Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 09:22:18

Câu lạc bộ dân ca trên quê hương Xoan-Ghẹo

Ngày đăng: 13/10/2015

QK2 – Đóng quân ở miền đất Trung du Phú Thọ, nơi có làn điệu hát Xoan nổi tiếng khắp mọi miền, Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, những năm qua, với tình yêu và tâm huyết dành cho các làn điệu dân ca, hát ru, những cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Bộ Tham mưu đã có nhiều hoạt động sáng tạo góp phần gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống quý báu trên quê hương đất Tổ.

YÊU DÂN CA NHƯ MIẾNG ĂN, GIẤC NGỦ
“Tay bưng chén muối…ối a đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn…ối a xin đừng… xin đừng quên nhau…”. Những câu Xoan ngọt ngào thấm đượm ấy lâu nay đã trở nên thân thuộc với mỗi chị em Hội phụ nữ cơ sở Bộ Tham mưu Quân khu. Từ khi được thành lập, 35 thành viên Câu lạc bộ (CLB) bảo tồn các làn điệu dân ca, hát ru của các chị luôn miệt mài sưu tầm, say sưa tập luyện những giai điệu dân ca thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước. Đã trở thành thói quen trong sinh hoạt, cứ vào tối Chủ nhật hằng tuần, các chị trong CLB lại gặp gỡ nhau tại nhà Thượng tá Hán Thị Lan, Trưởng ban Bảo mật Quân khu để làm quen với các điệu hát, câu hò.
Thượng úy QNCN Tạ Thị Bích Thủy, nhân viên Ban Hành chính Bộ Tham mưu là một trong những “hạt giống đỏ” của Câu lạc bộ. Chị có giọng hát ngọt ngào da diết, làm siêu lòng không ít cán bộ chiến sỹ, vì vậy, Thủy thường đảm nhiệm vai trò “quản ca” trong các buổi tập. Chị tâm sự: “Hát ru, hát dân ca là thể loại khó, nếu không có năng khiếu và sự kiên trì khổ luyện thì khó có thể hát hay, hát đúng các điệu ru hay các bài dân ca. Điều đáng mừng là các chị em trong CLB của chúng tôi đều nhiệt tình, hăng hái và rất yêu thích các làn điệu dân ca, nên không khí buổi tập hôm nào cũng vui vẻ, hoạt động của CLB cũng vì thế mà ngày càng khởi sắc”.
Thượng tá Hán Thị Lan cũng cho biết, để giúp chị em hát đúng giai điệu, đúng tiết tấu các bài hát ru, hát dân ca, đặc biệt là hát Xoan Phú Thọ, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, bên cạnh việc sưu tầm các loại tài liệu hướng dẫn, Ban chủ nhiệm CLB còn thường xuyên mời các nghệ nhân có uy tín, thuộc các phường Xoan gốc trên địa bàn đến hướng dẫn chị em múa hát. Song song với đó, vào thời gian rảnh rỗi, chúng tôi còn cử một số chị em có năng khiếu xuống Trung tâm văn hóa tỉnh Phú Thọ học thêm các điệu múa phụ họa, làn điệu dân ca mới, giúp các chương trình, tiết mục của CLB ngày càng phong phú, đa dạng. Đó cũng là một trong những lý do khiến chị em có thêm nhiều hào hứng trong mỗi buổi tập cũng như biểu diễn phục vụ bộ đội.

Câu lạc bộ bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca Bộ Tham mưu Quân khu biểu diễn phục vụ bộ đội.

Câu lạc bộ bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca Bộ Tham mưu Quân khu biểu diễn phục vụ bộ đội.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những năm qua, nhờ sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhiều làn điệu dân ca, hát ru vốn khá xa lạ với các chị em phụ nữ Bộ Tham mưu Quân khu giờ đã trở nên thân thuộc như thể cơm ăn, nước uống hằng ngày. Thượng úy QNCN Trần Thị Hằng, nhân viên Phòng Kinh tế, một thành viên tích cực của CLB chia sẻ: “Trước đây, tôi có thói quen nghe nhạc trẻ, nhạc trữ tình. Tuy nhiên, từ khi gia nhập CLB, được tiếp xúc với các làn điệu dân ca, hát ru, tôi thực sự bị cuốn hút ngay từ những giai điệu đầu tiên. Những câu ca mộc mạc, giản dị mà đằm thắm của những làn điệu dân ca, hát ru ca gợi lên trong mỗi chúng tôi tình yêu quê hương đất nước, nhắc nhở mỗi người luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc”.

DÂN CA NHÂN THÊM NIỀM VUI CUỘC SỐNG
Từ ngày CLB bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca Hội phụ nữ cơ sở Bộ Tham mưu Quân khu ra đời, các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ (VHVN) trong cơ quan đều có sự tham gia tích cực của các chị. Sự góp mặt của các thành viên CLB khiến không khí giao lưu càng thêm sôi nổi. Vừa trực tiếp biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ, các chị vừa hướng dẫn bộ đội tập hát. Nhiều chiến sỹ khi được làm quen với các làn điệu dân ca đã tỏ ra rất hào hứng, nhiệt tình luyện tập, dần trở thành các hạt nhân tích cực trong phong trào VHVN tại đơn vị. Thượng úy QNCN Hà Thị Thúy Nga, nhân viên Phòng Thông tin tâm sự: “Bản thân các làn điệu dân ca, hát ru vốn mang tính quảng đại quần chúng, nên nếu có năng khiếu, có sự nhiệt tình và thực sự yêu thích dân ca, người học cũng dễ dàng tiếp cận, nhanh thuộc, nhanh nhớ. Điều quan trọng là phải có “tâm” với dân ca, yêu dân ca bằng cả trái tim mình. Tôi mong muốn sẽ có nhiều hạt nhân tích cực góp phần bảo tồn và phát huy hơn nữa loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc này của dân tộc”.
Quá trình tìm hiểu viết bài này, chúng tôi có dịp được theo chân CLB bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca Hội phụ nữ cơ sở Bộ Tham mưu Quân khu tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ tại các xã Kim Đức, Thanh Đình, Thụy Vân và một số phường Vân Phú, Gia Cẩm, Tiên Cát…thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là các địa phương có hoạt động văn hóa văn nghệ tiêu biểu của thành phố Việt Trì, đồng thời cũng là một trong những cái nôi của hát Xoan Phú Thọ. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự ấn tượng trước sự tự tin và khả năng biểu diễn các điệu hát ru, hát dân ca của các nữ quân nhân ngành tham mưu vốn được coi là sơ cứng ấy. Sự tươi tắn trong từng nụ cười, ánh mắt, những bộ trang phục đủ sắc màu của chị em đã mang đến đêm giao lưu không khí tưng bừng như ngày hội. Thượng úy QNCN Tạ Thị Bích Thủy thổ lộ: “Tôi mong rằng, những hoạt động bổ ích này sẽ là tiền đề mở ra phong trào hát ru, hát dân ca sôi nổi trong chị em phụ nữ quân đội chúng ta”.
Thượng tá Hán Thị Lan, Trưởng ban Bảo mật Quân khu khẳng định: “Trong thời gian tới, CLB hát ru, hát dân ca của chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hoạt động, không chỉ hát những làn điệu Xoan – Ghẹo, nét văn hóa đặc trưng quê hương đất Tổ, mà còn mở rộng ra các làn điệu dân ca của 3 miền Bắc – Trung – Nam. Chúng tôi xác định, CLB hát ru, hát dân ca Bộ Tham mưu Quân khu sẽ trở thành sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho cán bộ, chiến sĩ”.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.