Thứ tư Ngày 01 Tháng 05 Năm 2024, 02:41:51

“Đổi đời” từ nguồn vốn vay ưu đãi

Ngày đăng: 10/12/2020

Nhờ lựa chọn hướng đi đúng trong phát triển kinh tế cùng với sự “tiếp sức” từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông Nguyễn Văn Thi ở thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã có sự bứt phá vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả. Gia đình ông là điển hình trong thực hiện Chương trình giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Thay đổi suy nghĩ, cách làm

Ông Thi bảo, ngày trước, nhà ông nghèo nhất nhì xã Tứ Quận, bởi ông bà phải lo cho 2 người con ăn học, trong khi kinh tế chỉ trồng chờ ở mấy sào ruộng. Bản thân ông Thi và vợ vốn chẳng nề hà việc gì từ đi phụ xây đến làm công cho các hộ khá giả trong xã. Ông Thi kể, năm 2016 ông đi làm phụ xây, vợ làm ruộng, cả năm thu nhập gia đình chỉ được 25 đến 30 triệu đồng, nhiều lúc phải đi “vay nóng” để nuôi con ăn học thì lấy đâu tiền đầu tư phát triển kinh tế. Ông đi nhiều nơi trong đầu cũng định hình một số mô hình phát triển kinh tế có thể áp dụng tại gia đình nhưng thiếu vốn nên đành chịu. 


Ông Nguyễn Văn Thi bên vườn cam.

Thực hiện Chương trình giảm nghèo của tỉnh, xã Tứ Quận đã rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí đa chiều và nắm bắt nguyên nhân từ đó triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2016, gia đình ông Thi được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Yên Sơn với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Ông Thi như “mở cờ trong bụng”, bởi bao năm ông nung nấu làm giàu từ các mô hình VAC, nay có vốn không vui sao được. Ông cho rằng, chỉ có thay đổi mô hình canh tác, thay đổi cách làm mới giúp gia đình vượt lên nên lần này ông tính sẽ chuyển đổi toàn bộ vườn chè già cỗi, đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Song số tiền đầu tư ban đầu rất lớn nên ngoài tiền vay vốn ưu đãi ông lại chạy vạy, vay mượn thêm trong dòng tộc để hiện thực ước mơ làm giàu trên mảnh đất ông cha.

Ngày ông Thi thuê máy xúc, máy ủi về làm, nhiều người còn hoài nghi về “nước cờ” mới của gia đình ông. Cũng có người gàn ông không nên đầu tư lớn, nhưng ông thì không lay chuyển, chí đã quyết thì không thể lùi. Ông đã lặn lội đi tìm mua cây giống từ những nhà vườn uy tín về trồng, tương lai mở ra từ đó…  

Tạo sinh kế lâu dài 

Để cải tạo diện tích đất đồi, ngoài thuê máy xúc, ủi, vợ chồng ông Thi dành nhiều thời gian để làm đất, có những lúc hai vợ chồng ông mải làm đến quên cả ăn. Ông Thi bảo, ông và bà như “hai con trâu kéo” san gạt nền đất, đôi tay chai sần, làn da rám nắng… Thế nhưng ông bà luôn lạc quan, yêu đời, cùng động viên nhau vượt qua khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thủy, vợ ông Thi nói, mình nghèo thì phải cố gắng thôi, “có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm”.


Phát triển mô hình VAC giúp gia đình ông Nguyễn Văn Thi vươn lên thoát nghèo,
xây được nhà khang trang.

Quả thực, sự quyết tâm của ông bà đã được bù đắp. Ông tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Có kỹ thuật, gia đình ông Thi đã đẩy mạnh sản xuất, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ông Thi còn phát triển mô hình nuôi lợn, tiền bán được gia đình ông mua thêm các loại phân bón chăm chút cho vườn cây, mua thêm cây giống như cam Vinh, cam đường Canh, bưởi Diễn… Đến năm thứ 3 vườn cây ăn quả nhà ông Vinh cho thu hoạch, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm gia đình ông thu hoạch hơn 20 tấn quả, trừ chi phí lãi 200 triệu đồng.

Ngồi tiếp khách ông Thi bảo, cam năm nay giá thấp hơn mọi năm nhưng không đáng lo bởi ông trồng nhiều cam đường Canh mà cam này vẫn giữ giá, hiện nay dao động từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg. Vừa qua cũng có nhiều người đến hỏi mua cả vườn nhưng ông chưa bán, ông để gần Tết bán sẽ được giá hơn.
Với hơn 1 ha cây ăn quả cùng với kết hợp chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông Thi thu lãi trên 240 triệu đồng. Gia đình ông đã xây được ngôi nhà 2 tầng, mua sắm được nhiều đồ dùng, thiết bị đắt tiền, nuôi các con học hành đầy đủ.

Đồng chí Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho biết, gia đình ông Nguyễn Văn Thi luôn nỗ lực thoát nghèo, trở thành hộ tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Nếu mỗi hộ dân đều có ý thức vươn lên như gia đình ông Thi sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Không chỉ làm giàu cho gia đình ông Thi còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với các hộ nghèo khác trong xã. Mô hình VAC của gia đình ông Thi đã trở thành địa chỉ học hỏi của nhiều bà con tại địa phương.

(Theo Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.