Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 02:06:47

Pâng Loóng – điệu múa vui nhộn của người Cao Lan

Ngày đăng: 19/07/2016

Múa Pâng Loóng (còn gọi là múa gõ muống hay múa mừng cơm mới) của đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống ở vùng Tây Bắc, được truyền từ đời này qua đời khác. Đây là một điệu múa đơn giản, âm thanh vui nhộn nhưng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống đồng bào, là nét văn hóa đặc trưng hấp dẫn trong Lễ mừng cơm mới của người Cao Lan.
Sau một vụ mùa bội thu, người dân Cao Lan lại tụ họp với nhau múa điệu Pâng Loóng để tạ ơn trời đất, thần linh đã cho người dân một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi và cũng là để chúc phúc cho vụ mùa tới.
Trong cộng đồng người Cao Lan, múa Pâng Loóng là một cuộc vui, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của những người dân lao động hiền lành, chất phác. Điệu múa Pâng Loóng mang tính ước lệ cao, miêu tả lại quá trình làm nương của người Cao Lan, từ lúc tra hạt cho đến lúc thu hoạch mang về giã thành gạo. Lúa nếp được lấy về để làm đồ cúng lễ phải là những bông nếp to, đều. Thóc nếp được rang qua lửa rồi đưa vào giã trong một chiếc muống được làm từ thân cây gỗ rừng mang hình thuyền độc mộc. Nhạc cụ sử dụng cho điệu múa này chủ yếu là bộ gõ bao gồm trống và các ống tre. Loại nhạc cụ này tạo nên âm thanh sôi động và ấn tượng khó quên trong lòng người xem.
Pâng Loóng là sự kết hợp khéo léo giữa người nam, người nữ và những thanh âm phát ra từ bộ gõ mà ai cũng có thể tham gia được. Là điệu múa không hạn chế về số lượng, tuổi tác và giới tính nên mỗi dịp tổ chức múa Pâng Loóng đã tạo sự vui tươi, phấn khởi cho những người lớn tuổi.
Còn đối với nam thanh, nữ tú thì đây là cơ hội để tâm sự hẹn hò. Khi múa, các “diễn viên” không chuyên sẽ cầm các ống tre đứng xung quanh muống rồi gõ vào muống với tiết tấu nhanh và mạnh mẽ. Cứ đều đặn như thế, họ say sưa cùng nhịp gõ, có khi họ gõ đến nửa đêm, trong ánh lửa bập bùng rồi mọi người thay nhau gõ muống, người thì nấu cháo, người thì làm bánh cùng nhau ăn và vui chơi, tạo không khí phấn khởi sau một mùa bội thu cho cả làng, cả bản.
Tiếng gõ muống, tiếng nhạc đệm từ những nhạc cụ truyền thống chính là một phần quan trọng tạo nên sự khác lạ, thu hút trong điệu múa Pâng Loóng. Người dân hò reo theo giai điệu rộn ràng của tiếng chày, tiếng muống làm cho không khí thêm náo nhiệt.
VŨ HƯƠNG (ST)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.