Thứ hai Ngày 13 Tháng 05 Năm 2024, 03:52:32

Tâm tình bác sỹ hồi sức Bệnh viên Quân y 109 (Kỳ 1)

Ngày đăng: 01/10/2015

Áp lực luôn hiện hữu

Đến với khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 109, tôi mới thấu hiểu sự sống và cái chết mong manh đến thế nào, sự tận tụy và cao cả của những người thầy thuốc mặc áo lính ra sao. Nơi đây liên tục có tiếng “bíp bíp” của máy điện tim, tiếng bước chân vội vã của các điều dưỡng viên khẩn trương làm việc, có những bác sỹ áo choàng trắng trầm tư chẩn bệnh…Toàn khoa như một cỗ máy chạy hết công suất, đua với từng thời khắc, cân nhắc mọi tình huống trong tình thế khẩn cấp để cứu người…

KHOA “SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU”
Dù đã nhiều lần hẹn trước, nhưng không mấy khi chúng tôi có được cuộc trò chuyện thoải mái với Thượng tá, bác sỹ chuyên khoa II Hoàng Anh Tú, Chủ nhiệm khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 109. Ngày cuối tuần mới đây cũng vậy, dù đã báo trước vài hôm, nhưng bác sỹ Tú vẫn tôi vẫn không có nhiều thời gian để tiếp chuyện chúng tôi, bởi anh đang phải theo dõi một ca cấp cứu đặc biệt.
Bệnh nhân là một thanh niên trẻ tuổi bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, vừa trải qua ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ…Một cuộc chiến thầm lặng đầy khốc liệt chính thức bắt đầu. Trong căn phòng chỉ một màu trắng toát lạnh lẽo, các bệnh nhân như đang bất động với hệ thống máy móc, dây nối, cảm giác như không còn khái niệm về thời gian, không gian, ngày tháng. Các bác sỹ đang tập trung làm mọi thao tác kỹ thuật để cứu sống bệnh nhân, tất cả diễn ra trong yên lặng.

Thượng tá, bác sỹ CKII Hoàng Anh Tú, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu trực tiếp tham gia công tác điều trị cho các bệnh nhân.

Thượng tá, bác sỹ CKII Hoàng Anh Tú, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu trực tiếp tham gia công tác điều trị cho các bệnh nhân.

Tranh thủ gặp bác sỹ Tú trong giây lát, anh chia sẻ: “Vào khoa Hồi sức cấp cứu thường là những ca rất nặng, tỉ lệ tử vong cao. Vì thế, mỗi ca trực của chúng tôi giống như bước vào cuộc chiến giành giật sự sống cho người bệnh. Có không ít bệnh nhân nặng quá, hy vọng sống bị đẩy lùi một cách nghiệt ngã. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tích cực cấp cứu vì luôn nghĩ rằng: Còn nước còn tát. Thậm chí đôi khi hết nước vẫn tát. Đó là trường hợp khi bệnh nhân đã ngừng tim, ngừng hô hấp, chúng tôi vẫn cố gắng vớt vát bằng cách ép lồng ngực, bóp bóng, sốc tim…chỉ với hy vọng cứu được họ, nhưng do bệnh tình quá nặng, có người bệnh vẫn ra đi. Mỗi lúc như thế, những thầy thuốc chúng tôi ai cũng nặng lòng dù không nói ra. Điều đó khổ tâm lắm! Đối mặt với sự sống, cái chết như thế, thần kinh, tâm lý phải vững vàng lắm, nếu không thì không trụ nổi. Chẳng giấu gì anh, không ít y bác sĩ khi mới ra trường khi chứng kiến cảnh đó…run hết cả người, lúng túng không biết xoay sở thế nào”.
Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Bác sỹ chuyên khoa II Lê Văn Cừu, Phó Chủ nhiệm khoa cũng bộc bạch: “Khoa chúng tôi thường xuyên phải chăm sóc đối tượng bệnh nhân hôn mê dài ngày, với chế độ theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, các y bác sỹ luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Nhiều thời điểm bệnh nhân nhập viện ồ ạt, nhất là dịp nghỉ lễ, số ca bị tai nạn giao thông thường tăng đột biến. Những khi ấy, việc phải thức trắng nhiều đêm để giành giật sự sống cho người bệnh là chuyện thường tình”.
LUÔN NHẬN THIỆT THÒI VỀ MÌNH
Bên cạnh áp lực về công việc, sự khó khăn, vất vả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các y bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 109 còn thường xuyên phải đối mặt với không ít rủi ro. Nhất là nguy cơ về lây bệnh, nhiễm phóng xạ trong quá trình cấp cứu bệnh nhân. Thượng tá, bác sỹ Hoàng Anh Tú cho biết, xuất phát từ đặc điểm nhiệm vụ đòi hỏi sự khẩn trương cao độ để cứu người, nên nhiều trường hợp khi đưa vào viện khi đã rơi vào tình rất nguy kịch, không còn thời gian để xét nghiệm, phải khẩn trương cấp cứu để bảo toàn tính mạng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân sang thầy thuốc rất cao.
Đồng chí Chủ nhiệm khoa nhớ lại: Khoảng cuối năm 2014, có một bệnh nhân nữ, quê ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, bị viêm não do vi-rút. Bệnh này thuộc loại truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp. Tuy nhiên, vì tình trạng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong đã cận kề, nên các y bác sỹ của Khoa chỉ lo tập trung cứu người mà không nghĩ gì đến tình huống có thể bị phơi nhiễm bệnh. Ca cấp cứu thành công cũng là lúc toàn bộ các bác sỹ tham gia kíp trực hôm đó phải uống khẩn cấp kháng sinh dự phòng liều cao đến vàng da, vàng mắt.

Điều dưỡng viên Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 109 chăm sóc bệnh nhân.

Điều dưỡng viên Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 109 chăm sóc bệnh nhân.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi còn được biết, trong nhiều tình huống cấp cứu bệnh nhân, không ít trường hợp bị suy hô hấp nặng, phải thở máy, nhưng do yêu cầu phải chụp X quang để chẩn đoán và tiên lượng bệnh, vì vậy, vừa phải phối hợp chụp X quang vừa phải bóp bóng Ambu để hỗ trợ thở cho người bệnh, tránh nguy cơ để bệnh nhân bị tổn thương não dẫn đến tử vong. Trung úy QNCN Lê Thị Hồng Phương, điều dưỡng viên Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, với tình huống này, người thực hiện bóp bóng có nguy cơ bị nhiễm xạ từ máy X quang, rất có hại cho sức khỏe. Quá trình thực hiện các thao tác này, nếu người thầy thuốc được trang bị áo chì thì có thể tránh được việc nhiễm xạ, nhưng do điều kiện khó khăn chung, nên loại áo này chỉ trang bị được cho nhân viên chụp X quang, trong khi việc này lại diễn ra gần như thường xuyên. Biết rõ sức khỏe của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy, nhưng vì nhiệm vụ cao cả, vì cái tâm của người thầy thuốc, những nhân viên đảm nhiệm bóp bóng Ambu vẫn sẵn sàng đón nhận những thiệt thòi về mình…
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG
Kỳ 2: Hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.