Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 09:39:18

Bảo vệ “Ngày hội lớn” của đất nước

Ngày đăng: 17/04/2021

QK2 – Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 là một sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Những công việc cần thiết chuẩn bị để tiến hành bầu cử đã và đang được tiến hành đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cùng với nhiệm vụ và các bước chuẩn bị, tiền hành bầu cử, các thế lực thù địch phản động liên tục gia tăng các hoạt động chống phá bằng nhiều thủ đoạn hòng xuyên tạc về bản chất dân chủ của cuộc bầu cử, gây chia rẽ nội bộ gây hoang mang trong dư luận, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử nói riêng và đối với toàn xã hội nói chung. Đấu tranh loại bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, như quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi công dân là được tham gia bầu cử.

Bài 1: Những kẻ “tự huyễn hoặc”

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở các địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở mỗi địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc. Những quyết sách của Quốc hội, HĐND các cấp đều liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của mỗi địa phương.  Xuất phát từ vị trí, vai trò của các cơ quan này mà những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải là những người xứng đáng nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân.

Tìm hiểu thông tin danh sách niêm yết cử tri Tổ bầu cử số 7, phường Đông Phong, TP. Lai Châu (Lai Châu).

Để phát huy vai trò của các cơ quan này, luật pháp Việt Nam quy định, công dân có đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Hơn nữa, quyền ứng cử là quyền hiến định, bất cứ ai đều không được cản trở công dân đủ điều kiện thực hiện quyền liêng thiêng, cao quý này.

Thực tế nhiều đại biểu tự ứng cử rất thành tâm, thành ý đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, lợi dụng “tự ứng cử”, một số kẻ háo danh, tự huyễn hoặc mình đã tự ứng cử để được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND các cấp với mục đích không trong sáng. Mặt khác, núp bóng tự ứng cử, tự xưng là các “nhà dân chủ”, một số kẻ được các tổ chức, thế lực phản động chỉ đạo, tung hứng để  tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND ở các cấp. Bằng nhiều thủ đoạn để tự huyễn hoặc bản thân như phát động các chiến dịch truyền thông, chương trình hành động nếu làm đại biểu, kêu gọi cử tri ký tên ảo, bỏ phiếu  Online trên mạng xã hội. Mục đích của chiêu trò lợi dụng “tự ứng cử” không chỉ dừng lại ở việc tự ứng cử; mà chính các cá nhân và tổ chức phản động đứng phía sau tung hứng, chỉ đạo, làm hậu thuẫn này biết thừa mình không thể đủ điều kiện “làm đại diện ưu tú” cho đại đa số cử tri, họ sẽ bị loại qua các vòng hiệp thương. Và chính “sự bị loại” đương nhiên ấy là mục đích của họ để làm rối bận cơ quan tổ chức bầu cử, tung hỏa mù huyễn hoặc cử tri và có cái cớ để tung ra những luận điệu xuyên tạc, vu cáo rằng chính quyền phân biệt đối xử với những người tự ứng cử; tổ chức bầu cử không dân chủ, thiếu minh bạch; chỉ có người trong Đảng Cộng sản Việt Nam mới có cơ hội tự ứng cử; hoặc Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội, HĐND; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử mà không cần phải trải qua hiệp thương…

Chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trên trang Facebook của nhiều cá nhân “bất hảo”, vốn có tiền án, tiền sự hoặc những kẻ vốn được mệnh danh là “nhà dân chủ” đã đưa ra chương trình tranh cử cá nhân lên mạng xã hội, làm hồ sơ để “tự ứng cử đại biểu Quốc hội”.

Trong số những người “tự huyễn hoặc” hoặc bị các thế lực rêu rao ấy có Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh. Cả hai đối tượng này đã bị khởi tố và bắt tạm giam vì đã có những hình vi vi phạm pháp luật. Theo điều tra của các cơ quan chức năng vì đã có các hành vi cấu thành tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Lợi dụng sự việc này, các thế lực thù địch, phản động đã tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo bản chất, xuyên tạc trắng trợn rằng, các đối tượng nêu trên bị khởi tố, bắt tạm giam là do đã “tự ứng cử đại biểu Quốc hội”!?

Rõ ràng đây là luận điệu, chiêu trò đánh lừa dự luận, huyễn hoặc cá nhân để tung hứng cá nhân và đánh lừa cử tri, không mới bởi thực tế, các cá nhân này đã thực hiện những hành vi phạm tội trong thời gian khá dài, trước khi tự ứng cử. Dĩ nhiên, những hành vi đó, dù các đối tượng có tự ứng cử hay không thì sớm muộn cũng sẽ bị cơ quan chức năng khởi tố, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Thực tế đã có nhiều người tự ứng cử được cử tri nơi cư trú tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Trong cuộc bầu cử Quốc hội kỳ này, theo Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia, có 868 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV để bầu cử 500 đại biểu Quốc hội, đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu, 74 người ngoài Đảng. Các ứng cử viên này, dù được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử thì đã thông qua hội nghị lấy ý kiến cử tri; cử tri nơi cư trú hoặc cử tri nơi công tác sẽ nhận xét người ứng cử có đủ tiêu chuẩn ứng cử hay không và trực tiếp biểu quyết nhất trí hay không nhất trí để người đó ứng cử. Kết quả hội nghị cử tri là một trong những căn cứ quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương và quyết định điền tên người ứng cử vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Đây là quy trình rất chặt chẽ nhằm sàng lọc và loại bỏ những người ứng cử không đủ tiêu chuẩn trước khi bầu cử.

SONG VÂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.