Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 12:55:45

Bước phát triển mới của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La

Ngày đăng: 16/05/2018

Mặc dù là một tỉnh miền núi, đa phần là đồng bào dân tộc ít người, nhận thức không đồng đều, đời sống kinh tế và cơ sở vật chất hạ tầng còn nhiều khó khăn. Song Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã có những giải pháp căn cơ, phù hợp với đặc thù về địa lý, khí hậu của từng địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp nhân dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La, để có được kết quả bước đầu như hôm nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong công tác tham mưu đề xuất, làm tốt việc phối hợp “5 nhà” trong trồng trọt, chế biến, tiêu thụ sản phẩn nông nghiệp (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà băng); chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc sang trồng cây ăn quả; hỗ trợ cải tạo vườn tạp; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đề án hỗ trợ các hợp tác xã; ban hành cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, lợi thế, thực hiện có hiệu quả 7 mục tiêu trọng tâm của ngành; trong đó tập trung ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các công đoạn, tạo thành chuỗi sản phẩm mang đặc trưng, thương hiệu của từng vùng miền.

Đồng chí Hoàng Văn Chất trao đổi cùng các đại biểu nhân dịp gặp mặt các hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu.

Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 78 hợp tác xã, 112 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, chiếm 5,1% số doanh nghiệp của tỉnh. Đã hình thành được 47 chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn (15 chuỗi rau, củ; 25 chuỗi quả; 2 chuỗi thịt lợn; 1 chuỗi mật ong; 4 chuỗi thủy sản). Trong đó có một số sản phẩm trở thành thương hiệu, đó là chanh leo Sơn La, nhãn Sông Mã, chè Shan tuyết mộc Châu, sữa Mộc Châu, chè Tà Xùa, cá sông Đà, gạo nếp Mường Và, dê và dúi Phù Yên… Những sản phẩm này không chỉ tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu ra nước ngoài vào một số thị trường khó tính. Riêng quả chanh leo đã được cấp chứng nhận GlobalGAp về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (tiêu chuẩn quốc tế), xuất khẩu sang các nước: Pháp, Thụy Sỹ và EU.
Ngành nông nghiệp làm tốt công tác khảo sát đặc điểm địa lý, khí hậu, thời tiết, phong tục tập quán canh tác để đề xuất trồng, nuôi cây, con cho phù hợp. Trước tiên ngành tiến hành thử nghiệm đến khi có kết quả mới triển khai nhân rộng, nhưng cũng không trồng ồ ạt theo phong trào. Trồng cây hay nuôi con gì đều có địa chỉ tiêu thụ. Trong quá trình chăm sóc cây, con các hợp tác xã và hộ gia đình phải cam kết bảo đảm đúng quy trình, chất lượng, luôn có sự giám sát, theo dõi của cơ quan chuyên môn. Tuyên truyền, vận động nhân dân muốn phát triển bền vừng, sản xuất lâu dài thì sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng. Tận dụng tối đa diện tích đất đồi, rừng, ao, lòng hồ thủy điện để canh tác sản xuất. Tỉnh xem xét xây dựng chuỗi chợ nông sản, tạo điều kiện cho tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp của địa phương; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, tiêu chí, phân loại thành nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm tiềm năng. Khích lệ các hộ gia đình tham gia vào hợp tác xã hoặc sản xuất các chuỗi sản phẩm, phấn đấu đạt 200 đến 300 triệu đồng/ 1 héc – ta đất trồng trọt; 1,5 đến 2 tỷ đồng/ 1 héc – ta mặt nước. Hàng năm, tỉnh tổ chức gặp mặt, tuyên dương, cấp bằng chứng nhận các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh giỏi, động viên khích lệ người trực tiếp lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Không để diện tích mặt đất, mặt nước trống, người trong độ tuổi lao động nhàn dỗi, cán bộ ngành nông nghiệp các cấp tỉnh Sơn La luôn gần dân bám bản, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, không di dịch cư tự do, không chặt phá rừng. Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn; tổ chức trao đổi kinh nghiệm một số mô hình phát triển nông nghiệp của tỉnh bạn và cả nước ngoài; nghiên cứu các loại giống cây, con phù hợp với từng diện tích thổ nhưỡng. Do vậy chỉ tính trong năm 2017 ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La có tổng doanh thu đạt 5.890 tỷ đồng, tăng 4,26% so với năm 2016. Nông thôn ngày càng khang trang, đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La khẳng định: Mục tiêu xây dựng Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc đã và đang dần trở thành hiện thực. Kết quả đó có một phần đóng góp rất quan trọng của ngành nông nghiệp. Những bước phát triển mới của ngành nông nghiệp đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ngày càng vững mạnh.
Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.