Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 10:55:07

APEC 2017 – Khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Ngày đăng: 13/11/2017

Cách đây 28 năm, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được thành lập với 12 thành viên sáng lập. Qua 4 lần mở rộng vào các năm 1991,1993, 1994 và 1998, hiện APEC có 21 nền kinh tế thành viên, gồm: Ốt-xtrây-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, In-đô-nê-xia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xia, Niu Di-lân, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan, Hoa Kỳ, Mê-hi-cô,, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Pa-pua Niu Ghi-nê, Chi-lê, Pê- ru, Nga và Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và lãnh đạo các ngành liên quan cắt băng khánh thành Trung tâm Báo chí Quốc tế phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Ảnh: Trung tâm Báo chí APEC2017

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC vào tháng 11 năm 1998 (cùng với Nga và Pê- ru). Gia nhập APEC khẳng định quyết tâm triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, đóng góp tích cực vào xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với APEC, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của Diễn đàn. Trải qua hơn 30 năm đổi mới và gần 20 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế đang phát triển, một mắt xích quan trọng trong mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do. Hiện 13 trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là với 18 nền kinh tế thành viên APEC. 7 nền kinh tế thành viên APEC bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia và Singapore. hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tới từ các thành viên APEC; 75% tổng lượng giao dịch thương mại hàng hóa và 79% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có nguồn gốc từ các thành viên APEC…
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng, triển khai nhiều nội dung hợp tác thiết thực cho người dân và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy kinh tế số và kinh tế mạng, phát triển bao trùm về tài chính, kinh tế và xã hội. Mục tiêu xuyên suốt là nỗ lực cùng nhau đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển.
Năm 2017, trên cương vị chủ nhà APEC 2017, Việt Nam có trọng trách cùng các thành viên biến quyết tâm của các nhà lãnh đạo APEC thành những kết quả cụ thể, đưa APEC đến gần hơn với người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
APEC 2017 diễn ra từ đầu tháng 12 năm 2016 đến tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng và các thành phố lớn trong cả nước… Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, trọng tâm APEC 2017 là 4 sự kiện quan trọng diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11-11 gồm: Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC; Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC; Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25; Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam lần đầu tiên và nhiều sự kiện quan trọng khác…với sự tham gia của lãnh đạo các nền kinh tế APEC và trên 10.000 đại biểu, trên 2.000 doanh nghiệp đến từ các thành viên APEC và trên toàn thế giới. 4 ưu tiên được Việt Nam đưa ra tại APEC 2017 bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với kinh nghiệm của quốc gia đã tổ chức thành công APEC 2006 và những kinh nghiệm thực tiễn trong 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, là nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã dẫn dắt, thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất giữa các thành viên APEC thông qua việc xây dựng và đồng thuận những sáng kiến cụ thể tập trung vào những lĩnh vực thiết thực với lợi ích của người dân và doanh nghiệp; góp phần đưa mối quan hệ song phương giữa các nền kinh tế thành viên APEC lên một tầm cao mới với chiều sâu và hiệu quả. Cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực đóng góp vào các cơ chế đa phương. Không chỉ các nền kinh tế thành viên APEC mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đang và sẽ tiếp tục là những nhà đầu tư lớn nhất và những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Thông qua đăng cai tổ chức APEC 2017, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu cùng các nền kinh tế thành viên vun đắp cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, đóng góp tích cực vào thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, việc nước ta đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định “Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á – Thái Bình Dương”.
Việc tổ chức thành công APEC 2017 trên tất cả các lĩnh vực đã để lại dấu ấn sâu đậm không chỉ đối với thành viên APEC mà Việt Nam còn được cả cộng đồng thế giới đánh giá cao; đặc biệt Tuần lễ cấp cao APEC 2017 lại diễn ra đúng vào thời điểm các địa phương miền Trung, Tây Nguyên, trong đó có thành phố Đã Nẵng – nơi diễn ra các sự kiện quan nhất của APEC 2017 vừa bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 12 cho thấy sự năng động, uy tín của Việt Nam ngày càng được coi trọng trên các diễn đàn quốc tế; đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác song phương, mở ra cơ hội mới trong hợp tác đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Thành công của Năm APEC 2017 đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, vị thế Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế.
NGÔ VĂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.