Thứ bảy Ngày 04 Tháng 05 Năm 2024, 01:20:54

Điện Biên phát huy truyền thống anh hùng

Ngày đăng: 25/04/2024

QK2 – Mỗi lần đến mảnh đất Điện Biên huyền thoại, chúng tôi lại thấy có sự đổi thay. Điện Biên phát triển đi lên từng ngày. Những du khách thập phương, từ trong nước đến nước ngoài đến đây chắc hẳn không thể tưởng tượng được từ một chiến trường Điện Biên Phủ khốc liệt năm xưa, qua 70 năm đã trở thành một thành phố năng động, sầm uất của Tây Bắc.

Trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngoan cường, lập nên kỳ tích Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Một góc quang cảnh thành phố Điện Biên Phủ năng động và phát triển. Ảnh: CTV.

Trong suốt 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã một lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, cần cù trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động; kịp thời cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với phát huy giá trị lịch sử và truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng vào công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển tỉnh vững mạnh. Tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, phát huy nội lực, đi đôi với sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để tạo thế và lực mới phát triển bền vững. Chú trọng gắn tăng trưởng, phát triển kinh tế với tạo sự chuyển biến tích cực về xã hội, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và đẩy lùi tệ nạn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới, bảo đảm QP-AN, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở TSVM, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động lãnh đạo của đội ngũ cán bộ các cấp; tăng cường niềm tin của đồng bào đối với công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Thực tiễn cho thấy, Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, dân số khoảng 567.000 người, với 19 dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là người Thái, Mông; là một trong những tỉnh khó khăn nhất của Vùng Tây Bắc và cả nước. Song tỉnh cũng có vị trí trọng yếu về QP-AN, là đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực; có di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ; là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, có tiềm năng, lợi thế phát triển nhiều mặt về kinh tế; nhất là du lịch lịch sử, thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan mỗi năm. Kết cấu hạ tầng KT-XH được tăng cường đầu tư xây dựng.

Nhiều năm qua, đi đôi với khắc phục hậu quả chiến tranh, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH, phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước hình thành các vùng, điểm kinh tế động lực; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy mà kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, nhất là những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 6,8%/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 55 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 2021 – 2023 đạt trên 9,3%/năm. Năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng/năm. Bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay nhanh chóng. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến được trung tâm xã, 99,6% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, 62/115 xã được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% các xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia và hơn 93% hộ dân được sử dụng điện lưới…

Cùng với phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển KT-XH, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh hiện nay là công tác xóa đói giảm nghèo. Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo như: Chương trình 30A, Chương trình 134, 135; phát triển cây cao su, cà phê…, tỉnh đã có nhiều giải pháp trong “cuộc chiến” chống đói nghèo. Lãnh đạo tỉnh đã phân công các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giúp các xã đặc biệt khó khăn. Một trong những lực lượng xung kích đi đầu giúp đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo là LLVT địa phương và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên và Trung đoàn 82 (Sư đoàn 355), Đoàn KT-QP 379, 326 đã cử những cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, được tập huấn, đào tạo, biết tiếng dân tộc đến tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trực tiếp giúp dân về kỹ thuật sản xuất trồng trọt và chăn nuôi; giúp chính quyền địa phương và nhân dân xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước thủy lợi, nước sinh hoạt, quy hoạch vùng sản xuất cũng như chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để người dân ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng các bản làng, khu phố văn hóa, nâng cao đời sống cho đồng bào.

Nhận thức rõ địa bàn tỉnh có vị trí trọng yếu về QP-AN trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn chú trọng xây dựng, củng cố QP-AN, xây dựng KVPT ngày càng vững chắc. LLVT tỉnh được chăm lo xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Cơ quan quân sự và công an các cấp thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ SSCĐ, giữ vững an ninh chính trị, chủ quyền biên giới, phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QP-AN, quyết tâm xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng đổi mới, phát triển nhanh và bền vững.

SƠN CA

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.