Chủ nhật Ngày 28 Tháng 04 Năm 2024, 03:30:35

Ngọn lửa xanh ở Ngòi Cái

Ngày đăng: 19/09/2020

Ngòi Cái là địa danh nhiều “không” ở xã Tiến Bộ (Yên Sơn). Không điện lưới quốc gia, không cứng hóa đường giao thông đến trung tâm, sóng điện thoại cũng phải trèo lên đỉnh cao nhất để “đón”. Ở đây, Bí thư chi bộ Hoàng Văn Sinh được ví như ngọn lửa xanh dẫn đầu để người Nùng vững tin một lòng theo Đảng, học Bác.

Cán bộ “hai vai”


Anh Hoàng Văn Sinh. 

Sinh năm 1988, Hoàng Văn Sinh tự hào đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 2017. 2 năm sau Sinh đã được 13 đảng viên trong thôn bầu làm Bí thư Chi bộ, khi bắt đầu bước vào tuổi ba mươi.

Nhớ lại những ngày đầu giữ chức vụ tưởng như chỉ dành cho những người đã ở cái tuổi tứ tuần, ngũ tuần, Sinh run lắm. Nhưng cụ Tụ Sào Chỉ, năm nay đã 84 tuổi, đảng viên cao tuổi nhất trong chi bộ vỗ vai anh động viên. Cụ bảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã dạy thanh niên: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền…”, cứ vững tâm mà làm, đảng viên trong chi bộ đã nhất trí bầu mình làm Bí thư Chi bộ, không phải là không có lý do.

Đúng là mọi việc đều có lý do thật. Hoàng Văn Sinh giờ “hai vai” khi giữ hai chức Bí thư ở Ngòi Cái. Vừa làm Bí thư Chi bộ, Sinh cũng đồng thời là Bí thư Chi đoàn của thôn. Sinh bảo, mình được anh em đoàn viên thanh viên bầu làm Bí thư Chi đoàn từ năm 2005 – 2006. Nhưng làm “thủ lĩnh” của đoàn viên thanh niên so với làm “thủ lĩnh” của đảng viên là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Bí thư Chi bộ từ trước đến nay đều là những người đã có tiếng nói, có kinh nghiệm. Làm thế nào để không phụ kỳ vọng của mọi người, làm thế nào để đứng trước những đảng viên trong thôn, nói để họ nghe, tin và ủng hộ. Sinh so sánh, ở bên Đoàn, mình đồng trang lứa nên nói gì, làm gì cũng dễ hơn. Trong khi bên đảng, các đảng viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, vai vế không chỉ so trên công việc, mà so từ trong chính gia đình, dòng tộc… mình làm gì, nói gì cũng phải suy nghĩ trước sau, không chỉ hợp lý mà còn phải hợp tình, hợp nghĩa nữa.

Được cụ Chỉ động viên, Sinh vững tâm hơn nhiều. Sinh đến trò chuyện với từng đảng viên, học từ cách nói, cách làm đến cách suy nghĩ để phù hợp với từng lứa tuổi… Những lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu dần qua. “Miệng nói tay làm”, Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Sinh dần xóa đi những rào cản, bất đồng về tuổi tác, vai vế trong thôn. Những đoàn viên ưu tú trong chi đoàn như Hoàng Văn Huy, Lù Văn Đông… cũng được Sinh giới thiệu vào Đảng, vừa trẻ hóa đội ngũ đảng viên, vừa góp phần tích cực xây dựng chi bộ vững mạnh.

Phải nghĩ cách để bà con hết nghèo

Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Sinh nhớ mãi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Việc gì khó Sinh cũng tiên phong làm trước, nhất là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.


 Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Sinh chăm sóc vườn rừng.

Ngòi Cái cách trung tâm xã gần chục cây số, mà toàn là đường đất. Nhà Sinh cách trung tâm thôn 2 – 3 cây số nữa. Sinh kể, mình không phải là người nhiều chữ khi dừng theo đuổi con chữ từ khi học hết cấp II. Anh nhớ lại, những năm 2005 – 2006, trong khi học sinh ở nhiều nơi đã có xe đạp, xe gắn máy để đi học, thì học sinh ở Ngòi Cái vẫn phải cưỡi ngựa đến trường ở trung tâm xã. Học hết lớp 9, do nhiều nguyên nhân, từ câu chuyện đường sá không thuận lợi, đến hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện để cậu học trò nhỏ trọ học ở trung tâm xã, Sinh nghỉ học về quê phụ giúp cha mẹ. Rồi đến khi lập gia đình ra ở riêng, câu chuyện xóa đói giảm nghèo vẫn là nỗi canh cánh với Bí thư “hai vai” Hoàng Văn Sinh.

Sinh bảo, năm nay xã Tiến Bộ đăng ký về đích nông thôn mới, những cái “không” của Ngòi Cái sẽ được xóa bỏ, trong đó có 6,5 km đường giao thông, gần 7 km đường điện trung áp và hạ áp đang được triển khai xây dựng. Với người Nùng ở Ngòi Cái giờ sẽ không chỉ lo chuyện xóa đói giảm nghèo nữa, mà tính đến chuyện xa hơn là làm giàu từ chính mảnh đất quê mình.

Ngòi Cái có gần 90 hộ dân, 100% đồng bào dân tộc Nùng. Thôn có hơn 50 đoàn viên, thì quá 2/3 số đoàn viên thanh niên đi làm việc tại các doanh nghiệp. Thanh niên rời khỏi làng một phần vì mưu sinh, một phần cũng do mình chưa năng động, chưa nghĩ ra cách để anh em yên tâm bám đất quê làm giàu. Nghĩ vậy, Sinh nghĩ đủ cách để ở quê cũng có thể kiếm được tiền, có thể không cao như đi làm việc tại các công ty, nhưng ổn định để người dân không phải rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình nữa.

Sẵn đất, Sinh trồng 5 ha rừng. Anh khoe, vườn rừng giờ đã gần 5 năm tuổi, cây tốt lắm, lớn nhanh lắm. Ngày nào Sinh cũng lên rừng chăm cây. Hết bón phân, phát cỏ, tỉa cành. Cứ đà này, chỉ hai năm nữa là nhà anh có khoản thu tương đối từ rừng rồi.

Sinh sang các xã lân cận của Yên Sơn, Sơn Dương như Thái Bình, Thượng Ấm học cách trồng nhãn. Giờ anh đã có hơn 200 gốc nhãn ghép, chưa có thu nhập, nhưng bước đầu vườn nhãn phát triển khá nhanh và hợp đất. Đất ở Ngòi Cái chủ yếu là đất rừng, mình cứ tăng gia sản xuất, lựa chọn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất quê thì nhất định sẽ có nguồn thu. Nghĩ thế, nên Sinh mua 250 gốc tre bát độ về trồng quanh nhà để lấy măng. Sinh bảo, tre bát độ nhà anh trồng đã được thu 2 vụ rồi, mỗi vụ cũng được dăm bảy triệu đồng. Anh cũng vừa nhờ Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Việt kết nối, học tập kinh nghiệm nuôi ốc nhồi để xây dựng một số mô hình điển hình tại thôn.

Giờ ở Ngòi Cái, câu chuyện trồng rừng, trồng tre lấy măng được nhiều người học theo. Trưởng thôn Ngòi Cái Thèn Văn Chương bảo, thấy người trẻ năng động thế mình cũng không thể đi sau được. Trưởng thôn Chương cũng trồng 8 ha rừng, 2 ha tre bát độ… Người Nùng ở Ngòi Cái vẫn giữ được những phong tục xưa cũ, trong đó có lễ cúng thần rừng. Với họ, thần rừng được coi như vị thần linh chở che cho dân bản khỏi thiên tai, thú dữ. “Mình cũng như Sinh, và nhiều đồng bào Nùng ở Ngòi Cái, cứ tin ở thần rừng, bám lấy rừng là sẽ không thể nghèo được” – Trưởng thôn Thèn Văn Chương khẳng định thế.

(Theo Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.