Chủ nhật Ngày 19 Tháng 05 Năm 2024, 07:25:08

Tâm tình bác sỹ hồi sức Bệnh viên Quân y 109 (Kỳ 2)

Ngày đăng: 13/10/2015

Hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Thiện hiện phong trào: “Đổi mới phong cách làm việc, nâng cao chất lượng Bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, các y bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 109 luôn chủ động rèn rũa cho mình đức tính tỉ mỉ, chu đáo, hết lòng vì sức khỏe bệnh nhân. Tiếng lành đồn xa, những năm qua, lượng bệnh nhân ở các nơi đến với Bệnh viện ngày càng đông. Qua khảo sát trên 300 người bệnh và người nhà bệnh nhân mới đây, có 94% bày tỏ sự hài lòng khi đến với Khoa Khám bệnh và Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 109.

CỨU NGƯỜI LÀ TRÊN HẾT
“Do tính chất công việc, chúng tôi luôn phải duy trì đủ số lượng bác sỹ, điều dưỡng trực 24/24 giờ. Đối với bệnh nhân nặng, đòi hỏi phải có hội chẩn tốt và phác đồ điều trị phù hợp. Do đó, không kể ngày đêm, khi có tình huống cấp cứu khẩn trương, dù không phải ca trực, dù đang bận việc gia đình, chúng tôi cũng phải có mặt tại Bệnh viện trong thời gian sớm nhất”. Thượng tá, bác sỹ CKII Lê Văn Cừu tâm sự với chúng tôi như vậy. Nén tiếng thở dài, Thượng tá, bác sỹ CKII Hoàng Anh Tú, Chủ nhiệm Khoa cũng bày tỏ: “Không ít bệnh nhân vì gia đình quá nghèo không lo nổi tiền viện phí, cứ nằng nặc xin về…chờ chết. Tuy nhiên, trước tính mạng quý giá của con người, chúng tôi không thể thờ ơ. Một mặt chúng tôi phát động quyên góp ủng hộ trong cán bộ, y bác sỹ, chiến sỹ Bệnh viện, mặt khác chúng ứng thuốc, vật tư của Bệnh viện, thậm chí, trong điều kiện gấp gáp, chúng tôi còn phải dùng sang cả phần tiêu chuẩn của cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện để giúp đỡ bệnh nhân. Tuy nhiên, thuốc của bộ đội cũng không thể sử dụng rộng rãi bên ngoài được. Vì vậy, trong khi chờ cấp trên duyệt thì anh em chúng tôi liền gom tiền hoặc đi vay thuốc ở các Bệnh viện trên địa bàn để giúp bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo. Đặc biệt, đầu năm 2015 vừa rồi, có một trường hợp bệnh nhân nam nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, thân thể tím tái, nguy cơ sắp tử vong. Các y bác sỹ của khoa đã dốc tâm, dốc sức để cứu chữa. Khi người bệnh đã qua cơn hiểm nghèo, tỉnh táo hoàn toàn và có thể ăn uống được, nhưng chờ mãi không thấy người nhà đến thăm nuôi, chăm sóc, chúng tôi lại phải thay nhau mua cháo, mua sữa nuôi họ đến khi bình phục hẳn. Ngày ra viện cũng không ai đến đón. Bệnh viện định bố trí xe đưa về quê, nhưng họ cứ nằng nặc tự về một mình…Mãi lâu sau, chúng tôi mới được nghe kể lại, bệnh nhân ấy bị tâm thần, gia đình ruồng bỏ từ lâu, cứ đi lang thang nay đây mai đó “ngã đâu là nhà, nằm đâu là giường…”.
Hóa ra, những câu chuyện về người vô gia cư được các y bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 109 tận tình tiếp nhận cứu chữa không phải là chuyện hiếm. Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, đó không phải là trường hợp đầu tiên được các y bác sỹ nơi đây giúp đỡ. Khoảng 3 năm trở lại đây, có ít nhất 4 trường hợp tương tự đã đến “làm khách” của khoa, tất cả họ đều được đón nhận, cứu chữa bằng tất cả sự vô tư và tấm lòng nhân ái, bao dung của các y bác sỹ.

Tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh là phẩm chất thường trực của y bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 109.

Tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh là phẩm chất thường trực của y bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 109.

BỆNH NHÂN LÀ KHÁCH HÀNG CỦA CHÚNG TÔI
“Mình nghĩ rằng, ngành nghề nào cũng cần có đạo đức, với ngành y, điều đó cần sự đòi hỏi cao hơn. Hơn nữa, đây là một ngành đặc biệt, tuyển chọn và đại ngộ cũng đặc biệt, vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi luôn quán triệt tốt 12 điều y đức của người thầy thuốc và những quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Bên cạnh sự yêu thương, chăm sóc bệnh nhân như người thân trong gia đình, chúng tôi còn coi họ là khách hàng, là thượng đế của bệnh viện”. Thượng tá, Bác sỹ CKII Hoàng Anh Tú, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu chia sẻ”.
Nghe tâm sự của bác sỹ Tú, tôi bỗng liên tưởng đến hai nghề cao quý được xã hội tôn vinh gọi là “thầy”, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Ca dao cũng có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Với các y bác sỹ nơi đây, họ yêu bệnh nhân, chăm sóc họ bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm, họ luôn quán triệt và thực hiện tốt phương châm: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Trung úy QNCN Lê Thị Hồng Phương, nhân viên điều dưỡng Khoa Hồi sức cho biết: Trong quá trình làm việc, dù bận đến mấy, áp lực công việc đến đâu, chúng tôi vẫn phải trả lời và giải thích đầy đủ các thắc mắc của bệnh và người nhà họ với thái độ ân cần, lịch sự, thường xuyên động viên, chia sẻ với những đau đớn của người bệnh, giúp họ có một điểm tựa tinh thần vững chắc sớm để vượt qua bệnh tật.
Bà Trần Thị Thêm, quê ở xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc phấn khởi tâm sự: “Các y bác sỹ Khoa Hồi sức chu đáo và tận tình lắm. Hôm ông nhà tôi được ra viện, trực tiếp bác sỹ Tú, Chủ nhiệm Khoa còn đưa ra tận cửa xe, rồi dặn đi dặn lại cách uống thuốc, cách vận động khi mới ra viện, thực sự chúng tôi rât xúc động”. Được biết, trước đó, chồng bà Thêm là ông Nguyễn Văn Hoạt bị tai nạn lao động, nhập viện trong tình trạng bị đứt gần như toàn bộ phần cơ nửa mình bên trái, mất máu cấp, gia đình gần như không còn hy vọng gì. Tuy nhiên, bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc mặc áo lính, các y bác sỹ Bệnh viện Quân y 109 đã cứu ông thoát khỏi bàn tay tử thần trong gang tấc. Ngày ra viện, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoạt tha thiết muốn tặng các bác sỹ chút quà nhỏ để tỏ lòng biết ơn, nhưng các thầy thuốc nhất định không nhận. Bởi niềm vui với họ chỉ đơn giản là sự hài lòng của người bệnh.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.