Thứ năm Ngày 02 Tháng 05 Năm 2024, 12:55:07

Tạo đột phá để phát triển

Ngày đăng: 17/10/2017

Về Thanh Sơn những ngày tháng 10, chúng tôi được nghe người dân nơi đây nói nhiều tới những bản làng chuẩn, đó là: Chuẩn về đời sống văn hóa ở khu dân cư, chuẩn về đường làng, tới những dự án đồi rừng, những mô hình đã được các ban ngành trong huyện hỗ trợ, hướng dẫn và đầu tư xây dựng thông qua chương trình dân vận tháng những năm qua. Về thăm các xã Lương Nha, Võ Miếu, Yên Lãng, Yên Sơn, Thượng Cửu, Thạch Khoán, sải bước trên những tuyến đường bê tông phẳng lì, trải dài quanh những sườn đồi, vạt rừng… nối liền giữa các làng, xã, phóng tầm mắt quan sát các công trình hạ tầng nông thôn, những cánh đồng lúa, rau màu, đồi chè, bưởi chất lượng cao được quy hoạch liền vùng, liền thửa, chúng tôi thực sự ấn tượng về những đổi thay rõ nét nhờ chương trình “Dân vận tháng” của huyện triển khai trong 5 năm qua.

Lãnh đạo Ban CHQS huyện Thanh Sơn kiểm tra, chỉ đạo lực lượng thi công, xây dựng nhà tình nghĩa tặng hộ nghèo cho gia đình ông Lê Văn Hiến tại xóm Cát, xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn).

Trung tá Cù Xuân Cường, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Thanh Sơn chia sẻ: Trước đây, các xã trên đều thuộc diện khó khăn nhất của huyện, theo tiêu chí chuẩn nông thôn mới (cuối năm 2014) về thu nhập, giao thông, cơ sở vật chất, văn hóa, môi trường, trường, trạm và vệ sinh an toàn thực phẩm… mới đạt mức tối thiểu. Để tạo sự đột phá thay đổi bộ mặt nông thôn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã đoàn kết hợp lực, đầu tư, quy hoạch, mở rộng cơ cấu các mô hình sản xuất ruộng, vườn, đồi rừng; xây dựng các công trình nông thôn, bảo đảm liên hoàn theo hướng phát triển bền vững. Do đó, nhân dân rất phấn khởi, yên tâm làm ăn, tập trung đầu tư sản xuất nhiều mặt hàng nông sản sạch, an toàn đem lại lợi ích kinh tế cao.

Đồng chí Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn cũng cho biết: Theo chương trình dân vận của huyện, cơ quan chúng tôi đã cử cán bộ xuống các xã, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ chuyên môn và nhân dân địa phương thực hiện chuyển đổi quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp; trong đó, chú trọng duy trì, mở rộng diện tích cây chè, cam, bưởi, lúa chất lượng cao, với tổng diện tích gần 400 ha; tổ chức hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm… theo hướng phát triển hàng hóa năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, Phòng cũng tham mưu, đề xuất với các địa phương tạo điều kiện, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, hình thành tổ liên kết sản xuất nông nghiệp và dịch vụ. Do đó, thu nhập bình quân của các xã hiện nay luôn đạt từ 19 đến 20,5 triệu đồng/người/năm, tăng 9 triệu đồng/người/năm so với năm 2014.

Từ sự khởi đầu gian khó, tới những thành công đem lại như hiện nay đã cho thấy kết quả mà chương trình dân vận tháng của huyện Thanh Sơn thực hiện trong 5 năm qua là rất đáng mừng; khẳng định quyết tâm vượt khó và sự đoàn kết đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn Nguyễn Văn Mạnh, nét nổi bật của các xã nông thôn hiện nay là các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan… đã được loại bỏ; nhân dân các dân tộc đã tự giác nhắc nhau thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhất là trong việc cưới, hỏi, hiếu hỷ… Không còn tình trạng học sinh bỏ học, tỷ lệ tảo hôn, sinh con thứ 3 đã giảm mạnh; người bị đau ốm đã được gia đình đưa tới các cơ sở y tế để khám, chữa trị… Tới nay, 100% các thôn, xóm đều có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khang trang.

Có mặt tại các xóm: Sè, Dẹ, Trống, Trầu, Mật, Niệm và xóm Cát (xã Văn Miếu), từ rất sớm, chúng tôi đã gặp đồng chí Chủ tịch UBND huyện cùng cán bộ các phòng, ban, cơ quan quân sự của huyện tới tận nơi kiểm tra, chỉ đạo, động viên các lực lượng quân sự, công an, dân quân và nhân dân làm đường giao thông; xây dựng nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm cho các gia đình chính sách; sửa chữa trường học, nhà văn hóa các khu dân cư… Sự có mặt của người lãnh đạo cao nhất huyện càng làm tăng thêm niềm tin, tạo ra động lực để nhân dân thêm phấn khởi, vững tin thực hiện những chủ trương, quyết sách cấp ủy, chính quyền địa phương, bảo đảm an toàn, chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ thêm: Quá trình thực hiện, huyện đã yêu cầu tất cả các ban, ngành chức năng cùng tham gia, với những nội dung, chỉ tiêu cụ thể; lấy tiêu chí chất lượng công việc và sự hài lòng của người dân để đánh giá vai trò của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu. Đây chính là biện pháp để chương trình hoàn thành đúng kế hoạch, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Đồng chí Hà Tiến Công, Chủ tịch UBND xã Văn Miếu cho biết: Nam nay, xã Văn Miếu được chương trình dân vận của huyện hỗ trợ xây dựng 2,6 km đường giao thông nên nhân dân đều rất phấn khởi. Với tinh thần dân làm, dân thụ hưởng, dân chăm lo, ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước và huyện, địa phương cũng huy động các nguồn lực tại chỗ, gồm: Cát, sỏi, ngày công lao động, với sự hưởng ứng nhiệt tình, tự giác của nhân dân. Trong đó, có nhiều gia đình tự nguyện hiến đất ruộng- vườn, để mở rộng mặt bằng xây dựng các công trình: Điện, đường trường, trạm, nhà văn hóa…, bảo đảm rộng rãi, khang trang, sạch, đẹp, góp phần phục vụ lợi ích thiết thực của người dân.

Ông Lê Văn Bộ, Trưởng ban MTTQ xã Văn Miếu cũng chia sẻ: Sau khi những tuyến đường hoàn thành, chúng tôi sẽ giao cho Hội Phụ nữ các xóm tự quản, để đôn đốc quét dọn, vệ sinh hàng ngày và tuyên truyền, vận động mọi người không vứt rác, thải nước sinh hoạt ra đường, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Đổi mới tư duy cách nghĩ, cách làm, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực trong dân, chương trình “Dân vận tháng” ở huyện Thanh Sơn đã và đang đem lại ý nghĩa thiết thực. Hiệu quả của chương trình góp phần khích lệ, động viên nhân dân cùng chung tay, góp sức xây dựng cộng đồng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: VŨ VIẾT DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.