Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 12:22:35

Người đảng viên thương binh gương mẫu

Ngày đăng: 28/07/2021

QK2 – Đầu năm 1967 ở chiến trường miền Nam, cuộc chiến đấu của quân và dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược ngày càng khốc liệt. Bao lớp lớp thanh niên trai tráng miền Bắc hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu. Hòa trong không khí sục sôi ấy, chàng thanh niên Nguyễn Hồng Dậu quê ở xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) vừa tròn 18 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ .

Nguyễn Hồng Dậu được biên chế vào đơn vị C16, E64, F320 (Sư đoàn Đồng bằng) huấn luyện bắn súng hỏa lực DKZ. Là người đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu bắn máy bay Mỹ từ khi còn là dân quân xã nên việc sử dụng vũ khí mới đối với anh cũng không khó khăn là mấy, vì thế anh luôn đạt thành tích giỏi trong huấn luyện.

Thương binh nặng Nguyễn Hồng Dậu giao lưu, nói chuyện truyền thống với cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Trung Giáp (tỉnh Phú Thọ).

Tháng 11 năm 1967, từ một địa điểm trong rừng Cúc Phương (Ninh Bình) đơn vị anh làm lễ xuất quân, bắt đầu cuộc hành quân bộ vượt dãy Trường Sơn đến Quảng Bình rồi vòng qua nước bạn Lào, tập kết tại Cam Lộ (Quảng Trị). Suốt từ năm 1969 đến 1974, anh cũng không nhớ rõ mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh. Anh chỉ nhớ mình bị thương tất cả ba lần. Lần bị thương thứ ba là ở trong một trận đánh ác liệt chống quân Ngụy tại Đường 21 Gia Lai vào ngày 17/4/1974. Lần này anh bị thương rất nặng, khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong Viện Quân y 211 ở Gia Lai, mảnh đạn pháo găm khắp người; chân phải bị bay mất một mảnh xương cẳng chân. Điều kiện ở chiến trường không thể nối lại được, bác sĩ đành phải cho nẹp lại. Vì thế mà chân phải của anh ngắn hơn chân trái 7 cm. Bàn tay phải, bàn tay đã từng bao lần siết cò súng găm những viên đạn vào đầu kẻ thù thì giờ đây chúng co quắp, dính chặt lại với nhau không thể cầm nổi chiếc thìa xúc cơm. Sau khi điều trị ở nhiều Viện Quân y và các đoàn an dưỡng. Giám định thương tật, mất sức 81%, hưởng chế độ thương binh nặng, anh được đưa về nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ hiện nay.

Giờ đây đã 72 tuổi, mái tóc đã bạc, vết thương chằng chịt trên cơ thể nhưng gương mặt Thương binh Nguyễn Hồng Dậu vẫn rắn giỏi, đầy nghị lực. Mỗi khi nhắc lại thời trai trẻ chiến đấu năm xưa, ánh mắt của ông lại ánh lên niềm tự hào cùng giọng nói đầy sôi nổi. Ông kể trận đánh ác liệt nhất và cũng là một trong những trận đánh nổi tiếng trong lịch sử mà ông được tham gia đó là trận đánh làm tan rã Lữ đoàn dù số 3 của địch, bắt sống đại tá Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ và toàn bộ Ban tham mưu Lữ đoàn của địch vào trưa 25/2/1971 ở Đường 9 – Nam Lào. Trận đánh này đích thân Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Khuất Duy Tiến và Chính ủy Ðặng Văn Trượng chỉ huy

Lặng đi một lúc, ông nói: Trong các cuộc chiến đấu đánh kẻ thù, anh em trong Đại đội 16 hỏa lực của tôi ngày ấy hy sinh rất nhiều, anh nào còn sống giờ đây hằng năm vẫn tổ chức gặp mặt một lần để tưởng nhớ tới những người đã mất và ôn lại những tháng năm hào hùng xung trận. Nhiều lần gặp mặt, chúng tôi tổ chức đón thủ trưởng Trung đoàn về dự. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng lần nào Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng cũng về dự, động viên anh em. Nói rồi ông mở tủ lấy cho tôi xem mấy tấm ảnh ông và đồng đội chụp cùng Trung tướng Khuất Duy Tiến trong lần gặp măt gần đây…Qua đó, tôi càng thấm thía hơn về tình cảm cán, binh, tình đồng chí, đồng đội, cùng chia ngọt, xẻ bùi, vượt qua gian khó trong chiến tranh cũng như khi về với đời thường.

Qua câu chuyện với Thương binh Nguyễn Hồng Dậu, điều tôi cảm phục nhất ở ông là chưa đầy 7 tháng tuổi quân và chưa đủ 19 tuổi đời, với quân hàm binh nhì trên ve áo, ông đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trên chiến trường ác liệt chống kẻ thù. Vinh dự, tự hào là người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, người đảng viên cộng sản đã là động lực thôi thúc ông vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu. Chính vì thế mà dù đã bị thương đến ba lần, ông vẫn tình nguyện xin ở lại chiến trường cùng đồng đội chiến đấu mong đến ngày chiến thắng, chỉ cho đến khi mất sức chiến đấu hoàn toàn ông mới chấp nhận về khu điều dưỡng.

Với ông, nay vẫn vậy, năm nay đã 72 tuổi đời, 54 tuổi đảng, nhưng luôn một lòng sắt son vững tin vào Đảng quang vinh, vào chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới đất nước. Ông luôn là một người gương mẫu ở mọi lúc, mọi nơi, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng đội thương, bệnh binh; chung sức, đồng lòng cùng tập thể cán bộ, nhân viên và thương, bệnh binh xây dựng “mái nhà chung” Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ vững mạnh tiêu biểu. Ông thường xuyên được các cơ quan, đơn vị, địa phương và các nhà trường trên địa bàn mời giao lưu, nói chuyện truyền thống cách mạng, truyền thống quê hương, đất nước, truyền thống cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" và những tấm gương "Thương binh tàn nhưng không phế"…

Gia đình ông luôn đầy ắp tiếng cười, ông là người cha, người ông mẫu mực. Bốn người con của ông từ trai, gái, rể, dâu đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và đều công tác trong các cơ quan Nhà nước và Quân đội. Trong đó con gái cả của ông là Nguyễn Thị Thanh Huyền, hiện là nhân viên quân y công tác tại Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 406 (Quân khu 2). Con trai ông là Nguyễn Xuân Hanh, đang là Phó Trưởng phòng y tế và phục hồi chức năng của Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ và con dâu là Vũ Thị Thùy Trang, cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị xã Phú Thọ…

Chia tay Thương binh nặng Nguyễn Hồng Dậu, lòng tôi lâng lâng một niềm vui khó tả. Ông đã truyền cho tôi lòng nhiệt huyết, vượt khó, vươn lên, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Là người cũng đã từng cầm súng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên trong những tháng năm ác liệt và trở về đời thường gắn liền trên chiếc xe lăn, tôi càng thêm trân quý ông và lớp lớp những người con đất Việt đã cống hiến, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự trường tồn của dân tộc.

Bài, ảnh: VŨ ĐÌNH TIẾN (Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.