Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 08:32:45

Tập hợp lực lượng đông đảo, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”

Ngày đăng: 19/08/2017

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Để có thành công đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương thiết thực tranh thủ tất cả lực lượng để tăng thêm “đồng minh” cho cách mạng, cho dù đó là những đồng minh tạm thời; đôi khi chúng ta phải chấp nhận những nhân nhượng nhất định.

Trên cơ sở đánh giá khoa học, chính xác về thái độ của các nước trong việc giải quyết vấn đề dân tộc ở Đông Dương, Đảng ta xác định: Phải tập hợp được lực lượng đông đảo, rộng rãi nhất, tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn quốc tế, xây dựng “đồng minh” tạo nên sức mạnh cho cuộc đấu tranh của toàn dân tộc.

Từ khi Nhật vào Đông Dương, Đảng ta chỉ rõ cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương là một bộ phận của lực lượng dân chủ chống phát xít trên toàn thế giới. Những nước nào chống lại phát xít Nhật đều là đồng minh của nhân dân Đông Dương và phải lôi kéo, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của họ. Tuy nhiên, xây dựng đồng minh phải dựa trên những nguyên tắc nhất định, không để ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Đảng, quyền lợi của toàn dân tộc. Do đó, Đảng ta chủ trương tập hợp lực lượng, tìm bạn đồng minh cho cách mạng, nhưng có sự phân định rõ ràng: Đồng minh của cách mạng Đông Dương là những lực lượng cùng chống lại phát xít Nhật và Pháp. Đó là những nước “có thể gặp cách mạng Đông Dương ở một số điểm”.

Đánh chiếm Bắc Bộ phủ, tháng 8-1945. Ảnh tư liệu.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), Đảng ta khẳng định: “Cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một bộ phận của lực lượng dân chủ chống phát xít. Vận mạng của các dân tộc Đông Dương có chung với vận mạng của cách mạng Liên bang Xô viết. Vì vậy, cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc và cuộc cách mạng của nhân dân Pháp, Nhật, Liên Xô… là “hậu quân” trực tiếp ngoài nước cho cách mạng Đông Dương”.

Qua phân tích tình hình chính trị nước Pháp, Đảng ta chỉ rõ: Trước đây chúng ta nêu khẩu hiệu “đánh Tây, đánh Nhật”, nhưng do thay đổi của tình hình, chúng ta phải thay đổi khẩu hiệu thành: “Chống phát xít Nhật và chống bọn phát xít Tây theo Nhật”. Với chủ trương tập hợp các tổ chức đảng phái chống phát xít của người nước ngoài ở Đông Dương, ngày 10-10-1942, Mặt trận Việt Minh phối hợp với những người cộng sản Pháp rải truyền đơn kêu gọi binh sĩ và những người Pháp trung thành với nước Pháp cùng với Việt Minh đánh đổ ách áp bức chung. Đây là dấu hiệu đầu tiên của Việt Minh trong việc tìm kiếm “đồng minh” trong những người thuộc chính phủ Đờ Gôn. Từ sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), một bộ phận người Pháp ở Đông Dương đã tổ chức kháng Nhật và chúng ta chủ trương phối hợp với họ để chống phát xít Nhật… Song, chính phủ Đờ Gôn tuyên bố sau khi Nhật thất bại, Đông Dương sẽ được thiết lập theo kiểu liên bang, tham gia khối Liên hiệp Pháp.

Trước âm mưu đó, Đảng ta đã nêu rõ: Tướng Đờ Gôn chiến đấu cho nước Pháp độc lập, sao không hiểu rằng, nhân dân Đông Dương cũng cần chiến đấu cho xứ Đông Dương độc lập. Sau này, cán bộ Việt Minh đã có các cuộc gặp đại biểu của phái Đờ Gôn và đã đưa ra 3 điều kiện để hợp tác: Vận động đình chỉ việc thu thóc tạ; thả tù chính trị; giao một số vũ khí cho Việt Minh đánh Nhật. Pháp hứa sẽ thực hiện hai điều kiện, còn điều kiện thứ ba đã từ chối. Việc hợp tác với chính phủ Đờ Gôn trong cuộc đấu tranh chống phát xít Nhật chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và  ở mức độ hạn chế.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã quan tâm tìm bạn “đồng minh”, cho dù đó chỉ là những đồng minh tạm thời, đồng minh “tình thế”, để tạo sức mạnh tổng hợp và phân hóa kẻ thù, giúp cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta nhanh chóng đi tới thành công, hạn chế thấp nhất tổn thất. Như vậy, ngay từ rất sớm, trước khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Đảng ta đã nhận định đúng tình hình, dự báo và thấy rõ bản chất, âm mưu của bọn đế quốc và các nước “đồng minh” với việc giải quyết vấn đề Đông Dương và đã khéo léo lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, kết hợp nhượng bộ nhất định để loại dần từng kẻ thù, vạch mặt bọn phản động ở nước ngoài và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Nhờ vậy, nhân dân Việt Nam đã phát huy được tinh thần độc lập, tự chủ, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” đồng thời tranh thủ thời cơ do hoàn cảnh quốc tế mang lại để tự giải phóng cho dân tộc mình. Đây là nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, là nét độc đáo riêng có trong tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại cho dân tộc ta, Đảng ta và các dân tộc bị áp bức, lệ thuộc những bài học quý trong việc “tập hợp lực lượng, xây dựng đồng minh và phân hóa kẻ thù”, qua đó lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng giành thắng lợi, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top