Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 07:13:26

“Bản đội trưởng” với mô hình kinh tế kết hợp

Ngày đăng: 22/05/2019

QK2 – Đến bản Đoàn Kết, xã Chiềng Hặc, Yên Châu (Sơn La) hỏi thăm đến ông Tô Thanh Bình ai nấy đều biết. Ông là một Bản đội trưởng năng động, nhiệt huyết, tiếng lành đồn xa với mô hình phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC) tại địa phương.

 Quê Tây Lương, Tiền Hải (Thái Bình), ông Tô Thanh Bình sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chiềng Hặc, nơi ông đã gắn bó với đồng bào Thái hơn 45 năm qua. Ông Bình bắt đầu lập nghiệp từ nghề sửa xe máy tại địa phương. Hơn 20 năm trong nghề để bươn chải lo toan cuộc sống gia đình, dần dần đồng bào nơi đây coi ông Bình như người con của bản, của làng. Năm 2002 – 2005 với uy tín của mình trước dân bản, ông Bình được bầu làm trưởng bản bản Đoàn Kết; năm 2007 – 2009, làm công an viên. Từ năm 2015 đến nay, ông Tô Thanh Bình được cấp ủy, chính quyền địa phương giao nhiệm vụ làm bản đội trưởng.

Mô hình phát triển kinh tế VAC của bản đội trưởng Tô Thanh Bình.

Trải qua các cương vị công tác khác nhau, ông Bình luôn nhận được sự tin tưởng từ cấp ủy, chính quyền và đồng tình ủng hộ từ người dân trong bản. Ông Hà Huy Tụ, Bí thư Chi bộ bản Đoàn Kết, xã Chiềng Hặc nhận xét: “Là Chi ủy viên và là bản đội trưởng, đồng chí Tô Thanh Bình luôn năng động, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc. Đặc biệt, đồng chí Bình luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế của gia đình”.

Gắn bó với đồng bào Thái lâu năm, ông Tô Thanh Bình với mong muốn làm một mô hình kinh tế VAC để người dân học hỏi và làm kinh tế trên chính mảnh đất quê hương, không cần phải đi làm thuê ở những nơi khác. Năm 2016, ông Bình quyết định bỏ ra 350 triệu đồng để thầu 3,8ha đất vườn ở bản Cang, xã Chiềng Hặc. Đây cũng là một quyết định khó khăn đối với ông và gia đình, vì chính bản thân ông cũng không phải là một người xuất thân từ nghề vườn tựa và chưa có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây ăn quả. Ông Tô Thanh Bình chia sẻ: “Toàn bộ vườn tôi thầu có tổng số 370 cây xoài cổ thụ, cây tuy lâu năm nhưng về sản lượng rất thấp, từ đó tôi quyết định chặt toàn bộ số cây trên để mọc mầm mới rồi ghép giống mới. Nghiên cứu trên mạng, tìm hiểu mô hình trồng cây ăn quả của một số hộ gia đình trong xã để học kỹ thuật ghép cây và cách chăm bón”.

Bên cạnh việc ghép giống mới, ông Bình còn trồng thêm 450 cây giống xoài Úc và xoài tựa da xanh để mở rộng mô hình vườn. Với tổng số hơn 800 cây xoài trong vườn, sau một năm đã cho thu hoạch vụ đầu được hơn 7 tấn, trừ chi phí phân bón, thuê mướn nhân công, ông Bình thu về hơn 150 triệu đồng. Bên cạnh đó ông Bình còn tận dụng chỗ đất dưới tán để trồng thêm bí cao sản thu về trên 25 triệu đồng và 130 gốc bưởi Diễn đang phát triển tốt. Ngoài ra ông Tô Thanh Bình còn xây dựng chuồng trại trong vườn để chăn thả gà và đào ao thả cá diện tích 400m2, với tổng chi phí đầu tư 1,2 tỷ đồng.

Với thành công bước đầu từ mô hình VAC của ông Tô Thanh Bình, nhiều người dân ở bản Cang và các bản khác đã đến tìm hiểu và học hỏi. Theo ông Lò Văn Phanh, trưởng bản bản Cang: Ngày trước do người dân trong bản chưa biết cách làm, nên tính hiệu quả sản lượng xoài không cao. Nhưng từ khi cho ông Bình thầu thì thấy hiệu quả và nhiều người đến tham quan, học tập mô hình VAC này.

Nói về khó khăn trong xây dựng và duy trì mô hình, ông Bình chia sẻ: “Do thổ nhưỡng ở đây phức tạp, địa hình đất dốc, đặc biệt là ở bản Cang này chưa có điện lưới quốc gia nên khó khăn trong việc bơm nước tưới tiêu. Tôi phải sử dụng máy nổ để bơm nước từ dưới ao lên, chi phí cũng tốn kém”.

Bà Hà Thị Mai, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Chiềng Hặc nhận xét: “Đồng chí Tô Thanh Bình là một bản đội trưởng trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác chuyên môn, là một trong những người đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương, đặc biệt là mô hình VAC. Từ mô hình này, chúng tôi đã xác định nhân rộng điển hình trong toàn xã để những hộ gia đình khác học tập và làm theo”.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.