Thứ tư Ngày 01 Tháng 05 Năm 2024, 01:00:12

Giữ đẹp những con đường

Ngày đăng: 09/12/2020

Hai năm qua, người dân sinh sống dọc Quốc lộ 2C – đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thôn 1, xã Đạo Viện (Yên Sơn) đã quen thuộc với hình ảnh màu áo xanh tình nguyện đi thu gom rác đều đặn vào các ngày thứ 4 và thứ 7 hàng tuần.

Mô hình xuất phát từ thực tế

Trước năm 2018, khái niệm phân loại, thu gom và vứt rác vào nơi quy định còn rất mơ hồ đối với những người dân sinh sống tại tuyến đường Quốc lộ 2C. Rác thải sinh hoạt được người dân vứt ra dọc con đường Đèo Bắp, bờ suối ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và sức khỏe. Một số người thấy vậy đã đề xuất việc tổ chức thu gom rác nhưng do mức thu phí còn cao, không phù hợp với người dân ở nông thôn nên không được nhiều người đồng thuận. Trước thực trạng đó, đoàn viên, thanh niên trong thôn đã tập hợp, thống nhất thành lập nhóm thu gom rác. Khởi đầu, nhóm có 12 thành viên, chia nhau hoạt động vào các ngày thứ 4 và thứ 7 hàng tuần.


Thành viên nhóm thu gom rác thải của Chi đoàn thôn 1, xã Đạo Viện (Yên Sơn) thu gom rác tại nhà dân.

Những ngày đầu hoạt động, nhóm đã gặp nhiều khó khăn đặc biệt là nhận thức của người dân và phương tiện vận chuyển. Đa phần người dân chưa biết phân loại rác thải, vì vậy sau khi thu gom, các thành viên trong nhóm phải mất thời gian phân loại sau đó mới đem đi xử lý. Chị Đinh Thị Yến Thanh, Bí thư Chi đoàn thôn 1 chia sẻ, để khắc phục và tạo thói quen cho người dân, ngoài thời gian thu gom rác cố định, các thành viên trong nhóm đã đến từng nhà, hướng dẫn người dân cách phân biệt các loại rác và tuyên truyền lồng ghép trong những buổi họp thôn. Từ đó, người dân đã biết cách phân loại rác vô cơ, hữu cơ vào những túi riêng để tiện cho việc thu gom, phân loại và xử lý.

Ban đầu, nhóm quyết định sẽ sử dụng xe máy để làm phương tiện vận chuyển. Tuy nhiên, với lượng rác thải quá lớn và chi phí từ xăng xe thì việc sử dụng xe máy là không khả thi. Trong lúc loay hoay tìm cách giải quyết, nhóm đã được Bí thư Chi bộ Triệu Trung Kiên cho mượn 1 chiếc máy cày để làm phương tiện thu gom. Có phương tiện, nhóm đã phân chia 2 người 1 nhóm gồm 1 nam, 1 nữ hỗ trợ nhau thu gom rác vào các ngày đã quy định. Chị Phạm Thị Miền, thành viên trong nhóm chia sẻ, việc sử dụng máy cày để thu gom rác góp phần đẩy nhanh công việc, mỗi buổi các bạn chỉ phải đi 1 chuyến là đã thu gom được hết rác tại các hộ gia đình. Bên cạnh đó, chi phí cũng giảm đi nhiều so với việc sử dụng xe máy.

Dù mỗi người một công việc riêng, nhưng các thành viên trong nhóm đều sắp xếp để tham gia mỗi khi đến lượt. Anh Trần Quang Thiện, thành viên tích cực tham gia ngay từ những ngày đầu thành lập nhóm cho biết: “Mình là một tai xế lái xe tải, công việc và thời gian không cố định. Tuy nhiên, mình luôn sắp xếp hợp lý để không trùng với lịch thu gom rác của nhóm”. 

Những tín hiệu vui

Đồng chí Triệu Trung Kiên, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Đạo Viện cho biết: “Nhờ mô hình này mà rác thải ở thôn đã được giải quyết phần nào. Chúng tôi cũng vận động nhân dân ủng hộ mô hình và nâng cao ý thức thu gom, bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải ngay tại nhà. Bây giờ, thôn 1 không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, những địa điểm trước đây bà con thường xuyên vứt rác giờ đã được dọn dẹp, trả lại cảnh quan môi trường sạch, đẹp”.

Bà Ma Thị Dung chia sẻ “Từ ngày có xe gom rác của chi đoàn, gia đình tôi và nhiều hộ khác chỉ cần bỏ rác ra ngoài đúng giờ là sẽ có xe đi thu gom sạch sẽ, không còn phải đốt rác hay đem bỏ ngoài khu vực công cộng nữa. Việc này giúp khu dân cư ở nông thôn sạch sẽ hơn, vệ sinh hơn, mùa mưa không lo mưa cuốn rác vào nhà, mùa nắng không lo bốc mùi hôi thối như trước đây”.

 Mô hình thu gom rác thải của đoàn viên, thanh niên trong thôn dù mới hoạt động được 2 năm đã góp phần bảo vệ môi trường một cách thiết thực, xây dựng môi trường nông thôn xanh-sạch – đẹp. Hiện tại, có hơn 60 hộ gia đình đăng ký thu gom rác thải, với mức thu 5 nghìn đồng/nhân khẩu, một tháng nhóm thu về khoảng 800 nghìn đồng. Số tiền này, ngoài việc phục vụ công việc vận chuyển, thu gom rác còn được trích ra để đào hố chứa và xử lý rác, ủng hộ các phong trào, hoạt động tại địa phương.

Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã đào 7 hố chứa rác để xử lý rác thải. Ông Trần Ngọc Đô, thôn 1 cho biết, với mức thu 5 nghìn đồng/nhân khẩu, gia đình ông 1 tháng chỉ mất 30 nghìn đồng mà lại giữ được không gian sạch sẽ nên ai cũng nhiệt tình ủng hộ. Mỗi chiều thứ 4 và thứ 7 lại đợi tiếng xe quen thuộc của nhóm đến thu gom rác. 

Được biết, Chi đoàn thôn 1 sẽ huy động thêm đoàn viên, thanh niên tham gia vào nhóm, tăng lượt thu gom rác từ 3 – 4 chuyến/tuần. Ngoài ra, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như “Ngày Chủ nhật xanh”, xây dựng các tuyến đường thôn xanh – sạch – đẹp, hưởng ứng Tháng hành động Vì môi trường, ngày Môi trường Thế giới, góp sức trẻ vào công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

(Theo Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.