Chủ nhật Ngày 05 Tháng 05 Năm 2024, 09:50:21

Cải cách chính sách tiền lương

Ngày đăng: 24/04/2018

 Chính sách tiền lương là một trong những chính sách cơ bản, quan trọng của nhiều quốc gia và cũng là mối quan tâm đặc biệt của Đảng ta. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh “Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động”. Thực hiện Nghị quyết của đại hội, nhiều đề án, dự án cải cách chính sách tiền lương đã được triển khai…

Nhiều lần điều chỉnh lương

Quan điểm nhất quán của Đảng ta coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016) khẳng định: “Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động… Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý”.

Trong mấy thập kỷ qua, Việt Nam đã nhiều lần cải cách chính sách tiền lương. Tiền lương tối thiểu chung (tiền lương cơ sở) áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức được xác định theo hướng tiếp cận dần mức sống tối thiểu, luôn điều chỉnh bù đắp được tiền lương theo chỉ số giá sinh hoạt và mức tăng trưởng kinh tế. Từ tháng 12-1993 đến cuối năm 2017, mức lương này đã điều chỉnh 14 lần (từ 120.000 đồng lên 1,3 triệu đồng), tăng 10,83 lần, trong khi chỉ số giá hàng hóa tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần, nên về cơ bản bảo đảm được tiền lương thực tế.

Riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (từ tháng 1-2016 đến nay), mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã được tăng 2 đợt (ngày 1-5-2016 tăng từ mức 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng. Ngày 1-7-2017  tăng tiếp lên mức 1.300.000 đồng/tháng). Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến ngày 1-7-2018 tới, mức lương cơ sở sẽ là 1.390.000 đồng/tháng (tăng 90.000 đồng/tháng so với mức hiện nay).

Cũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, mức lương tối thiểu vùng cho người lao động tại các doanh nghiệp cũng đã được điều chỉnh hai đợt (vào ngày 1-1-2017 và 1-1-2018).

Tuy nhiên, chính sách tiền lương hiện hành của chúng ta cũng đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, bất cập và lạc hậu. Tiền lương của  cán bộ, công chức, viên chức dù đã nhiều lần điều chỉnh nhưng vẫn đang ở mức thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Năm 2017, mức tiền lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức chỉ bằng 50,39% tiền lương tối thiểu vùng IV, bằng 44,83% vùng III, bằng 39,16% vùng II và 34,67% vùng I của người lao động trong các doanh nghiệp. Với chính sách tiền lương không đủ tiêu dùng hiện nay dẫn đến hệ lụy không mong muốn là nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn khác ngoài lương để bù đắp phần thiếu hụt, ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Mâu thuẫn, bất cập dễ nhận biết nhất là mặc dù tiền lương của một số cán bộ công chức không đủ tiêu dùng, nhưng thu nhập ngoài lương của họ lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, chức danh việc làm, loại hình dịch vụ công, vùng, miền…).

Sẽ có hệ thống thang, bảng lương mới

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ngày 12-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Ban chỉ đạo này do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban. Ba phó trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Nội vụ (thường trực); Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và đôn đốc triển khai thực hiện 3 Đề án: Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp; Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công.

Một điểm rất mới trong tư duy cải cách tiền lương của đề án trên là xây dựng hai bảng lương, một bảng lương dành cho các chức danh vị trí việc làm, một bảng dành cho cán bộ làm công việc thuần túy về chuyên môn, khắc phục được bất cập khi trả lương theo bằng cấp. Cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực công có trình độ cao hơn thì lương cao hơn, lương của cấp trên cao hơn cấp dưới, tránh tình trạng ngược lại như hiện nay.

Đề án cũng đặt ra định hướng chi trả thu nhập của cán bộ, công chức theo thông lệ quốc tế là tỷ trọng lương chiếm không quá 70% thu nhập và phụ cấp không được quá 30%.

Bên cạnh đó, đề án cũng bãi bỏ cách tính lương theo hệ số mà quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương; xác định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, được luật hóa không ai trả thấp hơn. Ngoài ra quy định cả mức lương tối thiểu giờ; bãi bỏ can thiệp của nhà nước vào thang, bảng lương của doanh nghiệp, tiến tới liên thông giữa tiền lương khu vực công và tư.

Đề án đang được hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ bảy (khóa XII). Nếu được thông qua, từ năm 2021, cả nước sẽ bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo hệ thống thang, bảng lương mới.

Khắc phục những điểm bất hợp lý về lương đối với cán bộ quân đội

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tiền lương đối với lực lượng vũ trang đã được thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ báo cáo trước Quốc hội khóa XI (năm 2004) về Đề án cải cách tiền lương: “Tiền lương và phụ cấp của lực lượng vũ trang phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm, cống hiến của lực lượng vũ trang là “một ngành lao động đặc biệt”, vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ, công chức như hiện nay”. Quốc hội lúc bấy giờ đã nhất trí cao với đề án này và đề án đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều nội dung trong đề án nói trên đã lạc hậu. Tiền lương và thu nhập thực tế của cán bộ quân đội đã không tương xứng với “một ngành lao động đặc biệt” nữa.

Theo khảo sát của chúng tôi, từ năm 2004 đến nay, tiền lương của sĩ quan quân đội được điều chỉnh không tương ứng với mức tăng giá sinh hoạt và mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, kém xa mức tăng tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với đội ngũ sĩ quan cấp cơ sở luôn gắn liền với hoạt động của bộ đội phải ăn theo định lượng, nhưng không được hưởng bù chế độ chênh lệch định lượng, mà ăn theo mức nào thì phải nộp đủ tiền ăn theo mức đó, nên khi giá lương thực, thực phẩm tăng, mức tiền ăn tăng, thì tiền ăn phải nộp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tiền lương, không còn bảo đảm các khoản chi cho nhu cầu khác của bản thân và gia đình.

Từ năm 2004 đến nay, Chính phủ đã ban hành chế độ phụ cấp ưu đãi cho các ngành giáo dục, y tế… hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu chung cho một số ngành và bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với một số chức danh trong các ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm… đã làm phá vỡ quan hệ cân đối về tiền lương như đã được xác định ban đầu giữa tiền lương sĩ quan quân đội với tiền lương của cán bộ, công chức hành chính.

Đại đa số sĩ quan trong quân đội sống trong doanh trại, không có điều kiện và không được phép làm thêm để tạo nguồn tăng thu nhập, đã tạo thêm sự mất cân đối về tiền lương, thu nhập giữa sĩ quan quân đội và các đối tượng hưởng lương trên cùng địa bàn.

Trong thiết kế bảng lương sĩ quan quân đội, cũng thể hiện một số mặt chưa phù hợp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo chiếm tỷ trọng không đáng kể so với mức lương cấp hàm. Mặc dù, trong quá trình tổ chức thực hiện đã có sự điều chỉnh thăng cấp quân hàm cho phù hợp với chức vụ được giao, nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng người giữ chức vụ thấp nhưng lương lại cao hơn người giữ chức vụ cao, nếu có bậc quân hàm cao hơn… Ngoài ra, còn có loại phụ cấp mà khu vực hành chính đã được hưởng nhưng chưa áp dụng đối với sĩ quan quân đội.

Để góp phần khắc phục những bất cập trong chính sách tiền lương đối với sĩ quan quân đội, hiện nay, Bộ Quốc phòng đang giao các cơ quan chức năng nghiên cứu việc chuyển hình thức trả lương theo cấp bậc quân hàm và phụ cấp chức vụ sang trả lương theo vị trí, chức vụ và phụ cấp quân hàm, phù hợp với chủ trương của Đảng; rà soát lại các hệ thống phụ cấp để tích hợp các loại phụ cấp phù hợp vào lương… để bổ sung vào hệ thống cải cách chính sách tiền lương chung của quốc gia.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top