Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 10:07:23

Kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 / 7-11-2018): Khẳng định thành quả của Cách mạng Xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng: 07/11/2018

QK2 – Năm nay, nhân loại kỷ niệm 100 năm kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, diễn ra từ ngày 28-7-1914 đến ngày 1-11-1918. Đây là một trong những sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Trong cuộc chiến tranh đó, với sự dẫn dắt của Đảng Bôn-sê-vích, đứng đầu là lãnh tụ Lê-nin, Cách mạng tháng Mười Nga đã thành công và nước Nga Xô Viết được thành lập vào năm 1917.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô khởi đầu cho thời đại quá độ để thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tốt đẹp hơn, hiện thực hóa lý luận của Mác-Ănghen về chế độ xã hội cộng sản. Hơn một thế kỷ đã qua, biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngay cả trong điều kiện chủ nghĩa xã hội phát triển thành hệ thống, rồi bị khủng hoảng, khó khăn, xu hướng vận động của xã hội XHCN có sự quanh co, nhưng xu hướng vận động của lịch sử xã hội loài người vẫn chịu sự tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ từ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười.

Trẻ em vùng cao Thanh Sơn (Phú Thọ) vui cắp sách tới trường.

Cuối những năm 80, 90 của thế kỷ XX, khi Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, đã có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về nguyên nhân của sự sụp đổ một cách có hệ thống ấy. Một trong những nguyên nhân được mổ xẻ là do những sai lầm, khuyết tật của mô hình, chế độ xã hội hiện thực trở nên trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới; những nhà lãnh đạo cao cấp của Liên Xô những năm trước đó đã “bắt tay” với những chính khách phương Tây để làm nên những cuộc cải tổ, cải cách, bất chấp nguyên tắc của Đảng trong lãnh đạo. Một số phần tử cơ hội đã tìm mọi thủ đoạn để “chui sâu, leo cao” vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước, tìm cách thủ tiêu vai trò sự lãnh đạo của đảng cộng sản, tổ chức đảng không kiểm soát, lãnh đạo khắc phục được những bất ổn trong các hoạt động về kinh tế. Cuộc cải tổ về kinh tế thất bại dẫn đến tiêu cực xã hội ngày càng phát triển sâu rộng. Những tiêu cực đó làm cho các nước trong hệ thống XHCN khi đó thiếu tính năng động, đời sống nhân dân không được cải thiện, dẫn đến thay đổi tư duy chính trị, xã hội thiếu dân chủ, xóa nhòa ý thức hệ tư tưởng, tạo ra “diễn biến hòa bình” ngay trong lòng đảng cộng sản và xã hội.

Bên cạnh đó, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước có tác động không nhỏ, trực tiếp đến các nước trong hệ thống XHCN. Nếu không có sự can dự trực tiếp của các thế lực thù địch, nếu những người cộng sản chân chính của Liên Xô và các nước XHCN thực hiện đúng tinh thần chiến đấu của những người cộng sản thì đã phát hiện và có giải pháp phù hợp với những sai lầm, khuyết điểm và không để các thế lực thù địch khống chế.

Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu gần ba thập kỷ trước đã gây ra những hậu quả rất nặng nề cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tuy nhiên, bài học từ những thành công của Cách mạng Tháng Mười và tính ưu việt của chế độ xã hội XHCN thì vẫn còn mãi với thời gian. Mô hình các nước XHCN trên thế giới hiện nay vẫn đang duy trì, đổi mới và phát triển. Mục tiêu lý tưởng của CNXH tốt đẹp vẫn là mục tiêu lý tưởng lớn của xã hội loài người, trước mắt là mục tiêu xây dựng xã hội phát triển tốt đẹp, trong hòa bình và tự do.

Tuy nhiên, lâu nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục tung ra những chiêu bài “Hậu cộng sản, cuộc chuyển đổi chưa có hồi kết”; xuyên tạc, bôi nhọ CNXH và chế độ xã hội XHCN nói chung, chế độ xã hội và Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà nước Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì thành công chế độ XHCN. Họ cho rằng, những nơi nào mà CNXH đã được thử nghiệm đều gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát; xuyên tạc về tính lỗi thời của lý luận chủ nghĩa xã hội và cho rằng lý luận đó cản trở con đường tiến lên văn minh hiện đại trong hòa bình của Việt Nam. Họ rêu rao định kiến, xuyên tạc về “chính quyền chuyên chế, độc đảng” làm giới hạn phát triển của xã hội; cần phải “học tập” các quốc gia ở Đông Âu và Trung Âu sau khi tan rã hệ thống bỏ chủ nghĩa xã hội trong quá trình dân chủ hóa…

Đối với Việt Nam, nước ta đã luôn tuân thủ nguyên tắc và vận dụng sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng. Đi theo con đường XHCN là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, của nhân dân từ khi Đảng ta ra đời, sau 15 năm thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, tiếp đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chống thù trong giặc ngoài, thống nhất đất nước và cả nước đi lên CNXH. Sự chèo lái của Đảng ta khiến con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng hệ thống của CNXH và mô hình hiện thực XHCN cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Sau hơn 30 năm đổi mới, từ năm 1986 đến nay, cách mạng nước ta từng bước khởi sắc, giành những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Năm 2018 được coi là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đã đánh giá, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong 3 năm 2016-2018 đều chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2018 đạt mức 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây và khả năng năm 2018 này tăng trưởng kinh tế sẽ vượt mức chỉ tiêu cao nhất của năm là 6,7% mà Quốc hội giao. Với tốc độ này, nền kinh tế Việt Nam đang đứng vào hàng ngũ các nước phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ trong chưa tới 3 năm mà quy mô nền kinh tế đã tăng gấp 1,3 lần. GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ. Kinh tế phát triển nên đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng cũng được nâng lên, dần hướng tới tính bền vững…

Đây chính là minh chứng rõ nét để mỗi chúng ta nhìn nhận khách quan đúng đắn về mục tiêu, bản chất chế độ và con đường xây dựng CNXH ở nước ta; loại bỏ những băn khoăn, hoài nghi từ những luận điệu xuyên tạc về con đường xây dựng CNXH từ các thế lực thù địch, phản động. Mục tiêu mà chúng ta đang xây dựng là vì sự phát trển của con người. Những hạn chế, khó khăn mà nước ta đang gặp phải chính là những bài học kinh nghiệm, muốn thắng lợi thì phải thường xuyên đổi mới, với một tư duy nhạy bén, chủ động nắm bắt thời cơ trên con đường đổi mới và phát triển.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.