Thứ hai Ngày 13 Tháng 05 Năm 2024, 09:34:08

Những sáng kiến của bộ đội Cụ Hồ

Ngày đăng: 08/09/2020

Thực hiện cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ", lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh luôn chủ động, sáng tạo, tích cực nghiên cứu “trình làng” những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

 

Mô hình “Bếp nấu cơ động trong hành quân dã ngoại” của Thượng tá Khương Hữu Trọng, Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ CHQS tỉnh mang tính ứng dụng rất cao.

 

 

Thực tế khi hành quân dã ngoại, để nấu ăn, phục vụ sinh hoạt cho bộ đội, các đơn vị sử dụng nhiều bếp nấu khác nhau như: Bếp củi, bếp than, bếp ga, bếp Hoàng Cầm…

Tuy nhiên khi sử dụng các loại bếp này thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, khí hậu. Hơn nữa nhiệt phân tán khiến thời gian đun nấu dài, tốn nhiều nhiên liệu, tàn lửa hay bị rơi ra ngoài dễ gây hỏa hoạn và làm mất vệ sinh môi trường…

Khắc phục hạn chế trên, năm 2019, Thượng tá Khương Hữu Trọng, Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ CHQS tỉnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ra “Bếp nấu cơ động trong hành quân dã ngoại”.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Khương Hữu Trọng cho biết: Cấu tạo của bếp gồm 3 phần: vỏ bếp, giá đỡ nồi, ống khói. Tính ưu việt của sáng kiến là toàn bộ bếp được đặt trên xe kéo, vì vậy dễ di chuyển, cơ động, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, thời tiết; tiết kiệm nhiên liệu, thời gian đun nấu, dễ kiểm soát lượng nhiệt cung cấp.

Trong quá trình hành quân chiến đấu, bếp có thể liên kết với hệ thống rãnh tản khói để tạo thành bếp Hoàng Cầm khi đun nấu trong điều kiện cần đảm bảo yếu tố an toàn, bí mật. Nguyên vật liệu để làm ra dễ mua, dễ tìm, dễ lắp đặt, chi phí khoảng 2 triệu đồng.

Nhờ vậy, sáng kiến này không chỉ áp dụng khi hành quân dã ngoại mà còn sử dụng phục vụ nấu ăn hằng ngày cho các bếp ăn ở các đơn vị. Thời gian qua, sáng kiến này càng phát huy hiệu quả trong nấu ăn, phục vụ sinh hoạt trong các khu cách ly tập trung phòng dịch của tỉnh.

Bên cạnh sáng kiến “Bếp nấu cơ động trong hành quân dã ngoại”, LLVT tỉnh còn có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả cao trong quá trình huấn luyện. Trong đó có sáng kiến “Thiết bị lọc nước sinh hoạt cho bộ đội” của đồng chí Dương Văn Nam, Trợ lý Quân nhu, Phòng Hậu cần.

Xuất phát từ thực tế khi cán bộ, chiến sĩ đi dã ngoại hoặc thực hành tác chiến trong rừng sâu, hầu hết nước để sinh hoạt cho bộ đội thường không đảm bảo vệ sinh. Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi, đồng chí Nam đã sáng tạo ra “Thiết bị lọc nước sinh hoạt cho bộ đội”.

Điểm nổi bật của “Thiết bị lọc nước sinh hoạt cho bộ đội” là sử dụng ống nhựa PVC và các loại nguyên vật liệu cát, sỏi, than có sẵn trong tự nhiên nên giá thành sản phẩm rất rẻ, chỉ 150 nghìn đồng.

Sản phẩm có cấu tạo gồm 3 ống nhựa gọn nhẹ, có thể lồng vào nhau, thuận tiện cho việc mang vác, cơ động trong hành quân, trú quân dã ngoại.

Nguyên lý hoạt động của sản phẩm là cho nước vào ống lọc thứ nhất đựng sỏi, cát vàng; tiếp đó nước chảy sang ống thứ 2 đựng than hoạt tính và chảy sang ống lọc thứ 3 đựng cát vàng; cuối cùng là chảy vào các vật chứa đựng; điều chỉnh độ to, nhỏ của dòng nước bằng hệ thống van khóa.

Tốc độ lọc trung bình từ 15- 20 lít/giờ. Chất lượng nước sau khi lọc xong được cải thiện rõ rệt. Sản phẩm có thể áp dụng cho các đơn vị thường xuyên diễn tập dã ngoại trong rừng hoặc các đơn vị thi công công trình, nơi khó khai thác nguồn nước sạch. Năm 2019, sáng kiến này được giải Nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật do Bộ CHQS tỉnh tổ chức.

Ngoài 2 sáng kiến trên, xuất phát từ thực tế trong thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị LLVT trên địa bàn tỉnh có hàng trăm sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị kỹ thuật tiêu biểu khác như: “Ma két cấu tạo, nguyên lý Mặt nạ eo-16” của nhóm tác giả Trường Quân sự tỉnh, Trung đoàn 834; “Kính kiểm tra đường ngắm súng B41” của Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn, Trung đoàn 834; “Giải pháp luồn dây tăng võng” của Ban CHQS xã Đạo Tú, huyện Tam Dương…

Tuy mục đích sử dụng khác nhau, nhưng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đều có chung ưu điểm là tiện ích, dễ lắp đặt, giá thành thấp, ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn huấn luyện. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà còn giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả ở các lĩnh vực hậu cần, kỹ thuật…

Để có được những kết quả trên, hằng năm, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, triển khai hiệu quả các cuộc thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để khích lệ sự sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ tham gia nghiên cứu, cải tiến mô hình học cụ phù hợp với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.

Tiếp tục lựa chọn các sáng kiến, cải tiến mô hình tham gia các hội thi do các cấp tổ chức để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện giao lưu học hỏi và nhân rộng những sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ dễ chế tạo, có tính ứng dụng cao trong thực tế.

(Theo Báo Vĩnh Phúc)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.