Thứ hai Ngày 06 Tháng 05 Năm 2024, 06:03:05

Điện Biên Phủ nơi mảnh đất hồi sinh

Ngày đăng: 03/05/2024

QK2 – Trong những ngày lịch sử này tôi may mắn có dịp cùng các cựu chiến binh và du khách đội nắng leo đồi A1. Quả đồi mà cách đây 70 năm về trước đã diễn ra một trong những trận đánh tốn nhiều công sức nhất. Để hôm nay mỗi khi nhắc đến, những người chiến sĩ năm xưa mặc dù đã ngót trăm tuổi như cựu chiến binh Bùi Văn Tỉnh ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên vẫn còn nhớ như in từng diễn biến của trận đánh. Ông khẳng định: “Chiến thắng đồi A1 là nhờ quả bộc phá do tôi phụ trách, vì lúc ấy trung đội cử tôi dẫn một số đồng chí về hậu cứ đưa bộc phá lên. Nói là 1 nghìn cân nhưng thực tế chúng tôi bao được 984 cân. Khi đã đặt xong bộc phá tôi báo cáo về chỉ huy sở, chỉ huy sở lệnh cho các đồng chí rút ra khỏi 200m, tôi phụ trách anh em cơ động về mạn gần dưới suối Hồng Lưu ẩn nấp, khi anh em đã vào vị trí an toàn tôi báo cáo trên, thế là trên cho nổ quả bộc phá. Khi nổ bộc phá thì trung đội tôi xung phong đầu tiên lên đồi A1, lúc tôi cùng anh em vào hầm ngầm thấy giặc chết ngổn ngang, nó chết là do bị sức ép, vì sức công phá của quả bộc phá rất là lớn, đồng chí đánh quả bộc phá ngất nhưng mà cấp cứu được nên rất là mừng, lúc ấy vui sướng lắm. Thế sau đó thì chúng tôi cùng các đơn vị tiếp tục đánh sang Mường Thanh để tiến công đánh vào hầm DeCastries.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên tham quan triển lãm“70 năm – Âm vang Điện Biên”.

Với A1, hay bất kỳ quả đồi nào nằm quanh vùng lòng chảo Điện Biên, đều mỗi tấc đất cũng nhuốm máu xương bậc cha chú. Lịch sử đã ghi, 15 giờ ngày mùng 7 tháng 5, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích trước giờ quy định: “Phải đánh thẳng vào Sở chỉ huy, phải đánh mạnh, bao vây chặt, không cho DeCastries, hoặc bất cứ quân địch nào chạy thoát”. Từ hướng Đông, Trung đoàn 209 và các Trung đoàn 98, Trung đoàn 174 tiến vào Mường Thanh. Phía Tây, Trung đoàn 36 tiến đến cứ điểm cuối cùng. Trung đoàn 88 cũng mở đường qua sân bay tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch, A1 chìm trong khói lửa. Bằng những loạt đạn, pháo như sấm rền, sự dũng cảm của những người con ưu tú sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ngàn năm văn hiến đã sẵn sàng xả thân để rồi 17 giờ 15 phút DeCastries cùng toàn bộ quân Pháp đầu hàng vô điều kiện.

Chiến thắng của quân ta trên đồi A1 đã trở thành một trong những chiến công huyền thoại đi vào lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để hôm nay du khách thập phương cả trong và ngoài nước, đặc biệt là những cựu chiến binh như ông Trần Viết Hồi 93 tuổi ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn thấy lâng lâng nhớ về quá khứ, nhớ về một thời ông cùng đồng đội đã từng nằm gai nếm mật, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Ông chia sẻ: “Khi đặt chân lên Điện Biên Phủ này tôi có những cảm xúc riêng của người lính. Trong tự hào vinh quang tôi vẫn không thể tránh khỏi những xót xa nhớ về những giây phút chính mình tận tay gói gém, chôn cất đồng đội trong vội vàng, lúc ấy chỉ biết dặn bạn mấy câu, nhớ lắm, xót lắm các đồng đội ơi”. Nhìn ánh mắt xa xăm tiếng gọi trong vô vọng tôi cảm giác được nỗi nhớ nhung, thương xót của ông với đồng đội. Trầm ngâm giây lát ông Hồi nói tiếp: “Tôi vẫn khâm phục cái sự gan dạ dũng cảm của quân và dân ta thời kháng chiến chống Pháp. Lúc đó thì nghèo lắm, gian khổ lắm, phương tiện vận chuyển khó khăn lắm, thô sơ lắm. Nếu hồi tưởng lại những ngày tháng khoét núi ngủ hầm và có những hôm nắm cơm chia bốn thì chính mình cũng phải phục mình. Nhưng tôi vẫn rất tự hào về những người lính, tự hào về Đảng quang vinh về Bác Hồ, bác Giáp”. Tôi mong muốn thế hệ hôm nay và mai sau cần hiểu sâu sắc hơn nữa cái giá của sự hòa bình, hãy trân trọng những mất mát hy sinh của những người đi trước để cho đất nước có được cơ đồ như ngày hôm nay, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

70 năm sau chiến dịch lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đã có nhiều đổi thay trên mảnh đất lịch sử này. Tính đến năm 2023, tỉnh Điện Biên có hơn 64 vạn dân của 19 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa, tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa. Đồng thời là tỉnh giàu tiềm năng về du lịch. Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 484 cơ sở giáo dục và đào tạo, với hơn 22 vạn học sinh, sinh viên; có trên 79% số trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế được củng cố hoàn thiện theo hướng tinh, gọn, hiệu quả. Chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách được triển khai thực hiện tốt.  Hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì, phát triển. Số thôn bản, tổ  dân phố, khu dân cư và hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Có 74% hộ gia đình; 81,7% thôn, bản, tổ dân phố; hơn 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Tỉnh đã tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, trong đó Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Đền thờ Liệt sỹ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng là những điểm nhấn. Cùng với đó là các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập, các đồi A1, C1, D1, E1; khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (hầm Đờ Cát). Rừng nguyên sinh Mường Nhé, hang động Pa Thơm, Thầm Púa, suối khoáng nóng Hua Pe, U Va, các hồ Pá Khoang, Pe Luông vv…

Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã có những khởi sắc về kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 6,83%. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021- 2023 đạt 9,33% năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng trên năm. Quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp đã gắn với xây dựng nông thôn mới, từng bước đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Hệ thống giao thông tiếp tục được ưu tiên nguồn lực để thực hiện đầu tư, đến nay có 125/129 xã có đường ô tô đến trung tâm xã và đi được quanh năm.

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Điện Biên luôn coi trọng công tác Quốc phòng – an ninh. Đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chiến lược quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác đối ngoại và đối ngoại quốc phòng được mở rộng; tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào. Duy trì quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Chú trọng xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, thực sự là nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; xây dựng tiềm lực trong khu vực phòng thủ gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển.

Trong kháng chiến trường kỳ gian khổ, lòng chảo Điện Biên, quân Pháp hùng hồn ví như “Cối” xay thịt Việt Minh, để rồi chính “Cối” đó lại xay cả xương người Pháp. Đã tạo cho Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam hôm nay trở nên trù phú hơn, để hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng, đúng như cố nhà thơ Tố Hữu đã để lại cho chúng ta hôm nay và mai sau. Mong sao Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương tiếp tục có những cơ chế, chính sách quan tâm hơn nữa để cùng với nội lực, nội sinh của Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đoàn kết, đồng lòng xây dựng tỉnh Điện Biên thực sự trở thành miền đất phát triển một cách toàn diện. Để ai đến Điện Biên đều cảm nhận rõ sự đổi thay trên vùng đất một thời khói lửa. Vùng đất tàn khốc do chiến tranh sẽ là vùng du lịch trọng điểm của Tây Bắc và cả nước.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.