Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 05:29:22

Cựu chiến binh “mê” hội họa

Ngày đăng: 06/11/2016

Về thôn Phương Lâu, xã An Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi thăm Cựu chiến binh Dương Văn Nhâm ai ai cũng chỉ dẫn chúng tôi tường tận. Người dân Phương Lâu đều biết đến Cựu chiến binh “mê” hội họa này. Chỉ với năng khiếu bẩm sinh, cùng với sự say mê, tự học hỏi ông đã vẽ, đắp, khắc họa được hàng trăm bức tranh, phù điêu lớn, nhỏ trên nhiều chất liệu ở các tỉnh, thành.

Cựu chiến binh Dương Văn Nhâm luôn tỷ mỷ trong từng nét vẽ.

Cựu chiến binh Dương Văn Nhâm luôn tỷ mỷ trong từng nét vẽ.

Tháng 3 năm 1979, giữa lúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra ác liệt, cũng như bao trai tráng trong làng, Dương Văn Nhâm khoác ba lô lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Những năm tháng xa nhà đằng đẵng, lại giữa chốn rừng sâu núi thẳm Phong Thổ (Lai Châu), ngoài thời gian tham gia huấn luyện, chiến đấu, làm các nhiệm vụ khác các chiến sĩ “giải sầu” bằng những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Rồi ai yêu thích, có sở trường gì thì thể hiện cho đồng đội xem. Nhiều người viết thơ, nhạc, đàn, hát, còn Dương Văn Nhâm chỉ biết trải lòng mình trên tờ giấy bằng những tác phẩm hội họa – một sở thích từ ngày còn học phổ thông. Thấy Nhâm viết, vẽ đẹp, nhiều đồng đội đã nhờ anh vẽ trong các cuốn sổ tay để làm kỷ niệm. Thủ trưởng đơn vị thấy vậy đã điều động Nhâm lên làm công tác Tuyên huấn, chuyên đắp, vẽ tuyên truyền theo các nhiệm vụ của đơn vị. Đến tháng 3 năm 1987, Dương Văn Nhâm chuyển công tác về Nhà Văn hóa thông tin thành phố Vĩnh Yên và tháng 6 năm 1991, do hoàn cảnh gia đình neo đơn Nhâm đã xin nghỉ một lần về chăm lo gia đình, phụng dưỡng bố mẹ già, chăm sóc con nhỏ.
Về quê, những tưởng công việc đồng áng, ruộng vườn, rồi lo miếng cơm manh áo lấn át hết niềm đam mê hội họa, nhưng dù có lam lũ vất vả đến mấy thì tình yêu hội họa trong sâu thẳm trái tim người cựu chiến binh vẫn luôn cháy bỏng. Nhiều buổi tối chỉ với ánh đèn dầu, cây bút chì và tờ giấy trắng, nhưng với sự sáng tạo, tài tình Dương Văn Nhâm đã tạo ra nhiều tác phẩm. Đó là những bức tranh về người nông dân, vùng quê trung du thanh bình yên ả. Để có nhiều chủ đề vẽ, người họa sĩ lão nông đã lao vào đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu, sách, báo tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước và của tỉnh, huyện; tìm hiểu kỹ về đường nét, hình khối, đặc trưng hội họa của các đời: Lý – Trần – Lê – Nguyễn. Kiến thức luôn thường trực trong đầu ông về những dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc. Khi cơ quan đơn vị, địa phương nào đặt ông vẽ về chủ đề gì thì ông đều tìm hiểu kỹ về lịch sử, văn hóa, truyền thống rồi mới phác thảo ý tưởng và vẽ. Ban đầu chỉ là vẽ trên giấy, sau ông Nhâm tập vẽ trên các chất liệu khác như: Đá, tường chát xi măng, gỗ. Không chỉ giỏi vẽ ông còn giỏi cả đắp nổi, khắc chìm. Với lối vẽ, đắp, khắc đơn giản, nhưng đường nét về cảnh quan, lịch sử, con người thì rất tinh xảo, sắc nét. Chủ đề ông thích vẽ nhất là về Quân đội, LLVT. Tài năng đắp, vẽ, khắc của họa sĩ CCB không chỉ giới hạn trong huyện, tỉnh mà đã lan xa ra các tỉnh, thành khác như Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Ninh… Nhiều cơ quan, đơn vị đã đến nhờ ông lên ý tưởng, vẽ, đắp, khắc tranh khổ lớn. Ông đã tham gia trùng tu, tôn tạo, sửa chữa nhiều đình, đền, di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh. Tùy theo sở thích, yêu cầu nhưng khi đã nhận lời đắp, vẽ, khắc họa cho ai thì ông đều dành thời gian nghiên cứu, phác họa chủ đề sao cho có ý nghĩa, phù hợp với cơ quan, đơn vị nhất. Mỗi bức tranh ông đắp, vẽ đều ẩn chứa những thông điệp giá trị về thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa, nhân văn mang tính định hướng giáo dục cao.
Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.