Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 06:45:56

Nghề rèn của người Mông ở Điện Biên

Ngày đăng: 14/11/2023

QK2 – Người Mông duy trì nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật là nghề rèn được người Mông lưu giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác. Ngày trước, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn để làm nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Các sản phẩm được rèn rất phong phú, như: Dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng…

Những đôi bàn tay khéo léo của người thợ rèn.

Anh Giàng A Tu là một trong những thợ rèn có đôi bàn tay vô cùng khéo léo cho biết: Bí quyết để làm ra những con dao, lưỡi cuốc, lưỡi cày sắc và có độ bền cao, người thợ rèn phải lựa chọn những loại thép tốt, thép nung phải đủ độ nóng, không non quá cũng không được quá già lửa. Có như vậy thì sản phẩm làm ra mới bền.

Lò rèn của người Mông không cầu kỳ, chỉ có một ụ đất làm lò, vài cục sắt to làm đe và một cái bễ. Đối với một lò rèn thì cái bễ là quan trọng nhất, nó cấu tạo như một cái bơm xe đạp khổng lồ nằm ngang. Cái bơm ấy được khoét ra từ thân cây đường kính khoảng 50cm. Pít tông là một miếng gỗ tròn như cái thớt được gắn lông gà chung quanh để dễ dàng tịnh tiến trong lòng cây gỗ, người thợ đẩy pít tông, rất nhẹ nhàng và không tốn sức. Than đốt lò để rèn người Mông không dùng than đá mà dùng than củi. Trong khi rèn nhiệt độ lò phải nóng đều mới cho ra sản phẩm tốt nên yêu cầu người quay bễ phải đều tay.

Anh Giàng A Tu cho biết thêm: Để làm được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, đôi tai và đôi mắt phải tinh tế. Để có một con dao tốt, người thợ rèn phải có kỹ thuật điêu luyện, được hình thành qua nhiều năm chứ không có một công thức chung nào cả. Người thợ cả và thợ phụ phải có sự phối hợp nhịp nhàng, lực búa giáng xuống thanh thép phải đều nhau, độ mạnh yếu biến hóa với từng phần của sản phẩm.

Bên cạnh đó, khâu tôi thép của người Mông có một bí quyết riêng đó là khả năng nhìn màu thép để đưa vào tôi. Có nhiều cách tôi thép khác nhau, có loại thép thì tôi bằng nước và cho một lượng muối vừa phải; có loại thì tôi bằng nước của thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt…

Nghề rèn của đồng bào Mông không chỉ tạo ra những nông cụ thiết thực trong đời sống mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của bà con đồng bào dân tộc nơi đây.

THU HUYỀN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.