Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 07:11:31

Hệ lụy từ mê tín dị đoan

Ngày đăng: 26/10/2020

Quá tin vào tướng số, bói toán; dâng sao giải hạn linh đình, tốn kém, chữa bệnh bằng cúng bái hay những kiêng cữ phản khoa học… mê tín dị đoan đã và đang len lỏi vào cuộc sống của một bộ phận người dân. Chính sự thiếu hiểu biết của người dân về những điều không có thật trong cuộc sống đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu có cơ hội hoạt động. Và từ đây, nhiều hệ lụy khôn lường đã xảy ra.

 

Người dân không nên lạm dụng việc mua sắm và đốt vàng mã gây tốn kém và lãng phí. Ảnh: Dương Chung

 

 

Mê tín dị đoan là sự tin tưởng một cách mê muội vào những điều hoang đường, trái ngược với tự nhiên, không có cơ sở khoa học. Mặc dù, đây là tình trạng không mới trong đời sống xã hội, tuy nhiên, vẫn có không ít cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, núp bóng tâm linh để trục lợi, tạo ra những ảnh hưởng xấu trong xã hội.

Còn nhớ cách đây vài năm, qua sự truyền bá của một số đối tượng về khả năng chữa bách bệnh của bà Phan Thị Tranh ở thôn Viên Du, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương – người tự xưng mình là “thần y”, “bà tiên”…, mỗi ngày, có hàng trăm người dân trong và ngoài tỉnh tìm đến bà chữa bệnh.

Theo cách của bà Tranh, chỉ bằng cách bắt tay khám bệnh, hát cho bệnh nhân nghe, truyền năng lượng và cho bệnh nhân uống nước sắc từ các loại lá, rễ, thân cây do bà tự tìm kiếm thì mọi bệnh tật sẽ bị đẩy lùi.

Lợi dụng tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của những người đang đau ốm, bà đã có nguồn thu nhập lớn từ việc chữa bệnh lạ thường mặc dù bà chưa qua đào tạo chuyên môn về ngành Y và không có giấy phép hành nghề của cơ quan chức năng.

Đây hành vi lừa đảo thu tiền bất chính bằng phương pháp chữa bệnh vô lý, hoang đường, phản khoa học; cơ quan chức năng cũng đã có biện pháp xử lý mạnh tay.

Trên địa bàn tỉnh còn nổi lên việc một số người dân địa phương tin theo lời của một số cá nhân, bỏ bê công việc, học hành, gia đình để tham gia vào các hội nhóm tà đạo, trái pháp luật như: Hội Thánh đức chúa trời, Hội Tâm linh… gây xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, mất nhiều thời gian, tiền của, ảnh hưởng đến sức khỏe, lao động, việc làm.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, các hội nhóm tà đạo thường tìm cách lôi kéo những người có trình độ hạn chế hoặc đang gặp khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống để truyền bá những giáo lý đi ngược lại văn hóa, đạo lý của người Việt Nam như bất hiếu, phủ nhận vai trò của các bậc sinh thành, đập bát hương tổ tiên, vô trách nhiệm với gia đình, người thân…

Đã có nhiều trường hợp tin vào lời của các hội, nhóm tà đạo bị bệnh không đi khám chữa tại các cơ sở y tế mà chỉ thờ cúng, uống nước thánh – nước lã để chữa bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nhiều trường hợp bị lừa đảo mất tiền của, mất nhà, cuộc sống bị đảo lộn, gia đình tan nát, tình hình an ninh trật tự của địa phương trở nên phức tạp. Ở đây, người hưởng lợi chính là những kẻ lợi dụng tâm linh để thu lời bất chính.

Mới đây nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Vũ Thị Hòa (sinh năm 1972), quê ở tỉnh Yên Bái, sinh sống tại thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại lâm nghiệp và dược liệu Vũ Thị Hòa để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vũ Thị Hòa tự nhận mình là “nhà ngoại cảm” có khả năng thấu thị, nói chuyện với người âm, tìm được hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra của cơ quan công an và quân đội thì Hòa không hề có khả năng thấu thị mà thực chất là vợ chồng Hòa dựng ra rất nhiều chiêu trò mang màu sắc tâm linh để thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, có khoảng 100 người bị vợ chồng Hòa huy động đóng góp tiền của để tìm hài cốt liệt sĩ, song thực chất là chiếm đoạt tài sản. Không dừng lại ở đó, năm 2015, Hòa về địa bàn tỉnh sinh sống và tổ chức xem bói, chữa bệnh trái phép, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Hiện nay, còn rất nhiều hành vi mê tín dị đoan khác cũng đang diễn ra khá phổ biến như: mua sắm cả núi vàng mã (tiền đô la, xe máy, ti vi, nhà lầu, xe hơi, du thuyền…) để cúng tiến cho người âm; xem bói qua internet, thậm chí có một số “thầy” còn xem bói qua livestream…

Theo Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Đức Hạnh, nguyên nhân chủ yếu do một số người dân nhận thức chưa đúng về tín ngưỡng, tôn giáo và họ tin mê muội vào “thế lực siêu nhiên”.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân một số kẻ xấu đã lừa bịp, dụ dỗ để trục lợi. Thậm chí hành vi mê tín dị đoan còn núp bóng tín ngưỡng để dễ dàng lừa gạt, mê muội người dân.

Hậu quả để lại không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người, hoang mang trong dư luận xã hội mà còn ảnh hưởng đến những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Vì mê tín dị đoan không ít gia đình đã lâm vào cảnh ly tán, tan cửa nát nhà, suy kiệt về kinh tế. Bao cái chết thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân là do người dân nhẹ dạ, cả tin vào thầy mo, thầy cúng.

Để đấu tranh với tình trạng này, bên cạnh việc tuyên truyền về hệ lụy của mê tín dị đoan, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng mê tín dị đoan, gây tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của nhân dân.

Vạch trần những thủ đoạn lừa bịp, “buôn thần bán thánh”… để mọi người phân biệt đâu là tôn giáo, tín ngưỡng, đâu là mê tín dị đoan, từ đó thấy được đâu là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng chân chính, đâu là lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan.

(Theo Báo Vĩnh Phúc)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.