Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 07:24:09

Có một “Tình yêu người lính”

Ngày đăng: 24/12/2021

QK2 – Giữa mùa thu qua, tôi được tác giả – Nhà giáo Đặng Văn Hương gửi tặng tập truyện ký "Tình yêu người lính". Lâu nay được tặng sách cũng khá nhiều, đa dạng, phong phú về thể loại nhưng  thú thực, tôi không phải tôi không trân trọng, cảm nhận hết giá trị tinh thần và tình cảm của người tặng, mà phần lớn do cuộc sống xô bồ, lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian. Dẫu vậy, dịp kỷ niệm 77 năm ngày 22/12, ngày của những người đã và đang khoác trên mình màu xanh quân phục, cũng là Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, xin có đôi lời trải lòng để cảm ơn tác giả Đặng Văn Hương về tập truyện ký “Tình yêu người lính”.

Bìa tập truyện ký “Tình yêu người lính”

Là người cùng quê trung du, dù có “sinh sau đẻ muộn”, nhưng tôi vẫn nhận thấy đó đây trong tập sách những nét văn hóa và thói quen sinh hoạt gần gũi của người dân vùng Đất Tổ. Huống hồ, tập truyện ký được tác giả viết hơn bốn mươi năm trước, khi còn là trai trẻ mới rời ghế nhà trường vào quân ngũ, tình cảm hồn hậu của người dân “sắn – tre – chè – cọ” còn vẹn nguyên và chắp cánh.

Theo lời tựa của tác giả, sau một loạt bài đăng trên trang cá nhân thời 4.0 của nhà giáo nghỉ hưu, ký ức về loạt truyện dài kỳ đăng trên báo nội bộ Sư đoàn 322, Quân đoàn 26 được lục lại. Bản thảo trong tủ sách còn đủ đầy, “Tình yêu người lính” trong tác giả manh nha từ ấy và trỗi dậy. Tác giả tự sự: “Ôi, 40 năm trôi qua, tập bản thảo này cùng với tôi đi nhiều nơi trên mảnh đất Cao Bằng, được cất vào ba lô leo đèo, lội suối, đi khai thác gỗ, tre, vầu…, nhiều lần trôi mảng gỗ, tre, vầu trên sống Hiến, sông Bằng, Cao Bằng… rồi theo tôi về Thái Nguyên, về quê Tứ Mỹ, thị xã Phú Thọ mà nét chữ không nhòe, chữ viết nhỏ, khá đẹp, dễ đọc, nhiều đoạn sửa chữa, bổ sung bằng mực đỏ…

Bây giờ đọc truyện mà tự cảm thấy sao mà mình viết được như vậy khi còn rất trẻ, nay ngoài 60 tuổi chắc là tôi không thể nào viết được. Có thể ngày ấy tôi được sống trong môi trường bộ đội, được trực tiếp tham gia nhiều nhiệm vụ cấp trên giao, cho nên có nhiều tư liệu thực tế sinh động mà bây giờ không thể nào có, không thể nào tưởng tượng ra được…”.

Thế mới biết, trải  nghiệm thực tiễn cuộc sống sinh động là “mẹ đẻ” của những sáng tạo và thành công. Thực tiễn ấy khiến cậu học trò vốn giỏi văn, giỏi toán năm nào, từng làm thầy dạy toán trở thành “người viết văn, viết truyện” khi còn là chiến sĩ. “Tình yêu người lính” bắt nguồn từ ấy!

Xuyên suốt tập truyện ký là tình yêu của đôi “trai tài gái sắc” Tuấn – Phương. Tình yêu ấy giản dị, trong sáng, khởi nguồn từ tình bạn khi còn là học sinh. Tình yêu đến khi cô gái  Phương trở thành sinh viên đại học, còn chàng trai là người lính biên giới. Trải qua bao trắc trở gập ghềnh cũng như diễn biến tâm trạng của mỗi người trong  bộn bề cuộc sống khó khăn, tình yêu càng được thử thách để đủ độ chín và cập bờ hạnh phúc.

Cùng với cặp nhân vật chính của tình yêu người lính là những tình cảm lứa đôi, tình người, tình đời đan xen trong công việc. Những con người lao động bình dị cùng cuộc sống của giai đoạn đất nước chuyển mình từ thời hậu chiến tranh và cuộc chiến đấu trên biên giới sang giai đoạn tiền đổi mới, với những ái, ố, hỉ, nộ và những khó khăn, éo le của cuộc sống đời thường, bức tranh được tác giả dựng lên trong không gian, thời gian đủ để người đọc thế hệ cùng thời trở lại hòa mình vào cuộc sống; thế hệ sau cảm nhận được một phần thanh âm, sắc màu cuộc sống thời ấy.

Tình yêu người lính là tình yêu giản dị, chân thành, được đặt trong tinh yêu với đồng bào, với đất nước, quê hương và gia đình, bạn bè, làng xóm. Dù giản dị, chân thành nhưng tình yêu ấy đã được xây dựng thành hình tượng nghệ thuật, sống trong lý trí và trái tim của nhiều thế hệ con người Việt Nam. Xuyên suốt và cái đích vươn tới của tình yêu người lính – Bộ đội Cụ Hồ là tình yêu lứa đôi được vun đắp, nuôi dưỡng trong tình yêu Tổ quốc, yêu Quân đội, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng. Khi có tình yêu chân chính thì mỗi người sẽ có cách sống đẹp, lạc quan vượt qua mọi vất vả, khó khăn, sống có lý tưởng, có trách nhiệm cao trong chiến đấu, công tác và cuộc sống cũng như trách nhiệm với tình cảm ấy. Bên cạnh đó, người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, dù bất cứ thời kỳ nào cũng thể hiện là người con ưu tú của nhân dân. Nhân dân đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng, giúp đỡ và thương yêu bộ đội chính là lòng yêu nước. Có lẽ đó là một trong những thông điệp tác giả muốn gửi gắm từ sâu thẳm tâm hồn tới độc giả.

Qua tập truyện ký, nhà giáo Đặng Văn Hương cũng thể hiện là người am hiểu về các lĩnh vực của nghệ thuật tổng hợp, cùng với những đoạn thơ, bài thơ khiến những mảng của đời sống người lính cũng như đời thường thêm lãng mạn.

Đây là đoạn trích bài thơ “Điểm tựa” của Lê Đức Thọ viết về cuộc sống bộ đội thời đó mà thế hệ ấy lấy đó làm niềm vui lẽ sống, ai cũng thuộc lòng: “… Đời chiến sĩ còn nhiều cực khổ/ Quần áo mong manh, cơm có bữa chưa no/ Gạo sấy khoai mỳ “bát anh toàn quốc”/ Và “nước chấm đại dương” đỡ lúc đói lòng/ Cũng có khi “thịt ấm chân răng”/ Nhưng có bữa cơm toàn muối trắng”/… Nói đến đây anh lính bỗng cười xòa/ Đất nước khó khăn quân thù còn đó/ Mộ liệt sĩ năm nào mới xanh ngọn cỏ/ Mối thù này đâu đã dễ quên ngay/ Phải giữ vững đất này cho hôm nay và cho cả ngày mai/ Ôi! Tâm hồn anh nâng cao tầm thời đại…”.

Tập truyện ký “Tình yêu người lính” gồm 8 chương 37 mục, 362 trang khổ 13×20, được Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2021. Trân trọng cảm ơn tác giả, nhà giáo Đặng Văn Hương cùng tập sách “đầu tay” có ý nghĩa với bạn đọc trong và ngoài Quân đội.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.