Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 08:20:40

Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc nền giáo dục Việt Nam

Ngày đăng: 05/09/2018

Qk2 – Thời gian gần đây, sự việc đáng tiếc trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình được nhân dân, dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm. Trên thực tế, qua điều tra và xác minh, cơ quan chức năng đã phát hiện hành vi chỉnh sửa, nâng điểm, làm sai lệch kết quả của hàng trăm bài thi. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm, 26 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Sự việc gian lận thi cử trên đã để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng và phức tạp.

Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh minh họa

Lợi dụng những sự việc này, các đối tượng cơ hội chính trị, phản động đã đưa ra nhiều thông tin sai lệch, đầy tính “kích động” trên các trang mạng xã hội và báo nước ngoài. Chúng cho rằng “nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục dối trá từ trên xuống dưới”, “Việt Nam không dám thanh tra tiếp, muốn gói gọn sự việc lại, sợ bung bét…”, “công cuộc cải cách giáo dục đã hoàn toàn thất bại”… Chúng còn mạnh miệng cho rằng “khắp ngành giáo dục chỉ toàn là tiêu cực, chạy chọt, đục khoét” hay “giáo dục hiện nay là thiếu dân chủ, việc học sinh học giỏi chỉ là nỗ lực cá nhân chứ không phải từ hiệu quả của nền giáo dục trong nước” và cuối cùng như thường lệ chúng “khéo léo kết luận” rằng “Gốc rễ của sự dối trá, mục ruỗng trên là do đặt dưới sự cai trị của Cộng sản độc tài”.

Phải khẳng định rằng đây đều là những âm mưu, chiêu trò thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động và cơ hội chính trị. Lợi dụng sự bức xúc của nhân dân, chúng nhanh chóng “thừa nước đục thả câu”, xuyên tạc, bôi nhọ và phủ nhận thành tựu của nền giáo dục nước nhà bằng những lời lẽ đầy mơ hồ, xảo trá. Mục đích cuối cùng của chúng là gây mâu thuẫn, nghi ngờ, chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, từ đó dẫn đến “tự diễn biến”, tiến tới đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đa nguyên, đa đảng.

Trên thực tế, ngay khi có dư luận phản ánh nghi ngờ về điểm thi cao bất thường tại Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Công an thành lập Tổ công tác liên ngành tiến hành thanh kiểm tra về kết quả thi tại đây trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, chính xác theo đúng quy chế và các quy định hiện hành. Khi xác nhận có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng đã nhanh chóng tổ chức họp báo công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo đảm chính xác, khách quan, kịp thời; không để những sai phạm trong kỳ thi làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, uy tín của các thầy cô giáo và gây tâm lý hoang mang cho học sinh, phụ huynh và xã hội… Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp yêu cầu phải xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật nhằm lấy lại lòng tin của người dân. Thủ tướng khẳng định không thể vì bệnh thành tích mà bỏ qua việc này, cần có kết luận rõ ràng, xem xét việc thi THPT và thi đại học một cách nghiêm túc để yên dân.

Sau khi kiểm tra Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tến hành kiểm tra ở Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình và một loạt các tỉnh khác, Sở giáo dục các tỉnh cũng chủ động rà soát, kiểm tra lại tất cả các khâu trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan cho thí sinh. Những cán bộ vi phạm đã bị cơ quan công an khởi tố và bắt tạm giam. Kết quả chấm thẩm định sẽ thay thế cho kết quả chấm thi được công bố trước đó. Có thể thấy, chúng ta đã nhìn thẳng vào sự việc, kiên quyết xử lý chứ không hề bao che, dung túng như một số thông tin bịa đặt.   

Sự việc gian lận thi cử trong kì thi THPT quốc gia năm nay là nghiêm trọng nhưng coi đó là thước đo để đánh giá cả một nền giáo dục thì thật là thiển cận, phiến diện. Chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá khách quan cả một quá trình, không thể vì một sai lầm mà phủ nhận sạch trơn những cố gắng, nỗ lực của cả một hệ thống. Đảng ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29-NQ/TW). Sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Cơ sở vật chất được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, THCS… Nước ta là một trong những điểm sáng của giáo dục thế giới khi có nhiều học sinh đạt huy chương tại các kỳ Olympic quốc tế Toán, Vật Lý, Hóa học, Sinh học. Đó là những thành tích được cả thế giới ghi nhận, là kết quả từ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của thầy cô, gia đình và xã hội; sự ổn định về chính trị cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. 

Chính vì vậy, dù sự việc vừa qua là rất đáng tiếc, nhưng không vì thế chúng ta bi quan, chùn bước, mất niềm tin. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cần cảnh giác trước những thông tin sai lệch, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nhất định Việt Nam sẽ vươn đến tầm cao trí thức, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

QUANG MINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.