Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 07:17:41

Phú Thọ xây dựng KVPT vững chắc trong tình hình mới

Ngày đăng: 12/10/2019

Bài 2: Chú trọng phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh

QK2 – Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT); gắn phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) với tăng cường quốc phòng an ninh (QPAN), nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008, của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới”, tỉnh Phú Thọ luôn có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, toàn diện chú trọng gắn phát triển KT-XH với tăng cường QPAN, xây dựng tiềm lực kinh tế trong KVPT ngày càng vững chắc.

LLVT tỉnh Phú Thọ phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn giúp đỡ các địa phương phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, phát triển KT-XH gắn với tăng cường QPAN.

Đồng chí Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: Nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường QPAN được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh, chỉ đạo của tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng, rà soát, bổ sung, hoàn thiện và triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, đề án phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QPAN; kết hợp chặt chẽ KT-XH với QPAN và QPAN với KT-XH trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương đảm bảo liên thông, đồng bộ, toàn diện có tầm nhìn dài hạn, tính khả thi cao.

Trong chiến lược phát triển kinh tế, tỉnh Phú Thọ chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương; triển khai nhiều giải pháp lồng ghép giữa các chương trình, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn với nhiệm vụ xây dựng nền QPTD của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tiềm lực kinh tế trong KVPT. Các chương trình, dự án, đề án quy hoạch, kế hoạch của tỉnh đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu nhiệm vụ QPAN, phù hợp với điều kiện thực tế và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong từng giai đoạn. Đặc biệt, ở những khu vực trọng điểm về quốc phòng, vùng căn cứ chiến đấu, vùng an toàn khu, KVPT then chốt… được tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực quan trọng làm thay đổi đời sống KT-XH, đảm bảo QPAN; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng, căn cứ chiến đấu, đã khảo sát xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn về xây dựng các công trình quốc phòng đến năm 2020. Đến nay cơ bản các công trình đã được triển khai xây dựng hoàn thành và đưa vào quản lý, khai thác theo kế hoạch.

Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là động lực quan trọng cho phát triển KT-XH chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Ngoài việc sản xuất kinh doanh vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính truyền thống, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có nhiều doanh nghiệp hiệu quả sản xuất kinh doanh luôn gắn liền với đảm bảo tốt cho QPAN, trong đó tiêu biểu là Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao trong 5 năm (2009 – 2014) đã sửa chữa, bảo dưỡng được 4 xe tăng T54 cho Quân khu; Chi nhánh Viettel Phú Thọ có hạ tầng mạng lưới với hệ thống cáp quang và trên 1.500 trạm BTS 2G, 3G, 4G; gần 900.000 thuê bao di động tới 100% xã, phường, thị trấn kể cả địa bàn vùng sâu, vùng xa… Đặc biệt, Viettel Phú Thọ đã phối hợp với UBND tỉnh triển khai dự án “Thành phố thông minh”, trong đó tập trung vào các lĩnh vực then chốt là y tế, giáo dục – đào tạo, hành chính công và du lịch gắn với thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Một số cơ sở công nghiệp địa phương vừa sản xuất phục vụ phát triển kinh tế thời bình, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá vừa phục vụ tốt các yêu cầu trong thời chiến như sản xuất quân trang quần áo, giày dép, thuốc chữa bệnh… Nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất có đủ khả năng sửa chữa các trang thiết bị kỹ thuật quân sự, có thể sửa chữa, sản xuất được một số loại vũ khí khi có tình huống quân sự xảy ra. An ninh lương thực của địa phương được đảm bảo tốt và đáp ứng nhu cầu dự trữ trong các trạng thái quốc phòng.

Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị thông minh, trong đó dành 28% tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 để đầu tư các công trình trọng điểm; hệ thống đường giao thông, hạ tầng lưới điện được đầu tư phát triển đến 100% các xã, phường, thị trấn; bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin được đầu tư hiện đại đáp ứng xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0; các phương tiện vận tải tăng nhanh về số lượng và được quản lý chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và sẵn sàng huy động phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến trong KVPT.

Về xây dựng tiềm lực kinh tế trong KVPT, tỉnh Phú Thọ chú trọng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động, công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống. Xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đúng quy hoạch, có hệ thống hạ tầng đồng bộ phát triển, có chiến lược đưa công nghiệp về nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, xây dựng kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên, kế hoạch mở rộng quy mô lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái quốc phòng, kế hoạch động viên công nghiệp theo các quy định của pháp luật.

Mặc dù là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế mở rộng thu hút đầu tư, nhưng tỉnh Phú Thọ luôn xác định quan điểm không thu hút các dự án đầu tư bằng mọi giá mà phải thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm QPAN, phát triển bền vững.

Đại tá Đinh Mạnh Phác, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Tỉnh chỉ đạo xây dựng và thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp, tham vấn, thẩm định, giám sát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, cấp phép xây dựng đến giám sát thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm. Hằng năm, Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh tăng cường công tác thẩm định, rà soát các dự án kinh tế có liên quan đến QPAN. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp thẩm định 32 dự án kinh tế có liên quan đến QPAN bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được các yêu cầu về QPAN. Đặc biệt, quá trình quy hoạch và đầu tư phát triển KT-XH, tỉnh chú trọng các công trình lưỡng dụng, vừa phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, nhưng sẵn sàng chuyển đổi mục đích, công năng để phục vụ nhiệm vụ QPAN khi có tình huống.

Nhờ biết tận dụng thời cơ, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, nên trong hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới”, nền kinh tế của tỉnh Phú Thọ luôn duy trì được sự ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân các giai đoạn đều đạt khá và cao hơn mức bình quân chung của cả nước; tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 – 2018 đạt 8,77%. Quy mô GRDP năm 2018 tăng 7 lần; GRDP bình quân đầu người tăng 6,5 lần so với năm 2008. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Quy mô nền kinh tế đạt 40.400 tỉ đồng, tăng 84%, đứng đầu trong các tỉnh vùng Tây Bắc.

 KT-XH phát triển đã góp phần quan trọng tăng cường tiềm lực QPAN, tăng cường tiềm lực kinh tế cho KVPT tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

THÀNH LONG–XUÂN PHƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.