiền: “Khi mình hết lòng với đơn vị, toàn tâm, toàn ý với công việc, coi đơn vị như ngôi nhà thứ hai của mình, chắc chắn mọi khó khăn vất vả sẽ qua đi nhanh thôi mà”.

Bài, ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.