Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 08:25:18

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – nhìn từ bài học lịch sử

Ngày đăng: 03/09/2016

71 năm đã trôi qua kể từ ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Mô hình “dân chủ cộng hòa” đã thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước pháp quyền kiểu mới. Ngày nay, yêu cầu nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN vẫn là đòi hỏi cấp thiết trong sự nghiệp cách mạng. Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc khánh 2-9, Báo Quân đội nhân dân ghi nhận một số ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Trần Đức Thìn, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội:

Lấy dân làm gốc trong xây dựng chính quyền

Vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN được xác định trong văn kiện và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã có những kế thừa, bổ sung và phát huy những kinh nghiệm thành công của Cách mạnh Tháng Tám và các văn kiện trước đó của Đảng. Thắng lợi lớn nhất, triệt để nhất, đồng thời là bài học lớn sau thành công của Cách mạng Tháng Tám là thay đổi bản chất nhà nước, xây dựng nhà nước kiểu mới-Nhà nước pháp quyền XHCN do nhân dân, vì nhân dân.

Hiện nay ở nước ta, bộ máy Nhà nước không ngừng được hoàn thiện nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là tệ quan liêu, hiệu quả quản lý chưa cao. Vì thế, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định là một nội dung trọng yếu, cần đẩy mạnh và triển khai quyết liệt. Để thực hiện được mục tiêu này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân; xây dựng chính quyền cần phải lấy dân làm gốc, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Đồng thời, chúng ta cũng cần lựa chọn những cán bộ thật sự phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân với tất cả năng lực và tinh thần trách nhiệm; kiên quyết loại trừ những cán bộ cậy thế cậy quyền, chạy theo lợi ích cục bộ…

Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh tích cực cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Vũ Quang Thái. 

Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh tích cực cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Vũ Quang Thái.

HUYỀN TRANG (ghi)

Ông Huỳnh Thanh Đằng, cán bộ lão thành cách mạng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội:

Cán bộ phải gần dân, hiểu dân

Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập và tự do, kết thúc hơn 80 năm sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước non trẻ đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, đánh thắng thù trong, giặc ngoài để xây dựng đất nước, củng cố chính quyền vững mạnh.

Cho đến tận bây giờ, những bài học về xây dựng, củng cố chính quyền trong những ngày đầu lập nước vẫn còn nguyên giá trị. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại và sức mạnh của toàn dân đã được kết hợp, phát huy, đánh tan mọi thế lực phản động chống phá. Để làm được điều ấy, Đảng ta đã xây dựng một đội ngũ cán bộ “ăn sâu bám rễ” trong nhân dân. Đó là những cán bộ kiên trung, có phẩm chất đạo đức tốt và luôn gần dân, hiểu dân. Từ đó, những cuộc vận động tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, học chữ quốc ngữ… được người dân hưởng ứng nhiệt tình, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và trấn áp các lực lượng phản cách mạng.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, củng cố chính quyền, chúng ta cũng mắc phải không ít sai lầm do tư duy cảm tính, nóng vội, có lúc chưa thành công vì chưa gắn bó mật thiết với nhân dân. Đây cũng là bài học kinh nghiệm mà chúng ta cần tránh trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay.

VĂN THI (ghi)

Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình:

Cải cách hành chính để chính quyền vững mạnh

Cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh. Vì thế, thời gian qua, cùng với việc ban hành quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, chúng tôi đã tăng cường lấy ý kiến của người dân trong việc xây dựng quy chế, chính sách. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải cách hành chính để họ đóng góp ý kiến… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân thông qua tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức.

ĐỨC THỊNH (ghi)

Anh Lê Văn Quý, người dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La:

Nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân

Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, một số văn bản dưới luật còn chồng chéo, cách tổ chức và hoạt động của bộ máy hành pháp còn một số nhược điểm. Ý thức và sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Vì vậy, để xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN phải đi liền với việc đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo thói quen và nếp sống tôn trọng pháp luật trong cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đề cao pháp luật và pháp chế còn đặt ra nhiệm vụ phải nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi phạm tội và tội phạm, kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy công quyền.

HẢI HOÀNG (ghi)

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top