Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 10:24:57

Mong muốn giúp người dân đọc thông, viết thạo

Ngày đăng: 18/05/2023

QK2 – Dự hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Dự án 174, tăng cường trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) đến công tác tại Khu KT-QP Sông Mã, giai đoạn 2021-2030, tôi ấn tượng với chàng thanh niên có dáng người tầm thước, nước da ngăm đen khi em lên nhận Giấy khen của UBND huyện Sốp Cộp vì có những đóng góp trong công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn. Đó là Vừ Bả Nọ, Đội viên TTTTN Đoàn KT-QP 326.         

Vừ Bả Nọ (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm dạy tiếng Mông với các đội viên TTTTN Đoàn KT- QP 326.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sơn La, chuyên ngành sư phạm Văn năm 2017, Vừ Bả Nọ luôn mong ước một ngày gần nhất sẽ được đứng trên bục giảng dạy học cho học sinh trên mảnh đất quê hương mình. Khi biết được thông báo của Ban Quản lý Dự án 174, Đoàn KT-QP 326, tuyển chọn đội viên TTTTN đến công tác tại Khu KT-QP Sông Mã, Vừ Bả Nọ nộp hồ sơ đăng ký tham gia và trúng tuyển. Đầu năm 2022, Đoàn KT- QP 326 có chủ trương phối hợp mở lớp xoá tái mù chữ cho người dân trong vùng dự án trên địa bàn bản Huổi Men, xã Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La). Là người dân tộc Mông, thành thạo ngôn ngữ của đồng bào, Vừ Bả Nọ được lựa chọn làm giáo viên đứng lớp.

Qua câu chuyện với chàng trai người dân tộc Mông này, chúng tôi hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của em để “gieo chữ” cho đồng bào ở Huổi Men. Vừ Bả Nọ cho hay: Huổi Men là bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Lạn. Nơi đây chưa có điện lưới quốc gia, cũng chẳng có sóng điện thoại, nước sinh hoạt thường xuyên thiếu thốn. Em được chỉ huy Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1, Đoàn KT-QP 326 giao nhiệm vụ “cắm bản”, hằng ngày ăn, ở, sinh hoạt tại Huổi Men để thuận lợi dạy chữ cho người dân.

Vừ Bả Nọ kể: “Lớp học phải sử dụng ánh sáng từ chiếc bóng điện tích từ nguồn năng lượng mặt trời; bàn học chiếc cao, chiếc thấp, học sinh đến với lớp học buổi đủ, buổi thiếu do nhiều hôm bà con đi làm nương về muộn không đi học. Nơi em ở, căn phòng được làm tạm bợ bằng gỗ tạp, rộng chưa đầy 5m2. Chiếc giường được làm bằng vài tấm ván gỗ ghép lại. Để có nước sinh hoạt, hằng ngày em cần đi bộ đến nhà bà con trong bản chừng 300m”.

Vượt qua những khó khăn, song niềm vui lớn nhất của Vừ Bả Nọ sau gần 8 tháng đứng lớp dạy chữ là 22 học sinh ở bản Huổi Men theo học đã đọc thông, viết thạo, giao tiếp được tiếng phổ thông với nhau hằng ngày.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ ở Huổi Men, mới đây Vừ Bả Nọ được Ban Quản lý Dự án 174 Đoàn KT-QP 326 giao nhiệm vụ tiếp tục dạy tiếng phổ thông tại điểm trường thuộc bản Nà Khoang, xã Mường Và (Sốp Cộp). Lớp học có 27 học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau, điều đáng nói trong lớp học đặc biệt này có 3 cặp vợ chồng đăng ký theo học. Ở Nà Khoang đường xá đi lại thuận tiện, điều kiện học tập của người dân cũng thuận lợi hơn.

Vừ Bả Nọ chia sẻ: “Bà con đến với lớp học đều là người dân tộc Mông, những ngày đầu theo học gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu nội dung học tập, những buổi học đầu lên lớp, tôi thường dành thời gian trò chuyện cùng bà con bằng tiếng Mông và tiếng phổ thông. Tôi mong muốn qua lớp học này bà con đều đọc thông, viết thạo, giao tiếp được với nhau bằng tiếng phổ thông”. 

Thượng tá, Trần Quốc Việt, Phó Đoàn trưởng, Trưởng Ban quản lý Dự án 174, Đoàn KT-QP 326 cho biết: “Thời gian qua, Ban quản lý Dự án 174 Đoàn KT-QP 326 phối hợp chặt chẽ với Phòng giáo dục và đào tạo huyện Sốp Cộp, cấp uỷ chính quyền các địa phương trong vùng dự án mở lớp xoá tái mù chữ, đồng thời giao nhiệm vụ cho đội viên TTTTN có phương pháp sư phạm tốt, biết tiếng đồng bào đứng lớp. Qua các lớp học, Đoàn KT-QP 326 mong muốn sẽ góp phần cùng địa phương phổ cập giáo dục, nâng cao đời sống dân trí, giúp người dân tiếp thu các mô hình, dự án của Đoàn tốt hơn, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống”.

Bài, ảnh: MINH NGHĨA

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.