Thứ sáu Ngày 03 Tháng 05 Năm 2024, 06:45:43

Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch: KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU CON ĐƯỜNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA MÀ ĐẢNG, BÁC HỒ VÀ NHÂN DÂN TA ĐÃ LỰA CHỌN

Ngày đăng: 11/11/2015

Noi gương Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 vĩ đại, được lý luận của chủ nghĩa Mác- Lê nin soi đường, những người cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã sớm tìm ra cho dân tộc ta con đường đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử nhân loại, đó là quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Chính cương sách lược vắn tắt của Đảng khi mới thành lập đã chỉ rõ: Cách mạng Việt Nam là “Cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo, đánh đổ đế quốc và phong kiến giành độc lập dân tộc và người cày có ruộng”. Luận cương Tháng 10 năm 1930 của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”.[1]
Trung thành với chính cương vắn tắt và Luận cương đó, 85 năm qua, kể từ khi ra đời cho đến nay, trong đó có 70 năm (1945-2015) với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, hy sinh, kiên định vững vàng với con đường đã lựa chọn, đưa đất nước từng bước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời cho thấy, không có đảng phái, giai cấp nào đủ khả năng lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, cơm áo, hạnh phúc cho nhân dân, bởi các đảng phái, giai cấp đó không có đường lối đúng và tổ chức chặt chẽ, mục tiêu của cuộc cách mạng cũng không rõ ràng, thiếu triệt để. Ví như phong trào Cần Vương của Tôn Thất Thuyết, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Châu Trinh đến các cuộc khởi nghĩa: Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học… lần lượt thất bại vì những lý do nêu trên. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với đường lối đúng đắn và tổ chức chặt chẽ, được vũ trang bằng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu đấu tranh của Đảng không có gì khác ngoài tranh đấu đòi độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân lao động, thế nên, mục tiêu phấn đấu của Đảng phù hợp với nguyện vọng, ước muốn của nhân dân, được nhân dân yêu mến ủng hộ. Vừa ra đời, Đảng ta nhanh chóng thâm nhập sâu vào trong quần chúng, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh yêu nước của toàn dân đã âm ỉ sẵn bấy lâu nay, quyết tâm đứng lên đánh đuổi bọn thực dân và phong kiến, giành độc lập cho dân tộc và tự do, cơm áo cho nhân dân. Điển hình là cao trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã đứng lên đập tan ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền công nông theo hình thức Xô Viết để thực thi các nhiệm vụ do cách mạng đặt ra. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng những thành quả mà các Xô Viết mang lại, thể hiện rõ tính chất ưu việt của chế độ mới, cổ vũ nhân dân cả nước tích cực đấu tranh đòi quyền lợi của nhân dân lao động.
Nắm bắt thời cơ, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Do bản chất giai cấp của nhà nước là nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nên cách mạng Việt Nam đã vượt qua được những cơn nguy biến, chính quyền cách mạng có lúc như “ngàn cân treo sợi tóc” nhanh chóng chiến thắng thù trong, giặc ngoài, đẩy lùi giặc đói, giặc dốt, từng bước thiết lập nền tảng của chủ nghĩa xã hội ngay từ khi cả nước còn đang tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Năm 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội và trở thành hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà. Trải qua hơn 20 năm kiên trì đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, bằng đường lối độc lập tự chủ, với ý chí “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi to lớn bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Song do chủ quan duy ý chí, áp dụng máy móc mô hình của Liên Xô, cộng với chính sách bao vây cấm vận của Mỹ làm cho nền kinh tế nước ta một thời gian dài rơi vào khủng hoảng trầm trọng, lạm phát tăng nhanh, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút. Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới và sau 3 năm thực hiện, năm 1989, Đảng Cộng sản Việt Nam tổng kết và nêu lên 5 nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công cuộc đổi mới, trong đó, nguyên tắc quan trọng hàng đầu là: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta, là sự lựa chọn sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng ta. Xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng và nhân dân ta. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội với những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp”.[2]
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII một lần nữa khẳng định: ”Mục tiêu bất di, bất dịch là xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “Đối với nước ta không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do”.[3] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX tiếp tục nhấn mạnh “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa”.[4] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung và phát triển năm 2011 khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh do nhân dân làm chủ…” [5]
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá, chúng công kích, rêu rao “chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời”, “chủ nghĩa cộng sản đến ngày cáo chung”, “thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa tư bản”…
Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, chính là bảo vệ hệ giá trị của chủ nghĩa xã hội,mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên, công chức trong các cơ quan của nhà nước, nhân dân các địa phương và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong các lực lượng vũ trang phải thường xuyên quán triệt, nắm vững bản chất cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức đúng lý luận mô hình, quá trình vận động của chủ nghĩa xã hội ở nước ta, kiên quyết đấu tranh bảo vệ sự trong sáng, chân lý thời đại của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời tuyên truyền rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân thấy rõ giá trị của độc lập tự do, những thành quả to lớn mà chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã đem lại, nhận diện đầy đủ những nguy cơ mà Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ ra, trong đó đáng lưu ý là: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “ Diễn biến hòa bình” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”. [6]
Trong điều kiện toàn cầu hóa quốc tế ngày càng sâu rộng, các nước có chế độ chính trị khác nhau đã và đang tiến tới nhận thức chung, vì lợi ích của mỗi quốc gia mà xác định cùng nhau tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuyến thăm của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào đầu tháng 7 năm 2015 theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama và chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Nhật Bản vào trung tuần tháng 9 mới đây theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một minh chứng sinh động về khả năng đối thoại, hợp tác, công nhận sự khác biệt của nhau giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau trong thời đại mở cửa và hội nhập. Thông qua đó cũng thể hiện chủ trương đúng đắn trong chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng, nhà nước ta với các nước trên thế giới, đồng thời khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, một nước do một đảng duy nhất lãnh đạo hệ thống chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, Đảng ta xác định lợi ích quốc gia hàng đầu là phải giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bởi xét cho cùng mọi quan hệ làm ăn với các nước cuối cùng đều phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có giữ vững được độc lập dân tộc mới bảo đảm môi trường hòa bình ổn định để xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngược lại có xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mới tạo cơ sở bền vững để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, thềm lục địa của Tổ quốc. Hai nhiệm vụ này có quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển trong quá trình vận động của cách mạng ở mỗi giai đoạn. Điều cuối cùng cần nhấn mạnh là, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cùng với không ngừng củng cố QP-AN vững mạnh, phải thường xuyên chăm lo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đồng thời tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh như Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu. Bởi có xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh mới bảo đảm cho Đảng ta xứng đáng là Đảng cầm quyền, đủ khả năng lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, ngăn ngừa nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa như nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã cảnh báo. Mặt khác, có xây dựng Đảng trong sạch, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh mới thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng lãng phí thắng lợi, góp phần huy động nhiều nguồn lực của đất nước để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Làm được như thế chính là thể hiện đầy đủ sự kiên định với mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn.
THU DUYÊN

[1] Đảng CSVN – các Đại hội và Hội nghị Trung ương, Lê Mậu Hãn, NXBCTQG, ST, Hà Nội, 1998, Tr25.
[2] Đảng CSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Sdd,T49, tr590-591.
[3] Đảng CSVN, các Đại hội và Hội nghị Trung ương, Lê Mậu Hãn, ST, NXBCTQG, Hà Nội, 1998, Tr170.
[4] Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, ST, NXBCTQG, Hà Nội – 2001, Tr83.
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG,ST, Hà Nội, 2011 Tr70.
[6] Đảng CSVN, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG,ST 2011,Tr184-185.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.