Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 12:34:41

Cảnh giác với luận điệu “xây dựng Nhà nước tam quyền phân lập”

Ngày đăng: 09/11/2017

Ngay sau khi Nghị quyết số 18/NQ-TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được ban hành, các thế lực thù địch đã nhanh chóng nhảy vào chống phá, trong đó tập trung vào vấn đề Nhà nước – yếu tố trung tâm của hệ thống chính trị ở Việt Nam. Một số kẻ tự xưng “người nghiên cứu luật học” cho rằng: Phải xây dựng Nhà nước Việt Nam theo kiểu “tam quyền phân lập” như các nước phương Tây, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Họ coi đây là con đường, biện pháp để “dân chủ hóa”, để “phá vỡ độc đoán, chuyên quyền”. Đây là những luận điệu sai trái, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.

Toàn cảnh hội nghị Trung ương 6.

Nghiên cứu lịch sử về nhà nước pháp quyền, chúng ta thấy rằng, tư tưởng phân quyền có từ thời cổ đại ở phương Tây, với nội dung chính là trong bất kỳ nhà nước nào cũng cần phải có những yếu tố bắt buộc: Cơ quan làm ra luật có trách nhiệm trông coi việc nước, các cơ quan thực thi pháp luật và các tòa án. Đây là nội dung có ý nghĩa tích cực, để chống lại sự chuyên quyền của các lãnh chúa, nhà vua trong chế độ phong kiến. Tuy nhiên, những người theo thuyết này không nhận thấy tính chất thống nhất, hữu cơ của quyền lực nhà nước; lập pháp nằm trong mối quan hệ với hành pháp và tư pháp; hành pháp và tư pháp xác định vị trí của mình cũng như vậy. Quyền lực nhà nước vốn dĩ là một chỉnh thể, bao gồm các bộ phận cấu thành quan hệ hữu cơ với nhau và với toàn bộ quyền lực nhà nước, không thể phân tách độc lập và yêu cầu các quyền chế ước, kiểm soát “tuyệt đối” lẫn nhau được.
Trên thực tiễn, quyền lực nhà nước tư sản dù có cố tổ chức theo “tam quyền phân lập”, nhưng thực chất vẫn là thống nhất, không tách rời. Một số người ca ngợi Hoa Kỳ là một “mẫu hình”, “thể hiện thành công nhất” về “tam quyền phân lập”. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ: Quyền hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống. Nhưng Tổng thống thường là đại diện của đảng chiếm đa số trong Hạ viện, thì lập pháp và hành pháp đều trong tay một đảng, lúc này phân quyền đã bị biến dạng. Tổng thống có thể hướng Quốc hội về những chính sách theo ý chí của mình. Như vậy, phân quyền chỉ có trong văn bản Hiến pháp mà thôi, dù có phân quyền thế nào chăng nữa, thì lập pháp và hành pháp vẫn gắn bó với nhau.
Kế thừa những tinh hoa, giá trị về nhà nước pháp quyền trong lịch sử nhân loại, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vào thực tiễn xây dựng Nhà nước ta, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Ở đây, nhìn về mặt hình thức thì có sự phân quyền nhưng về bản chất, nội dung “phân quyền” thì lại khác hẳn về chất so với “tam quyền phân lập”. Tất cả quyền lực nhà nước đều có mẫu số chung là nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất. Đây là sự tiến bộ vượt trội của Hiến pháp Việt Nam; phản ánh xu thế thời đại, trình độ phát triển cao hơn hẳn của lập hiến Việt Nam – lập hiến của nhân dân, hiến định quyền lực nhà nước tập trung ở nền tảng xã hội là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Hội nghị Trung ương 6, khóa XII với Nghị quyết 18/NQ-TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đưa ra các quan điểm, mục tiêu và giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị trong đó tập trung vào hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương và ở địa phương. Các giải pháp đưa ra cụ thể đối với từng bộ phận trong bộ máy đó từ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Tinh thần chung của Nghị quyết là sắp xếp, tổ chức các cơ quan từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, tránh trùng lặp, để vừa hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn, vừa giảm chi tiêu ngân sách không cần thiết, tập trung nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Thực chất, đó chính là vừa phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vừa sử dụng có hiệu quả tài sản của nhân dân để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhân dân ta đang xây dựng. Thực tiễn đã, đang và sẽ chứng minh tính đúng đắn, phù hợp của nhà Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đồng thời bác bỏ những luận điệu sai trái, phủ nhận nhà nước pháp quyền, hướng nhà nước ta theo hình thức “tam quyền phân lập” giống phương Tây.
Bài, ảnh: VŨ VĂN LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.