Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 07:55:39

Đặt niềm tin vào mạng xã hội của người Việt

Ngày đăng: 01/10/2019

QK2 – Trung tuần tháng 9, tại Hà Hội đã chính thức ra mắt mạng Lotus – mạng xã hội "made in Việt Nam". Đây là mạng xã hội (MXH) của người Việt. Tuy không phải là MXH đầu tiên nhưng Lotus đã gây sự chú ý của dư luận cũng như người dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh sự đón chờ của người Việt, cũng có những luồng ý kiến trái chiều, hoài nghi về sự tồn tại, phát triển của Lotus. Cá biệt, một số kẻ lợi dụng sự kiện ra mắt Lotus để chống phá nền dân chủ, công kích vào chế độ chính trị xã hội ở Việt Nam.

Họ đặt dấu hỏi: “Tại sao người Việt không ủng hộ mạng thuần Việt?” và cho rằng từ khi có mạng xã hội như Facebook, người dân Việt đã có một chút tự do để có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, bức xúc, bất bình về mọi vấn đề của đời sống xã hội mà không bị kiểm duyệt, phá vỡ sự độc quyền, bưng bít thông tin của chế độ. Họ quy kết, làm mạng xã hội  này mục đích là kiểm soát, kiểm duyệt người dân. Các doanh nghiệp Việt Nam không nên lãng phí nguồn lực tài chính và con người vào phát triển MXH mới nữa. Và kết luận: Người Việt Nam ủng hộ và sử dụng mạng xã hội của Việt Nam chỉ khi Việt Nam có một nền chính trị dân chủ đa đảng; lúc đó các quyền tự do bày tỏ các quan điểm chính trị, chính kiến khác nhau, tự do báo chí, tự do thông tin được tôn trọng và bảo vệ…

Internet và mạng xã hội trong đời sống quân nhân.

Như vậy là đã rõ, mục đích của họ là công kích vào chế độ chính trị của Việt Nam chứ không phải tuyên truyền vì quyền lợi, lợi ích của người dùng MXH Việt Nam, hay nói cách khác là quyền lợi của đại đa số người dân Việt. Bởi vì theo thống kê, Việt Nam có khoảng hơn một nửa người dân ở các độ tuổi sử dụng MXH. Người dân Việt Nam đã tiến xa so với dân của một số nước phát triển trong kết nối MXH; xếp thứ 7/10 nước có số người sử dụng MXH Facebook lớn nhất toàn cầu. Hơn 20 năm kể từ khi Internet có mặt ở Việt Nam, thói quen trong cuộc sống của người dân Việt Nam thay đổi theo từng bước phát triển của hệ thống mạng này. Tính đến 2017, Việt Nam hiện đã có 64 triệu người dùng mạng Internet, chiếm 67% dân số cả nước, với tỷ lệ này, Việt Nam là nước có lượng người dùng đứng thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á; đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, từ năm 2001 đến năm 2017, số lượng người sử dụng Internet của nước ta tăng trung bình mỗi năm 15-18%. Trong số hơn 60 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, có gần 30 triệu khách hàng của Google, 15 triệu của Yahoo, trên 15 triệu khách của Facebook. Riêng Facebook, đã có mức tăng  từ 4 triệu khách cuối năm 2011 lên trên 15 triệu khách cuối năm 2016. Tính đến giữa năm 2018, cả nước có trên 105 cơ quan báo chí điện tử, trên 207 trang tin của cơ quan báo chí, 2.061 trang thông tin điện tử.

Những số liệu trên là minh chứng hùng hồn và hiển nhiên khẳng định Việt Nam không bưng bít thông tin. Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng luôn coi trọng và ủng hộ, bảo vệ quyền lợi của người dùng Internet và MXH.

Tuy nhiên, cùng với vô vàn tiện ích như phục vụ nhu cầu kết nối, trao nhận thông tin của các tổ chức, cá nhân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, Internet, trong đó có MXH, từ mặt trái của mình cũng gây biết bao phiền phức, tai hại cho con người. Trên thế giới, những năm gần đây,  trong các sự kiện biến động chính trị, xã hội, “cách mạng hoa nhài”, “cách mạng đường phố” diễn ra ở nhiều nước gây phức tạp tình hình, các lực lượng tiến hành đều sử dụng "vũ khí" lợi hại là MXH. Phương thức để tạo nên những đám đông quá khích gắn với các hoạt động khủng bố, kích động quần chúng xuống đường biểu tình; lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn và sử dụng điện thoại di động, MXH để kích động, liên kết trong ngoài.      Internet và MXH trở thành “công cụ của bạo loạn”. 

Bên cạnh đó, MXH là phương tiện kinh tế – xã hội, là nguồn lợi kinh tế đáng kể cho các doanh nghiệp, các quốc gia. Việc cạnh tranh thị phần người dùng là quy luật kinh tế tất yếu mà các quốc gia, các nhà kinh doanh MXH phải tính đến. Tuy nhiên, với bản chất “không biên giới”, thì những mặt trái, mặt tiêu cực của Internet cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý. Nhiều quốc gia trên thế giới đã dựng lên các “biên giới ảo” trên nền Internet để kiểm soát “lãnh thổ của mình”. Thực tế nhiều năm qua, MXH nước ngoài có nhiều thông tin không chính thống, nhiều thông tin mang tính cá nhân, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ tổ chức, cá nhân; có cả những thông tin xấu độc không phù hợp thuần phong mĩ tục; lừa đảo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng. Các thế lực thù địch lợi dụng xây dựng các trang web, đặt máy chủ ở ngoài Việt Nam, đăng tải thông tin, luận điệu sai trái, kích động chống phá ta; kích động một số người dân biểu tình vì lý do “bảo vệ chủ quyền biển đảo’’, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam…

MXH Lotus mang tên Hoa Sen được coi là “quốc hoa” của người Việt, với tiêu chí lấy nội dung làm trọng tâm. Lotus được trang bị trí tuệ nhân tạo để lọc tin giả hoặc đưa ra các kênh tin gợi ý phù hợp với thói quen, sở thích và nhu cầu của người sử dụng; hỗ trợ cá nhân hóa nội dung. Tính năng này cho phép nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ về nội dung, có thể chọn lọc, “truy tìm” những nội dung vi phạm như: Tin giả, bán hàng giả, đa cấp, lừa đảo… Hoặc khi người dùng post lên một nội dung bao gồm hình ảnh và bài viết không đúng sự thật, Lotus cũng có thuật toán để phát hiện và xử lý.

Đấy chính là một vài quyền và lợi ích của người dùng mạng, gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Là người Việt Nam yêu nước, cần nhìn nhận khách quan và tỉnh táo với luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc về mục đích làm MXH của Việt Nam của các thế lực thù địch. Hãy đặt niềm tin và chung tay xây dựng MXH của người Việt.

 VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.