Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 05:34:53

Thăm di tích Đình Chạng

Ngày đăng: 11/06/2019

QK2 – Xã Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) hiện ra trước mắt chúng tôi với một màu xanh của rừng, bao bọc quanh những ruộng lúa chín vàng, những thôn bản của người Tày, người Dao bên dòng suối Hút, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình.

Nghe các cụ kể lại, không biết có phải do Phong Dụ Thượng nằm ở vị trí trung tâm giữa: Sùng Đô, Sài Lương, Gia Hội, Nậm Có và các xã vùng thượng huyện Văn Yên, huyện Văn Bàn (Lào Cai) hay không, hay vì một lý do nào đó mà thực dân Pháp đã xây dựng đồn tại đây. Hằng tháng, tàu bay Pháp lại đáp xuống cánh đồng làng Chạng để đem nhu yếu phẩm đến tiếp tế, phục vụ lính đồn. Ngày đó, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, người Tày, người Dao Phong Dụ Thượng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại phải lao dịch khốn khổ, thường xuyên bị lính đồn, lính dõng xuống cướp phá.

Lễ rước bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào Đình Chạng.

Tháng 10 năm 1952, bộ đội ta mở Chiến dịch Tây Bắc, ngày 27/10/1952, bộ đội và du kích tập kích đồn Chạng và các bốt ở Phong Dụ nay là Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ và Xuân Tầm. Để chuẩn bị tập kích đồn Chạng và các bốt, Đình Chạng là nơi bộ đội, du kích tập kết, lập đài quan sát, cứu thương… trước đó trong các Chiến dịch Nghĩa Lộ – Quang Huy (1948), Chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951), Đình Chạng là trạm dừng chân của bộ đội, dân công trên đường tiến vào đánh đồn Nghĩa Lộ.

Đình Chạng của nhân dân xã Phong Dụ Thượng đã có từ lâu đời, khi người Tày từ Bảo Thắng, Lào Cai đến sinh sống lập nên bản Chạng ở xã Phong Dụ  nay là xã Phong Dụ Thượng. Đình thờ “Tam vị thượng đẳng thần ”- đó là 3 vị  Tản Viên Sơn Thánh, Quý Minh Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương. Đình còn thờ người có công đầu tiên đưa dân đến khai sơn lập bản Chạng và thờ những người có chức sắc của xã, của bản có công giúp đỡ, bảo vệ dân làng, làm cho bản, làng xã ngày càng phát triển, sau khi mất được dân bản suy tôn là “Phúc Thần” (Thành hoàng) và thờ thổ công hay còn gọi là Ông Địa. Năm 1983, nhân dân chuyển vị trí đình Chạng cách vị trí cũ 100m và thay đổi cột tròn thành cột vuông, thay một số xà, kèo bị hỏng….

Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử, tuy đình không còn kiến trúc nguyên gốc, nhưng qua tài liệu, nhân chứng, sự kiện có thể khẳng định Đình Chạng có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và lịch sử hình thành, phát triển vùng đất Phong Dụ từ xa xưa và ngày nay.

VŨ HƯƠNG (Tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.