Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 01:44:00

Triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2024

Ngày đăng: 18/12/2023

QK2 – Năm 2023, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu; sự phối hợp, vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị ở các tỉnh trên địa bàn Quân khu đã tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quân sự địa phương các cấp tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển quân (CTTQ), hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch trên giao. Đó cũng là nhân tố quan trọng để công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (CDNN) năm 2024 ở các địa phương được thực hiện chặt chẽ, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

Thanh niên xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Điện Biên) khám tuyển sức khỏe chuẩn bị nhập ngũ năm 2024. (Ảnh: ĐỨC HẠNH)

Một trong những giải pháp mà các đơn vị áp dụng đem lại hiệu quả trong CTTQ đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự (NVQS) đối với công dân; công tác rà soát, đăng ký, quản lý công dân; tổ chức sơ tuyển, khám tuyển, xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, đúng quy định; tổ chức buổi lễ giao nhận quân trang trọng, đúng hướng dẫn… Nhờ đó, hằng năm toàn Quân khu luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển, nhận CDNN theo Quyết định của Bộ Quốc phòng. Chất lượng CDNN năm sau luôn cao hơn năm trước (công dân có trình độ cao đẳng, đại học tăng 10,09%; sức khoẻ loại 1 tăng 1,4%, con cán bộ tăng 0,8%).

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân năm 2024, ngày 07/11/2023 Tư lệnh Quân khu đã ký ban hành Chỉ thị về việc tuyển chọn và gọi CDNN năm 2024. Theo đó, Bộ Tham mưu Quân khu đã ban hành hướng dẫn về việc tuyển chọn và gọi CDNN năm 2024. Qua theo dõi các địa phương, đơn vị, CTTQ năm 2024 hiện đang được các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ từ ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trong việc tuyên truyền về Luật NVQS đến các tầng lớp nhân dân, bằng các hình thức đa dạng, phong phú; rà soát, quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; công tác sơ, khám tuyển sức khoẻ NVQS; sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của cơ quan quân sự với các ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng vào cuộc. Kết quả bước đầu cho thấy, công tác sơ tuyển sức khoẻ tại các địa phương (1.456/1.456 xã, phường, thị trấn) đã hoàn thành, đạt 100% chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh kết quả đó, việc thực hiện Luật NVQS vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền, giáo dục ở một số địa phương chưa được coi trọng; nhận thức của một bộ phận nhân dân về Luật NVQS chưa thật đầy đủ; đặc biệt là một số công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ còn có biểu hiện trốn tránh; công tác tham mưu, phối hợp, hiệp đồng triển khai thực hiện CTTQ của một số Ban CHQS huyện hiệu quả còn thấp… Điều đó đặt ra yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục Luật NVQS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành. Trong đó, tập trung làm rõ những nội dung quy định của Luật NVQS, đó là: Độ tuổi gọi nhập ngũ, trình độ văn hóa, thời hạn phục vụ tại ngũ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, nhất là công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ… Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về việc tuyển chọn và gọi CDNN năm 2024, các địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng “đầu vào”, ưu tiên tuyển chọn những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng để nâng cao chất lượng và giảm đào tạo trong Quân đội. Đồng thời, chú trọng tạo nguồn cán bộ cơ sở, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Hai là, phát huy tốt vai trò nòng cốt của Hội đồng NVQS và cơ quan quân sự cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về CTTQ. Cơ quan quân sự địa phương thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các khâu, các bước trong quá trình tuyển quân, như công tác đăng ký, rà soát, phúc tra nắm nguồn sẵn sàng nhập ngũ tại các địa phương, nhà trường, tổ chức, doanh nghiệp, nơi công dân đang học tập, công tác…; nắm chắc đối tượng được nhập ngũ, được tạm hoãn gọi nhập ngũ và được miễn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật NVQS. Ban CHQS cấp xã thường xuyên chủ động nắm nguồn, quản lý nguồn chặt chẽ, nhất là những trường hợp đi làm ăn xa; thực hiện phương châm “tuyển người nào chắc người đó”, không để xã trắng về tuyển quân; làm tốt công tác lập hồ sơ, xét duyệt và phát lệnh gọi nhập ngũ (tỷ lệ phát lệnh gọi nhập ngũ dự phòng không quá 5%). Ngoài ra, các địa phương cần tập trung chỉ đạo làm tốt việc quản lý công dân trong diện nhập ngũ; thường xuyên tổ chức các đoàn công tác để thăm hỏi tặng quà (nếu có) và làm tốt chính sách hậu phương Quân đội.

Ba là, thực hiện tốt công tác hiệp đồng giữa địa phương giao quân và đơn vị nhận quân trong quá trình tuyển – nhận, phục vụ tại ngũ của công dân.

Các địa phương cần hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị nhận quân để nghiên cứu hồ sơ, chốt quân số trước khi phát lệnh gọi CDNN; hoàn chỉnh các thủ tục, bàn giao đầy đủ về số lượng, chất lượng CDNN cho đơn vị; trong đó, chú trọng đảm bảo chất lượng, hạn chế thấp nhất các trường hợp phải trả về địa phương vì lý do sức khoẻ, chính trị. Các đơn vị của Quân đội thực hiện “3 gặp, 4 biết” theo quy định riêng của Bộ Quốc phòng, chủ động phối hợp và cử cán bộ về địa phương nắm chắc tình hình, thâm nhập CDNN; giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh.

Bốn là, làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức buổi lễ giao nhận quân trang trọng, nhanh gọn, đúng quy định.

Tổ chức nội dung, chương trình buổi lễ giao nhận quân theo Quyết định số 2185/QĐ-BTTM ngày 21/11/2012 của Bộ Tổng Tham mưu về quy định tổ chức nghi lễ trong Quân đội và Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018 của Bộ Quốc phòng; Hướng dẫn số 2849/HD-CT ngày 14/11/2023 của Cục Chính trị Quân khu về CTĐ,CTCT trong tuyển chọn và gọi CDNN năm 2024. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm văn hoá, thể thao và du lịch; đài truyền thanh và truyền hình của địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động, đưa tin… bằng các hình thức đa dạng phong phú, để ngày giao nhận quân thực sự trở thành ngày hội tòng quân. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tổ chức tốt buổi lễ giao nhận quân bảo đảm trang trọng, nhanh gọn, an toàn, tiết kiệm.

Năm là, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo CTTQ.

Tổ chức rút kinh nghiệm về CTTQ hằng năm có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CTTQ. Tổ chức rút kinh nghiệm cần đánh giá đúng thực trạng, khắc phục bệnh hình thức, chạy theo thành tích; xác định rõ trách nhiệm, những ưu điểm, khuyết điểm trong các khâu, các bước của quy trình lãnh đạo; rút ra những kinh nghiệm và xác định phương hướng, biện pháp khắc phục, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt; phê bình, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm nguyên tắc, kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp để không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đối với CTTQ hằng năm của địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Đại tá PHÍ MẠNH CẢNH, Trưởng phòng Quân lực Quân khu
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.