Thứ ba Ngày 30 Tháng 04 Năm 2024, 12:42:02

Cần lên án hành vi xúc phạm Quốc kỳ

Ngày đăng: 09/01/2019

QK2 – Dù là công dân của nước nào, mỗi người đều có quyền tự hào, kiêu hãnh và có trách nhiệm bảo vệ, trân trọng giá trị thiêng liêng của Quốc kỳ, biểu trưng của Tổ quốc mình. Cờ đỏ sao vàng, biểu tượng thiêng liêng, hồn cốt của dân tộc Việt Nam từ lâu đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Quốc kỳ Việt Nam đã được hiến định, được tổ chức Liên Hợp quốc công nhận và cộng đồng quốc tế tôn trọng.

Lá cờ Tổ quốc do cán bộ chiến sĩ đảo Song Tử Tây tặng Bảo tàng Quân khu 2

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết “Cờ đỏ sao vàng và tôi” với những nội dung, lời lẽ đi ngược lại quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân Việt Nam với lá cờ của Tổ quốc mình. Người đứng tên bài viết là Lê Dủ Chân cho rằng “Lá cờ đỏ sao vàng không xuất xứ từ trong lòng dân tộc Việt Nam”.

Đọc bài viết thấy rằng tác giả đưa ra những luận điệu xuyên tạc về lịch sử, phỉ báng biểu tượng cờ Tổ quốc cũng như vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lê Dủ Chân thể hiện sự nhận thức lệch lạc, coi cờ đỏ sao vàng là cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam; lá cờ này do Đảng lãnh đạo “cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim” (8/1945) và “cướp chính quyền của nước Việt Nam Cộng hòa miền Nam Việt Nam” (4/1975) và hằn học, coi đó là “những hành động phi chính nghĩa, phản lại truyền thống chính danh của dân tộc Việt Nam”. 

Không hiểu người viết bài này có là công dân Việt Nam hay không, nhưng những nội dung này đọc lên chỉ thấy sự nhảm nhí, lố bịch và xằng bậy, biểu hiện con người thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc, về kiến thức pháp luật cũng như xuất xứ, lịch sử của lá cờ đỏ sao vàng và cố tình suy diễn thiếu tính xây dựng, tổn hại đến danh dự quốc gia. Tác giả này đã xúc phạm Quốc kỳ, biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, không xứng đáng là người con đất Việt.

Bên cạnh đó, gần đây còn một vài biểu hiện của những người đường đường chính chính là công dân Việt Nam nhưng lại không biết trân trọng giá trị thiêng liêng của lá cờ Tổ quốc. Mới đây, một tòa án ở tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Huỳnh Thục Vy, sinh năm 1985, trú tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ vì tội 'xúc phạm Quốc kỳ”. Theo cáo trạng, bị cáo này đã coi thường pháp luật, xịt sơn màu trắng lên chính giữa ngôi sao vàng của hai lá cờ Tổ quốc cắm trước ủy ban nhân dân phường; sau đó dùng điện thoại di động chụp hình đăng lên mạng xã hội và coi đó là hành động phản đối những điều mà bị cáo tự thấy bức xúc. Những hành vi sai trái này đã bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng thổi phồng, tạo cớ để đấu tranh chống phá hoạt động của chính quyền ta.

Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ năm 2018 quy định: Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Dấu hiệu pháp lý của tội danh này là xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, xâm phạm biểu tượng quốc gia. Đối tượng tác động là Quốc kỳ. Về mặt khách quan, hành vi cố ý xúc phạm Quốc kỳ Nước cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, viết, vẽ những nội dung không lành mạnh liên quan đến Quốc kỳ, hành vi có tính chất nhạo báng, sỉ nhục hoặc có những hành động khác làm biến dạng, phá hỏng Quốc kỳ.

Năm 1930, Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng, một số cuộc đấu tranh thời kỳ đầu tiên đã xuất hiện lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh nhưng được lồng trên hình búa liềm. Tại cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940), lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương VIII (tháng 5-1941) về thành lập Mặt trận Việt Minh, trong chương trình Việt Minh đã ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ”. Đây là văn bản đầu tiên, quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

Tại Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 16-8-1945 đã quyết định Quốc kỳ Việt Nam là nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Sau Cách mạng Tháng Tám, Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam quy định rõ: “Quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Đất nước thống nhất, Quốc hội nước ta đã ra Nghị quyết công nhận Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Tại khoản 1, Điều 13 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ: “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Nền đỏ Quốc kỳ thấm máu bao đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, Sự chiến đấu, hy sinh và chiến thắng; màu vàng ngôi sao là linh hồn dân tộc Việt Nam, biểu trưng của sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Quốc kỳ từ lâu đã trở thành hồn thiêng sông núi, là biểu tượng tinh thần thiêng liêng, gắn liền với các sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đồng hành cùng thắng lợi vĩ đại của cách mạng, lá Quốc kỳ chỉ dẫn đoàn quân chiến thắng, từng tung bay kiêu hãnh trên nóc hầm của tướng Đờ Caxtơri khi kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954. Ngày 30-4-1975, lá cờ đỏ sao vàng lại phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống Ngụy trong ngày đại thắng 30-4-1975.

Quốc kỳ ở đâu, chủ quyền thiêng liêng dân tộc, niềm tự hào, kiêu hãnh và bản sắc văn hóa người Việt Nam ngự trị nơi đó. Từ đỉnh cực Bắc Tổ quốc Lũng Cú đến hải đảo xa xôi; các hoạt động của người Việt trên khắp thế giới, hình ảnh lá cờ là minh chứng hồn về chủ quyền, niềm tự hào, tự tôn Tổ quốc. Cờ đỏ sao vàng khẳng định biểu tượng phẩm giá Việt Nam, được các thế hệ người Việt trong và ngoài nước nâng niu, gìn giữ. Mỗi dịp lễ tết, ngày kỷ niệm trọng đại, đón mừng chiến thắng, sắc đỏ cờ, hoa, biển người áo đỏ có hình sao vàng trước ngực, rực cháy cùng tinh thần khát khao chiến thắng, đấy là sức mạnh đoàn kết triệu người như một dưới bóng cờ. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, Quốc kỳ Việt Nam có mặt hầu khắp các nước, đại diện cho bản lĩnh Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Thể hiện tình cảm trân trọng, trang nghiêm trước cờ Tổ quốc là thể hiện nếp sống văn hóa, tình yêu Tổ quốc.

Những hành vi xúc phạm cờ Tổ quốc, xuyên tạc về ý nghĩa lá cờ Tổ quốc cần phải bị lên án.

VIỆT KHÔI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.