Thứ tư Ngày 01 Tháng 05 Năm 2024, 08:25:40

Thờ cúng Hùng Vương – Giá trị về lòng biết ơn và đại đoàn kết dân tộc

Ngày đăng: 18/04/2024

Theo thống kê, trong cả nước hiện có gần 1.500 di tích thờ cúng Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hơn 300 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tại các tỉnh trên cả nước, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc đến Nam với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian.

Đoàn dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội lên Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.

Giá trị từ lòng biết ơn

Ngày 6/12/2012, Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong bộ 5 tiêu chí, đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Nghi lễ thờ cúng Hùng Vương thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cũng là tinh thần cần khích lệ của cả nhân loại về lòng biết ơn, về sự tôn trọng đa dạng văn hóa giữa các dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và vào phương Nam theo dấu chân của người Việt. Giờ đây, thờ cúng Hùng Vương đã có ở nhiều nước trên thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Trải qua thăng trầm của lịch sử, ý thức độc lập tự chủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau trao truyền, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong thang bảng giá trị đạo đức của người Việt.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả dân tộc với những giá trị khoa học, minh chứng cho sức mạnh lan tỏa của văn hóa Việt Nam, mang những giá trị riêng hòa vào giá trị chung của văn hóa thế giới. Với quyết định của UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ đã trở thành tài sản văn hoá của nhân loại.

Ông Nguyễn Tiến Khôi, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Thọ cho biết: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ lòng biết ơn của nhân dân đối với Vua Hùng. Chính vì thế mà nhân dân đã tôn thờ Vua Hùng từ lâu đời, từ đó lập nên các đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh để con cháu mãi mãi thờ tự. Điều đó thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Thái độ tôn kính Hùng Vương với tư cách là Thủy Tổ của dân tộc khiến cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng linh thiêng và sức lan tỏa sâu rộng ra mọi miền đất nước, kể cả đối với kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài, dù xa quê nhưng luôn mong muốn một lần về với quê cha, đất Tổ.

Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng.

Đại đoàn kết dân tộc để bảo vệ Tổ quốc

Lịch sử dân tộc đã ghi đậm một sự kiện lịch sử trọng đại, cách đây 70 năm, ngày 19/9/1954, trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã có cuộc gặp nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lời nói vang lên từ Đền Hùng năm ấy không chỉ là lời căn dặn đối với Đại đoàn quân Tiên Phong mà còn là lời hiệu triệu của Người làm thức tỉnh hàng triệu trái tim người Việt Nam yêu nước, đoàn kết một lòng giữ vững tự do cho Tổ quốc. Bác nói: “Hôm nay gặp các chú ở Đền Hùng có ý nghĩa rất to lớn vì Vua Hùng là một vị khai quốc. Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của đại đoàn quân Tiên Phong rất quan trọng và vinh dự. Các lần đi chiến dịch, Trung ương và Bác quan tâm nhưng không e ngại vì biết cán bộ chiến sĩ ta có tinh thần bất khuất, nhưng lần này vào Hà Nội, Trung ương và Bác cũng quan tâm nhưng còn e ngại vì vào Hà Nội vẫn còn kẻ thù chính trị trong hoàn cảnh hòa bình (viên đạn bọc đường). Tám năm kháng chiến thắng lợi, quân và dân ta có rất nhiều công lao và thành tích. Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với nhân dân thế giới, đối với miền Nam và các nước dân chủ cho nên các chú cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Kết thúc cuộc nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại sân Đền Giếng, Bác Hồ nói: “Nhiệm vụ giải phóng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta còn rất nặng nề và quan trọng, các cháu đã thấy: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội khẳng định: Trong hệ tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựng nước phải đi đôi với giữ nước là hệ tư tưởng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu lý luận cũng như trong chỉ đạo thực tiễn của cách mạng đã trở thành sự hội tụ sáng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng bao trùm của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy chí đấu tranh ngoan cường cho độc lập thống nhất của Tổ quốc và tự do hạnh phúc của nhân dân.

Lời căn dặn của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” vẫn vẹn nguyên tính thời sự nóng hổi về bài học dựng nước đi đôi với giữ nước, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để giữ vững toàn vẹn non sông mà thế hệ cha ông đã ra sức xây dựng. Trách nhiệm của thế hệ ngày nay và muôn đời sau là ra sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương để hiểu, hướng về cội nguồn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống và củng cố khối đại đoàn kết, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.