Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 07:02:42

“Dân vận khéo” nơi địa đầu Tổ quốc

Ngày đăng: 26/01/2022

QK2 – Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho…. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Với tinh thần hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn, địa bàn, công tác dân vận trong LLVT tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, xây dựng nhiều mô hình dân vận hiệu quả, giúp đỡ nhân dân phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống tội phạm và các hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động… Qua đó, làm ngời sáng thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hà Giang giúp dân làm đường xây dựng nông thôn mới.

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giúp nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, LLVT tỉnh đã huy động hơn 1.200 ngày công tu sửa đường giao thông nông thôn, huy động 1.300 công giúp các hộ dân cải tạo vườn tạp… Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn dũng cảm đi đầu, là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống dịch Covid-19 và giúp đỡ nhân dân phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Từ thực tiễn hoạt động, công tác dân vận của LLVT tỉnh thời gian qua đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, như: Mô hình “Nâng bước em tới trường”; “Tình hậu phương – ấm lòng chiến sĩ”; “Tặng bò cho quân nhân hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự” và mô hình “Hỗ trợ vay vốn sản xuất không tính lãi”…

Từ bài học thực tiễn, để công tác dân vận trong LLVT thời gian tới tiếp tục được tiến hành có hiệu quả, LLVT tỉnh xác định một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và Nghị quyết 49 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò của công tác dân vận; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm trong tiến hành công tác dân vận. Đồng thời, đẩy mạnh PTTĐ “Dân vận khéo” gắn với PTTĐ Quyết thắng hằng năm, PTTĐ yêu nước của địa phương và các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành phát động; đẩy mạnh nhân rộng các nhân tố mới, “điển hình tiên tiến”, gương “người tốt, việc tốt” trong công tác dân vận.

Hai là, chủ động tham mưu, đề xuất nâng cao hiệu quả công tác dân vận trên các địa bàn trọng yếu, trong các nhiệm vụ, hướng mạnh về cơ sở, tích cực nghiên cứu giải pháp hiệu quả, những vấn đề mới nảy sinh. Trước hết, cần tham mưu, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác dân vận trên các địa bàn 7 huyện, 34 xã biên giới của tỉnh; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần xây dựng KVPT tỉnh vững mạnh. Trong quá trình tiến hành, công tác dân vận phải hướng mạnh về cơ sở, sâu sát với đời sống của đồng bào; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội và các lực lượng trên địa bàn nắm chắc tình hình, trao đổi thông tin, huy động sức mạnh tổng hợp để tiến hành công tác dân vận có hiệu quả. Ban CHQS các huyện, thành phố phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, là trung tâm phối hợp với các lực lượng trong thực hiện công tác dân vận.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy (chính trị viên), người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận. Các cấp ủy cần bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo sát với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; làm tốt việc phân công cấp ủy viên phụ trách công tác dân vận; gắn kết quả công tác dân vận với đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên và bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong quá trình thực hiện.

Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn cơ quan dân vận vững mạnh, có đủ số lượng, chất lượng tốt. Chú trọng giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp tác phong công tác cho lực lượng làm công tác dân vận có trách nhiệm cao, thực sự nhiệt huyết, hiểu biết, gần gũi, yêu quý nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Năm là, xây dựng và nhân rộng mô hình “dân vận khéo” sát thực tế, chú trọng lựa chọn những mô hình thiết thực, hiệu quả; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp, xây dựng cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết cho công tác dân vận; thử nghiệm mô hình và tổ chức rút kinh nghiệm học tập, vận dụng để nhân rộng mô hình.

Đại tá TRẦN ĐẠI THẮNG, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Hà Giang

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.