Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 05:33:54

Ngôi đền thờ thầy thời Hùng Vương

Ngày đăng: 15/11/2017

Trên một quả đồi nhỏ ven đường thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), nằm trong địa phận của Kinh đô Văn Lang xưa, có một Đền Thiên Cổ (Thiên Cổ miếu) nằm ẩn mình dưới hai cây táu cổ thụ ước đoán nghìn năm tuổi. Qua những chứng tích còn lại, đây là ngôi đền thờ người thầy, tôn vinh sự học cổ nhất ở Việt Nam. Đây là nơi thờ thầy giáo Vũ Thê Lang, vốn quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên dạy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai người cũng là thầy dạy học cho hai công chúa của Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Ngôi đền nằm trong quần thể di tích: Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Duệ Vương và miếu Thiên Cổ. Đền Thiên Cổ được người dân làng Hương Lan xây dựng cách đây gần 3.000 năm. Trải qua mưa nắng và sự tàn phá của chiến tranh ngôi đền vẫn được nhân dân bảo vệ suốt gần 23 thế kỷ.

Đền Thiên Cổ – thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì.

Hoành phi và câu đối trong Miếu Thiên Cổ có từ thời Tự Đức năm thứ nhất (1848). Trong đền, ngoài ba lư hương cổ bằng gốm từ thời nhà Lý, nhà Lê, còn có một số đồ thờ bằng gỗ như ống hương, hai cây nến… Đặc biệt là các pho tượng: Phụ vương, Mẫu vương và hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cùng hai thị nữ, đã có trên 70 năm. Trên bàn thờ có tượng của thầy cô và hai thị nữ theo hầu, đó là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Ngoài ra còn có một bức hoành phi nhỏ ghi: “Thiên Cổ Miếu” và hai câu đối bằng gỗ mộc dài chừng một mét, đều viết bằng chữ Hán: “Hùng lĩnh trung chi thắng tích/ Nam thiên chích khí linh từ” nghĩa là: “Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của trời Nam”.
Thiên Cổ Miếu cùng những chứng tích quí báu ấy đã minh chứng thêm bộ chữ “Khoa đẩu” – chữ Việt cổ – của dân tộc ta có từ trước công nguyên, khẳng định hệ thống giáo dục của nước ta đã phát triển từ thời Hùng Vương, là chứng tích cho thấy các giáo sĩ phương Tây cùng những trí thức Việt Nam đã Latin hóa chữ Việt trên cơ sở của bộ chữ này.
Quần thể di tích Đình – Đền – Lăng (mộ) thôn Hương Lan trong đó có đền Thiên Cổ miếu được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1999. Hai cây táu trước cửa miếu cũng được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2012. Với những giá trị về lịch sử, văn hoá, đền Thiên Cổ miếu không chỉ là niềm tự hào của người dân Hương Lan mà nơi đây cũng là địa chỉ tâm linh, để du khách thể hiện tấm lòng thành kính trước người có công với giáo dục nước nhà cũng như thể hiện sự quan tâm đặc biệt với sự học và truyền thống hiếu học… Điều đó càng khẳng định được sự trường tồn của những giá trị văn hoá, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của người Việt.
VŨ HƯƠNG (ST)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.