Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 10:58:14

Người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ

Ngày đăng: 16/10/2021

QK2 – Đầu năm nay, dù đã ở tuổi 90 nhưng khi nhận được lời mời của lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316), Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu vẫn dành thời gian bố trí trở về thăm đơn vị cũ, kể chuyện truyền thống cho các chiến sĩ trẻ. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, nhiệt huyết, giọng nói sang sảng, “truyền lửa” cách mạng cho bộ đội.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu (tên thật là Sầm Phúc Hướng) sinh năm 1931, người dân tộc Tày, quê ở tỉnh Cao Bằng. Hiện ông ở trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Năm 1948 khi mới 17 tuổi, La Văn Cầu đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Đại đội 671, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, trong trận đánh Đông Khê của Chiến dịch Biên giới Thu-Đông năm 1950, với chức trách là Tiểu đội phó, Trung đội 2, Đại đội 671, dù bị đạn địch bắn nát một tay, La Văn Cầu dũng cảm nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương cho đỡ vướng rồi kìm nén nỗi đau để tiếp tục chiến đấu. Tổng kết Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương chiến sĩ trẻ La Văn Cầu là một trong những “lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công”. La Văn Cầu và một số chiến sĩ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ Thi đua toàn quốc lần thứ nhất, La Văn Cầu vinh dự là 1 trong 7 chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên được phong tặng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ (Ảnh chụp tháng 5 năm 2018).

Còn nhớ năm 2018, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức Tọa đàm “Quân khu 2 đinh ninh lời Bác dạy” và có mời  Anh hùng LLVT tiêu biểu là La Văn Cầu và Phùng Văn Khầu tới tham dự. Được gặp, trò chuyện với lãnh đạo Quân khu và các chiến sĩ trẻ, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu không khỏi xúc động, ông bồi hồi kể: "Trong lúc chiến đấu trận Đông Khê, bị địch bắn trúng cánh tay phải và sát má phải, các đồng đội tưởng tôi đã chết, nên tôi cố hô to Hồ Chủ tịch muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!, song lịm đi không biết gì nữa. Khi tỉnh lại, một bên người mình đã tê đi, cánh tay phải lủng lẳng, mất cảm giác, má phải bị thương nặng. Lại nghĩ đến nhiệm vụ, tôi vùng dậy tìm gói bộc phá, nhưng lúc này rất khó đi. Tôi quay xuống tìm người nhờ chặt cánh tay cho đỡ vướng để tiếp tục chiến đấu. Nhớ đến lời Ban Chỉ huy dặn phải phá cho bằng được lô cốt này, vì Đông Khê là vị trí rất quan trọng, bảo vệ đường số 4. Lô cốt này bắn xuống đường Thất Khê và yểm hộ bốt Cam Vây. Nếu không phá được lô cốt này quân ta rất khó tiến lên được. Nghĩ thế, tôi lại thấy hăng, lại xách bộc phá nhảy lên, dù còn 1 tay nhưng tôi vẫn ôm được quả bộc phá nặng 12 kg".
“… Đông Khê là cứ điểm quan trọng nằm giữa hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy chúng tôi đánh trận Đông Khê để mở màn cho Chiến dịch Thu-Đông năm 1950. Bác gửi thư động viên bộ đội trận này rất quan trọng, đã đánh là phải thắng. Tôi làm tổ trưởng 1 tổ bộc phá, có 5 tổ bộc phá, mỗi tổ có 25 người. Nhiệm vụ chúng tôi là đánh lô cốt. Trận đánh lịch sử này vào sáng ngày 16 tháng 9 năm 1950, mở màn cho Chiến dịch Biên giới”- Anh hùng La Văn Cầu nhớ lại.
Trải qua nhiều đơn vị công tác, đến năm 1996 ông được nghỉ hưu về sinh sống tại Hà Nội cùng con cháu. Là người anh hùng trong chiến đấu nhưng trở về đời thường ông luôn giản dị, chan hòa với bà con xóm phố; tích cực tham gia các hoạt động của Hội CCB, Hội người cao tuổi và các phong trào khác của địa phương. Hễ có cơ quan, đơn vị, nhà trường nào mời ông đến kể chuyện truyền thống là ông đều vui vẻ nhận lời, dù xa xôi đến mấy ông cũng đi. Cách ông kể chuyện rất cuốn hút, giọng nói to rõ, mạch lạc. Đến nay ông không thể nhớ nổi mình đã kể chuyện truyền thống bao nhiêu lần, có bao nhiêu lượt người được nghe, mà chỉ nhớ rằng có đơn vị mời là ông luôn sẵn lòng. Với những việc làm nghĩa tình, trách nhiệm “truyền lửa” cách mạng tới cộng đồng, Anh hùng La Văn Cầu được bình chọn là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.
Noi gương Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu và các bậc tiền nhân, trải qua các thời kỳ cách mạng, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đã đoàn kết một lòng, chiến đấu và chiến thắng các kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ngày nay, trong điều kiện thời bình, song nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đã xuất hiện nhiều tấm gương sẵn sàng xả thân, hy sinh, như liệt sĩ Cao Xuân Tú (Lữ đoàn 543) đã nhận sự nguy hiểm về mình để bảo vệ an toàn cho các đồng đội. Đặc biệt trong gần 2 năm qua, khi dịch Covid-19 xuất hiện làm đảo lộn cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu đã không quản khó khăn, gian khổ, sẵn sàng xông pha nơi tâm dịch, để khoanh vùng, dập dịch, bảo vệ, giữ vững những “vùng xanh” yên bình cho nhân dân. Qua đó tô thắm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng là những thế hệ hậu sinh của Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu và các bậc tiền nhân.
Bài, ảnh: DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.