Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 12:01:03

Tết Xíp Xí

Ngày đăng: 26/04/2019

QK2 – Cứ dịp 14 tháng 7 Âm lịch hàng năm, đồng bào dân tộc tại huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) lại quây quần bên nhau vui Tết Xíp Xí. Người dân nơi đây với tấm lòng hiếu khách chân thành, làm cho ai đã từng đến, dù một lần cũng phải nhớ mãi.

Chúng tôi có dịp đến huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đúng vào dịp đồng bào đang tổ chức vui Tết Xíp Xí. Hàng năm, Tết Xíp Xí được UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La tổ chức, góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái; đồng thời tăng cường mối đoàn kết, gắn bó của đồng bào các dân tộc trong huyện thông qua những hoạt động chung mang đậm bản sắc dân tộc.

Đồng bào dân tộc huyện Quỳnh Nhai vui chơi trong dịp Tết Xíp Xí.

Bên nếp nhà sàn, cô gái Thái đang đon đả, tất bật chuẩn bị "khẩu cắm" (cơm nếp nhuộm 5 màu hoặc 7 màu), một thứ không thể thiếu trong mâm cúng Tết Xíp Xí. Cụ Lò Chiến, năm nay đã 90 tuổi, kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Xíp Xí: Xíp Xí (tiếng Thái nghĩa là ngày 14). Theo quan niệm của người Thái tại Quỳnh Nhai, đây là ngày Tết để con cháu hướng về tổ tiên, là dịp người lớn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến thế hệ trẻ. Vì vậy, ở nhiều nơi, đồng bào còn gọi Xíp Xí là Tết trẻ con. Vào ngày này, trẻ em được ông bà, cha mẹ may cho những bộ quần áo rực rỡ sắc màu để mặc đi chơi Tết. Ngoài ra, Tết còn có ý nghĩa như dịp "sơ kết" và ăn mừng cho thành quả lao động vất vả trong sáu tháng đầu của một năm. Trong ngày lễ, trẻ con không phải chăn trâu, làm việc nhà mà được vui chơi thoải mái.

Tết Xíp Xí khởi nguồn bắt đầu từ dân tộc Thái. Quá trình di cư, giao thoa văn hóa đã làm cho Xíp Xí trở nên phổ biến. Ngày nay nhiều dân tộc, nhiều vùng ở tỉnh Sơn La cùng ăn Tết Xíp Xí. Tuy nhiên, giá trị lịch sử và văn hóa của loại hình sinh hoạt mang tính bản địa này không phải ai cũng biết.

Giống như nhiều ngày Tết khác, Tết Xíp Xí có 2 phần, đó là phần “mo” và phần “hội”, phần “mo” – thờ cúng tổ tiên, nhớ công ơn người khai phá tạo mường, lập bản và phần ăn uống, vui chơi văn hóa văn nghệ. Tập tục sinh hoạt và yếu tố sản xuất là cơ sở hình thành nên quan niệm về Tết Xíp Xí ngày 14-7 Âm lịch. Ðây là khoảng thời gian kết thúc vụ thu hoạch, công việc cấy cày cho vụ mùa mới vừa xong, người nông dân thực hiện “quai khẩu púng” (thả trâu vào rừng).

Ðược mùa, ăn cơm mới, việc đầu tiên là nhớ đến đất trời cho mưa thuận gió hòa, nhớ đến ông bà tổ tiên phù hộ độ trì, lẽ tự nhiên ấy dân tộc nào cũng giống nhau. Vì vậy, Xíp Xí của đồng bào dân tộc Thái đồng nghĩa với việc cúng “Nà Hoóng” (cúng trong nhà) và “cúng tế ná” (cúng ruộng). Ðồ lễ cúng gồm: thịt, rượu, “khẩu cắm” (cơm nếp nhuộm mầu), bánh chưng gù và không thể thiếu “nhớ tu pết” (thịt vịt). Người ta giải thích rằng, con vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, đời sống sản xuất của con người. Xíp Xí cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng nước.

 

Xíp Xí không chỉ có ăn uống, vui chơi mà cùng gắn với hoạt động ấy là “khắp chúc muôn” (hát chúc mừng), “khắp khoắm son cún” (hát dạy làm người). Người ta “khắp long te” (hát bè trên sông), “khắp báo sao” (hát trao duyên), hát lúc ăn uống, lúc thăm nhau.

Trong bữa cơm gia đình, mọi người trò chuyện vui vẻ, hỏi thăm ý nhị, chúc tụng cởi mở. Khi cao hứng, chủ nhà với cây đàn “tính tẩu” (đàn bầu người Thái) để ở đầu giường giãi bày tình cảm, ngôn từ mộc mạc, âm thanh réo rắt, làm cho bữa tiệc không còn là say rượu mà say tình, say nghĩa.

Ðồng bào các dân tộc ở huyện Quỳnh Nhai tuy ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống văn hóa tinh thần lại rất phong phú, tấm lòng hiếu khách chân thành và luôn rộng mở. Làm cho ai đã từng đến đây, dù một lần phải nhớ mãi.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.