Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 11:11:47

Di tích lịch sử Đèo Lũng Lô

Ngày đăng: 23/11/2015

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh. Đó là những câu thơ hào hùng của nhà thơ Tố Hữu khi nói đến kỳ tích lịch sử về tinh thần quả cảm của quân và dân ta trên con đường tiếp tế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô khiến thực dân Pháp phải bất ngờ, khiếp sợ.

Công binh phá đá mở đường trên đèo Lũng Lô (năm 1953).

Công binh phá đá mở đường trên đèo Lũng Lô (năm 1953).

Đèo Lũng Lô thuộc bản Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, đèo còn có tên gọi khác là Đèo Đao. Nằm giữa ranh giới của 2 huyện Văn Chấn (Yên Bái) và huyện Phù Yên (Sơn La), đèo có chiều dài 15 km. Sau chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Trung ương Đảng quyết định mở con đường 13A bắt đầu từ Bến Hiên, thuộc tỉnh Tuyên Quang, vượt qua Bến Âu Lâu đi qua Đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi nối với đường 41 phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuyến đường mà công binh và dân công phải mở dài trên 120 km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu, phải đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà. Trên cung đường này, từ tháng 4 năm 1953 đã có gần 125.000 lượt dân công tham gia mở đường với hơn 170.000 công đào, đắp và san lấp hố bom chống lún sạt. Hơn 200 ngày đêm quân và dân ta mở đường, vừa bảo vệ và vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược phục vụ chiến đấu. Thực dân Pháp đã nhiều lần trinh sát với ý định mở đường chiếm đóng để vây hãm không cho quân ta tiến vào Tây Bắc nhưng không thành vì bị ta phục kích tiêu diệt, mặt khác chúng thấy khó vì dốc quá cao và hiểm trở.
Tháng 2 năm 1954, thực dân Pháo tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc, hòng ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Đèo Lũng Lô là nơi địch đã ném xuống đây gần 12.000 tấn bom, có những ngày địch ném xuống 200 quả bom. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 đến 6 lần. Vượt qua nguy hiểm, bất chấp bom rơi đạn nổ, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến đã có hàng vạn lượt người, dân công ngày đêm bám đường. Địch phá, ta lại sửa ta đi, địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác, địch phá ban ngày, ta mở đường ban đêm. Hàng vạn tấn quân lương, vũ khí được tập kết ở khu vực Thượng Bằng La vẫn vượt đèo vào chiến trường.
Năm 2011, Đèo Lũng Lô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào dịp kỷ niệm 57 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, minh chứng cho lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.
VŨ HƯƠNG (st)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.