Chủ nhật Ngày 28 Tháng 04 Năm 2024, 12:11:41

Phát huy nhân tố chủ quan trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở hiện nay

Ngày đăng: 02/10/2021

QK2 – Phát huy nhân tố con người trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại Quân đội là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta. Điều đó được đúc rút từ tinh hoa nghệ thuật quân sự của dân tộc và sự kế thừa trực tiếp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về xây dựng “người trước súng sau”.

Các đơn vị cơ sở Sư đoàn 316 thường xuyên coi trọng công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ.

Trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Trên cơ sở đó, chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội được nâng lên; bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân được giữ vững và tăng cường; bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trong đó, hoạt động giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng được các đơn vị cơ sở đặc biệt coi trọng; đồng thời, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để hạ sĩ quan, binh sĩ phát huy vai trò nhân tố chủ quan của mình trong quá trình giáo dục chính trị nói chung và giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng nói riêng. Chính vì thế, chất lượng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của hạ sĩ quan, binh sĩ ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, so với nhiệm vụ của từng đơn vị nói riêng và yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới thì chất lượng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng còn những vấn đề bất cập. Trong khi đó việc phát huy nhân tố chủ quan trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của hạ sĩ quan, binh sĩ còn nhiều hạn chế cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện. Nhận thức của một số cán bộ, chỉ huy các đơn vị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng còn hạn chế nên xem nhẹ hoạt động này. Mặt khác, bản thân một số hạ sĩ quan, binh sĩ cũng chưa thật chủ động trong việc tận dụng điều kiện, khả năng, phát huy nội lực vào hoạt động giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, cho nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện tại các đơn vị cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với thực tế đó, ngày nay trước sự tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; bên cạnh đó, sự chống phá của các thế lực thù địch trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là sự chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, làm suy giảm đạo đức, lối sống, phai nhạt niềm tin, lý tưởng, sống thụ động, chông chờ, ỷ lại, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Đặc biệt, Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Nghị quyết chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái, trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống… Do vậy, càng phải đòi hỏi coi trọng và không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của từng hạ sĩ quan, binh sĩ.

Từ những lý do trên, tất yếu các đơn vị cơ sở phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Từ đó, coi trọng xây dựng và phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ trong hoạt động giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 chăm sóc vườn hoa cây cảnh, củng cố cảnh quan môi trường đơn vị.

Thực tế cho thấy, phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng là quá trình mà các yếu tố thuộc về phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm hoạt động sáng tạo của họ được huy động, sử dụng vào hoạt động giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, chức trách nhiệm vụ được giao.

Mục đích của quá trình phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng là nhằm nâng cao trình độ tri thức, phẩm chất, năng lực và khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ hạ sĩ quan, binh sĩ, nâng cao chất l­ượng tiếp thu, lĩnh hội tri thức, tình cảm đạo đức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo hành vi đạo đức, xây dựng, củng cố và phát triển phẩm chất đạo đức cách mạng nhân cách cho hạ sĩ quan, binh sĩ.

Phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng là quá trình nâng cao toàn diện trình độ tri thức cho hạ sĩ quan, binh sĩ, từ tri thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, tri thức khoa học quân sự và những tri thức mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, trong đó đặc biệt chú ý nâng cao tri thức chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là chuẩn mực, các hệ giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc và quân đội. Khơi dậy tình cảm, ý chí, động cơ, thái độ của hạ sĩ quan, binh sĩ, kết hợp giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, t­ư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, truyền thống đạo đức, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, với động viên cả về vật chất và tinh thần. Nhằm nâng cao tình cảm ý chí, xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm của họ đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa với quân đội và đơn vị, từ đó họ tin tư­ởng phấn khởi tự nguyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chủ thể của quá trình phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở là các tổ chức, các lực lư­ợng tham gia trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, giáo dục, rèn luyện, huấn luyện. Nh­ưng bao trùm, chi phối và trực tiếp nhất là chi bộ đại đội, đội ngũ cán bộ chỉ huy và chính bản thân hạ sĩ quan, binh sĩ.

Trên cơ sở sự tác động của các chủ thể, vấn đề có ý nghĩa quyết định đến phát huy vai trò nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ chính là bản thân hạ sĩ quan, binh sĩ. Hạ sĩ quan, binh sĩ là chủ thể trực tiếp của sự phát huy, đồng thời là khách thể chịu sự tác động của các yếu tố trong quá trình phát huy. Họ luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, nhiệm vụ, chức năng của mình. Từ đó luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tích cực tự giác, chủ động sáng tạo, không ngừng nâng cao chất l­ượng, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện. Nh­ư vậy, với hạ sĩ quan, binh sĩ, việc phát huy nhân tố chủ quan của họ là một quá trình tự thân, tự chuyển hoá. Mặt khác, họ là những ngư­ời luôn chịu sự tác động của các tổ chức, các lực l­ượng trong hệ thống giáo dục. Đây là một quá trình biện chứng giữa sự tác động của những giá trị, những yêu cầu, những chuẩn mực đạo đức xã hội, những yêu cầu của ng­ười cán bộ cách mạng với sự tiếp nhận, tự tu d­ưỡng rèn luyện, phấn đấu nhằm biến những giá trị chuẩn mực xã hội thành những giá trị phẩm chất nhân cách của mình. Quá trình chuyển hoá này diễn ra trên cơ sở nhận thức khoa học với niềm tin cộng sản của ng­ười quân nhân cách mạng, giữa sự thống nhất lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, xã hội, cộng đồng.

Như vậy, phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, là một quá trình tác động biện chứng giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, đó là quá trình hoàn thiện hơn các yếu tố cấu thành của nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ, như­: Trình độ tri thức, tình cảm ý chí, thái độ, động cơ và năng lực hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm, kinh nghiệm hoạt động sáng tạo. Qua đó, khơi dậy những tiềm năng, óc sáng tạo của chính họ thành những hành vi cụ thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nói chung và giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng nói riêng. Phát huy vai trò nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở nhằm mục đích nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của hạ sĩ quan, binh sĩ trong nâng cao chất lư­ợng lĩnh hội tri thức và hệ giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo của hành vi, xây dựng phẩm chất nhân cách cho hạ sĩ quan, binh sĩ.

Để phát huy nhân tố chủ quan trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở hiện nay, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp với việc phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở hiện nay trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đây là nhân tố cơ bản giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự quản lý của người chỉ huy các cấp là điều kiện tiên quyết để hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng bảo đảm mọi hoạt động của hạ sĩ quan, binh sĩ luôn đúng hướng và tạo điều kiện để họ không ngừng phấn đấu vươn lên nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực.

Để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự quản lý người chỉ huy các cấp trong việc phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cần thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo cấp ủy Đảng các cấp đối với việc phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ trong hoạt động giáo dục, huấn luyện, rèn luyện; tăng cường sự quản lý của người chỉ huy trong các  hoạt động của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng; xây dựng, phát huy vai trò, sức mạnh của tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ Đoàn viên – Hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và chăm lo xây dựng tổ chức, đoàn thể vững mạnh về mọi mặt là trách nhiệm của tổ chức Đảng, người chỉ huy.

Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, hoàn thiện nhân cách cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đây là biện pháp cơ bản để nâng cao nhận thức, tình cảm, phẩm chất và bản lĩnh chính trị cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Biện pháp này nhằm làm cho họ tin tưởng và trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, ra sức phấn đấu nâng cao phẩm chất và năng lực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, hoàn thiện nhân cách là trực tiếp nâng cao chất lượng xây dựng quân đội về chính trị, tạo cơ sở xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Để thực hiện tốt các nội dung trên cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tập trung đổi mới, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”

Thứ ba, xây dựng môi trường văn hoá tốt đẹp, lành mạnh, phong phú và bảo đảm cơ sở vật chất nhằm phát huy nhân tố chủ quan trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở. Môi trường văn hoá tốt đẹp, lành mạnh, phong phú, cơ sở vật chất vừa là điều kiện bảo đảm vừa là động lực thúc đẩy hạ sĩ quan, binh sĩ tích cực, chủ động nâng cao trình độ, tri thức, xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm đúng đắn và năng lực thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Chính vì vậy, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội; đồng thời bảo đảm tốt cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật nhằm phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy, phát huy vai trò của cơ quan chính trị các cấp trong xây dựng môi trường văn hóa và bảo đảm tốt cơ sở vật chất phương tiện kỹ thuật nhằm phát huy nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng; tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hoạt động văn hóa, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các thiết chế văn hóa trong xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú ở đơn vị cơ sở.

Thứ tư, phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động tự giáo dục, rèn luyện của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đây là khâu có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao phẩm chất, năng lực của hạ sĩ quan, binh sĩ. Bởi lẽ công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng chỉ đạt được mục đích khi đối tượng giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng tiếp nhận, chiếm lĩnh nội dung đào tạo, bồi dưỡng biến thành năng lực, phẩm chất của họ. Cho nên các bước trong quá trình giáo dục, huấn luyện và rèn luyện của các chủ thể tiến hành công tác này đòi hỏi không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục huấn luyện, rèn luyện theo hướng đề cao tính tích cực, tự giác của hạ sĩ quan, binh sĩ; tích cực phổ biến kinh nghiệm, phương pháp rèn luyện; xây dựng động cơ, thái độ trách nhiệm cao trong tự xây dựng ý chí quyết tâm của hạ sĩ quan, binh sĩ; duy trì và thực hiện tốt các chế độ quy định trong sinh hoạt, huấn luyện, rèn luyện; theo dõi chặt chẽ, đánh giá rút kinh nghiệm và uốn nắn, định hướng kịp thời hoạt động tự giáo dục, rèn luyện của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Thứ năm, nâng cao chất lượng huấn luyện, trang bị kiến thức quân sự cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là biện pháp có vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, thực tiễn vừa là cơ sở của nhận thức vừa là mục đích của nhận thức, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy quá trình vận động, phát triển của nhận thức; thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm chân lý. Để thực hiện có hiệu quả biện pháp này, bên cạnh việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, cần ưu tiên và tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh cho hạ sĩ quan, binh sĩ; tăng cường huấn luyện thể lực, bảo đảm cho hạ sĩ quan, binh sĩ có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ; thường xuyên làm tốt công tác huấn luyện chiến thuật cho hạ sĩ quan, binh sĩ sát thực tiễn, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đơn vị…

Mỗi giải pháp có vị trí, vai trò và ý nghĩa khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất và là cơ sở tiền đề của nhau. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện cần phải bám sát các yêu cầu đã xác định để kết hợp chặt chẽ và tiến hành đồng bộ hệ thống các giải pháp trên. Tuy nhiên, phải căn cứ vào đặc điểm, điều kiện cụ thể ở mỗi đơn vị trong các thời điểm khác nhau để vận dụng linh hoạt từng giải pháp sao cho phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất để phát huy nhân tố chủ quan trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở thời gian tới.

TÔ VĂN ĐỒNG – ĐÀO DÂNG TRIỀU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.