Thứ năm Ngày 16 Tháng 05 Năm 2024, 03:24:19

Hồi sinh sự sống nơi dải đất biên cương

Ngày đăng: 09/11/2023

Bài 4: “Trận chiến” giữa thời bình

Bước vào nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật liệu nổ như bước vào trận chiến thực sự, bởi sai một ly cũng có thể đánh đổi bằng cả tính mạng. Vì vậy, đòi hỏi những người lính công binh phải có kiến thức, kỹ năng cùng bản lĩnh, tinh thần “thép”.

Xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu, “trận chiến” giữa thời bình của bộ đội công binh nên mỗi khi nhận nhiệm vụ rà phá bom mìn trên tuyến biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 đã không quản ngại khó khăn, vượt núi, băng rừng, ăn, ở lán trại tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; hằng ngày trực tiếp đối mặt, khắc chế, thu phục “tử thần”.

Thực tế cho thấy, quá trình rà phá bom, mìn, vật nổ, cán bộ, chiến sĩ Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Đa số bom, mìn, vật liệu nổ đều bị hoen rỉ, phong hóa theo thời gian, rất khó trong phát hiện, tháo gỡ và tiêu hủy; chỉ cần thao tác sai quy trình hoặc bất cẩn sẽ dẫn đến mất an toàn. Cùng với đó, địa hình nơi địa đầu Tổ quốc rất hiểm trở, rừng núi rậm rạp, thung sâu, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhất là nguồn nước sinh hoạt; cùng với đó là rắn rết, muỗi, vắt… gây cản trở tới sức khoẻ và hiệu suất làm việc của bộ đội. Để hạn chế đến mức thấp nhất thương vong, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, Trung tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 luôn tranh thủ những lúc rảnh rỗi để tổ chức huấn luyện bổ sung cho bộ đội. Đêm hôm qua mưa to, sáng nay trời vẫn còn u ám nên Thảo quyết định cho bộ đội ở lại doanh trại huấn luyện. Các chiến sĩ được phân công theo nhóm, cử cán bộ cùng các đồng chí quân nhân chuyên nghiệp có thâm niên công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm sử dụng mọi công cụ cùng mìn, vật nổ các loại đã thu gom được thực hành những động tác từ cơ bản như dò, thuốn, tháo, gỡ… đến nhiều hành động tinh vi, phức tạp như tháo gỡ, vô hiệu hóa các loại bom, mìn, vật nổ.

Vừa quan sát, theo dõi bộ đội luyện tập, Thảo thường xuyên nhắc nhở mọi người phải chú trọng làm tốt “3 thật” (Huấn luyện thật sát thực tế; thực hành thật chắc chắn; kiểm tra thật kỹ lưỡng). Để đạt được “3 thật”, chỉ có một cách duy nhất là cán bộ, chiến sĩ phải “đội nắng thắng mưa” huấn luyện công phu, tỉ mỉ, bền bỉ, nhẫn nại trên bãi tập; tích cực truyền thụ kinh nghiệm của người đi trước với người đi sau, tăng cường kèm cặp giữa chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, bảo đảm thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với những kinh nghiệm tích lũy được, Thảo thường xuyên tổ chức các buổi huấn luyện bổ sung cho bộ đội kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm thiết thực, quý báu mà không có trong sách vở.

Vật liệu nổ được Đội rà phá vật cản thuộc Sư đoàn 316 tìm kiếm, rà phá, thu gom.

Chiều tà, tranh thủ lúc bộ đội tăng gia sản xuất, chúng tôi cùng Thảo đi xuống nhà anh Hầu Mý Tráng. Vừa thấy Thảo, anh Tráng hồ hởi ra đón tận cửa. Anh Tráng nói một câu bằng tiếng Mông. Hỏi Thảo, tôi biết được câu đó đại ý là: “Chào chú bộ đội bắt ma trên đỉnh núi”. “Ma”, theo ý Tráng chính là bom, mìn, vật nổ ẩn nấp nơi hang cùng ngõ hẻm trên núi, luôn rình rập có thể gây hại, cướp sinh mạng của người dân bất cứ khi nào nếu vô ý chạm phải.

Gia đình Tráng nhiều thế hệ gắn bó với mảnh đất biên giới nơi đây. Tráng kể, những năm chiến tranh, núi ở thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân bị bom đạn bắn phá, đá bị nghiền thành bột trắng xóa. Nhiều năm sau đó, khi chiến tranh đã lùi xa, người dân lên lúi lấy củi thỉnh thoảng vẫn vướng phải mìn. Có một chuyện xảy ra cách đây đã hơn 20 năm nhưng vẫn còn ám ảnh mãi trong tâm trí của Tráng.

Vào một sáng sớm, khi một người dân lên núi không may vướng phải mìn nổ, bị cụt chân. Anh ta kêu thảm thiết vang vọng núi rừng nhưng do thiếu hiểu biết về bom, mìn và e sợ địa hình nguy hiểm nên dân bản mãi mới dám tiếp cận người bị thương. Vách núi đá hiểm trở, vận chuyển người bị thương khó khăn nên đến chiều mới đưa được nạn nhân xuống núi. Lúc đó đường sá đi lại khó khăn và do mất máu nhiều, nạn nhân đã không qua khỏi. Cái chết bi thương đó được mọi người truyền tai nhau. Sau đó còn thêm một số vụ người dân lên núi chăn thả gia súc, trồng trọt bị mìn nổ mù mắt, cụt chân, ai cũng sợ hãi.

Ngày Thảo dẫn bộ đội lên rà phá bom, mìn, vật nổ, người dân nơi đây vui lắm. Sắp có thêm đất sạch để trồng trọt, chăn nuôi. Mùa màng no ấm đang đến gần. Tráng nói và nghĩ đến những điều tươi sáng trong tương lai.

Những điều Tráng mơ ước nay đã trở thành hiện thực đối với người dân xã Lùng Vai (Mường Khương, Lào Cai); xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang)…, nơi đã được Thảo cùng đồng đội dọn sạch bom, mìn hơn 200ha đất.

Lặng thầm với công việc bắt sống “tử thần” trong lòng đất, Thảo cùng các đồng đội đang làm hồi sinh sự sống nơi dải đất biên cương. Mồ hôi, nước mắt và xương máu của các anh đổ xuống góp phần để nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bám đất, bám biên giới bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: HÀ AN – MINH CHÂU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.