Thứ ba Ngày 30 Tháng 04 Năm 2024, 11:35:46

Giữa mây trời Khau Cau

Ngày đăng: 02/12/2020

Giờ đây, thôn Khau Cau, xã Phúc Yên (Lâm Bình) không còn cảnh “3 không” (không đường, không điện, không chợ) như trước nữa. Đường từ trung tâm xã đến thôn được trải nhựa phẳng lỳ, điện tỏa về khắp bản… Vừa rồi, bà con vui mừng, phấn khởi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm về dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, bàn giao đường giao thông, đường điện cho người dân Khau Cau.

Giải cơn “khát điện”

Là một trong những thôn xa xôi và khó khăn nhất của xã Phúc Yên, người dân Khau Cau rất “khát điện”. Những ngôi nhà nằm lưng chừng núi tối về leo lét đèn dầu, khiến người ta cảm nhận như có nỗi buồn 
man mác. 

Nhớ lại những năm trước, Chủ tịch UBND xã Phúc Yên Chẩu Văn Đội chia sẻ, đường vào thôn là đường đất đi lại rất khó khăn, mỗi khi có việc cần về thôn phải chọn ngày trời nắng, đoạn đường từ trung tâm xã vào đến thôn 12 km nhưng phải đi mất hơn 1 giờ đồng hồ, những hôm mưa thì xe không thể vào được. Được sự quan tâm của Nhà nước thôn Khau Cau đã được đầu tư điện, đường, rồi đây cuộc sống của người dân sẽ đổi thay. Từ hôm có điện, bà con đã tấp nập mua sắm đồ điện sinh hoạt, sửa sang nhà cửa. Tiếng nhạc, tiếng hát rộn ràng như “Tết sớm”. 

Chị Đặng Thị Sỵ, thôn Khau Cau, xã Phúc Yên (Lâm Bình) đầu tư máy xay xát phục vụ sản xuất.

Được triển khai từ đầu năm 2020, dự án cấp điện lưới quốc gia cho 2 thôn xa nhất của xã Phúc Yên là thôn Nà Khậu và Khau Cau do Sở Công thương làm chủ đầu tư tổng số vốn hơn 15,3 tỷ đồng gồm 3 trạm biến áp công suất 50 KVA và hơn 20 km đường dây 35 kv và 0,4 kv. Ngay khi dự án xây dựng đường dây, trạm biến áp cấp điện được triển khai, người dân 2 thôn đã tạo điều kiện thuận lợi, hiến hàng trăm mét vuông đất và nhiều tài sản giá trị để thi công công trình. Nhờ đó, dự án hoàn thành đúng tiến độ, kỹ thuật, đảm bảo cấp điện cho các hộ theo kế hoạch đề ra. Đầu tháng 11 này, công trình đã được hoàn thành cấp điện cho 268 khách hàng. Có điện lưới, niềm vui, niềm cảm xúc như được vỡ òa. Ngay khi đơn vị thi công đặt cột, kéo dây đến thôn là nhiều hộ dân đã rục rịch mua sắm các thiết bị điện thiết yếu trong gia đình như quạt điện, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, loa đài, máy xay xát…

Anh Triệu Tài Phú, thôn Khau Cau không giấu được niềm vui, anh bảo điện về thôn, bà con xem ti vi, tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng, áp dụng vào sản xuất. Nhờ có điện lưới quốc gia, bà con có điều kiện đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ và chế biến được nhiều nông sản. Điện mang ánh sáng về cho đám trẻ học tập tốt hơn…

Cô giáo Triệu Thị Năm, điểm trường tiểu học thôn Khau Cau vui mừng nói, có điện lưới rồi, việc học hành của các em học sinh cũng được nâng cao hơn. Đặc biệt, việc xây dựng giáo án và truyền đạt kiến thức qua các bài giảng qua thiết bị điện tử sinh động, hấp dẫn sẽ giúp cho việc học tập của học sinh hiệu quả hơn. Trong tương lai gần, bọn trẻ trong thôn sẽ được học công nghệ thông tin, mở mang kiến thức…
Điện về, 120 hộ dân thôn Khau Cau có điều kiện phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Vừa mới có điện, gia đình chị Đặng Thị Sỵ đã đăng ký kéo điện 3 pha, đầu tư hơn 20 triệu đồng mua máy xay xáy để kinh doanh phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn.

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui của người Khau Cau như được nhân đôi khi con đường ĐT 185 dài 12 km từ trung tâm xã vào thôn do Sở Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư cũng vừa được bàn giao đưa vào sử dụng dịp này. Anh Đặng Toàn Sểnh, Trưởng thôn Khau Cau cho biết, theo chủ trương, nhân dân tự giải phóng mặt bằng, không có kinh phí đền bù nhưng nhận thấy ý nghĩa của con đường nên các gia đình đều không đong đếm thiệt hơn. Hành lang, mặt bằng nhanh chóng được giải phóng do nhiều hộ tự nguyện hiến đất. 

Đường ĐT. 185 hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ việc đi lại cho người dân thôn Khau Cau.

Gia đình ông Đặng Tòn Hào, thôn Khau Cau hiến đất nhiều nhất. Ông Hào cho biết, trước đây đường đi qua cổng nhà ông nhưng đường nhỏ, đi lại khó khăn, bọn trẻ đi học vất vả lắm. Điều này khiến ông Hào trăn trở, vậy nên khi Nhà nước triển khai làm đường, ông đã tự nguyện chặt bỏ những cây mỡ đã trồng được 4 – 5 năm tuổi và hiến gần 4.500 m2 đất. Ông thấy trong lòng thật thanh thản, bởi làm được điều hữu ích cho thôn, cho xã.

Ông Đặng Toàn Sểnh, Trưởng thôn Khau Cau chia sẻ, hiện nay 85% tuyến đường nội thôn đã được bê tông hóa, trong đó năm 2020 thôn đã làm được 839 m đường giao thông nông thôn vượt kế hoạch 65 m, mỗi nhân khẩu đóng góp 380.000 đồng để hoàn thành tuyến đường. Người dân Khau Cau giờ đã biết tính toán làm ăn, thâm canh gối vụ và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thôn có trên 50 ha, phát triển chăn nuôi  hơn 300 con lợn, đàn trâu 80 con. Cùng với nông nghiệp, trong thôn mỗi hộ nhận khoán bảo vệ vài ha rừng phòng hộ, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dưới tán rừng như hộ anh Phùng Vinh Phượng chăn nuôi hơn 10 con trâu, bò và nhận bảo vệ hơn 10 ha rừng. Nhờ đó số hộ nghèo từ 105 hộ năm 2019, đến nay giảm còn 95 hộ. Các hộ trong thôn tạo điều kiện để con em mình đi học, 100% trẻ em thường xuyên đến trường. 

Có điện, có đường đẹp rồi, tương lai tươi sáng sẽ mở ra, đó là điều mà người dân Khau Cau đang hướng tới. Dẫu còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng được sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh, Khau Cau sẽ vươn mình trong tương lai…

(Theo Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.