Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 08:00:16

Những tác hại của rượu, bia tới sức khỏe con người

Ngày đăng: 01/03/2021

QK2 – Nhiều thống kê cho thấy từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới. Tại các sự kiện hay dịp lễ nào, đặc biệt là trước, trong, sau dịp Tết Nguyên đán, hay bữa cơm thường ngày, tình trạng sử dụng rượu bia ngày càng tăng cao. Chính vì sự chủ quan này mà tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu bia ngày càng tăng cao. Phóng viên Báo Quân khu đã trao đổi với Thượng tá, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 109 về những tác hại của rượu bia tới sức khỏe con người.

Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng kiểm tra công tác khám điều trị bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 109.

Phóng viên (PV): Bác sĩ có thể cho biết những tác hại của rượu bia tới sức khỏe con người?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Trước hết tôi phải khẳng định rượu đã tồn tại rất lâu, từ hàng nghìn năm lịch sử, chính vì vậy đã có rất nhiều nghiên cứu thống kê trên mọi phương diện cả lợi và hại của rượu với sức khỏe con người. Nếu uống rượu ở mức độ hợp lý sẽ giúp tiêu hóa tốt và phòng ngừa các bệnh về tim mạch. Thế nhưng, rượu bia và các loại đồ uống có cồn nói chung gây rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Ngoài các tác hại dễ nhận thấy sau khi uống rượu bia như: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chất cồn trong rượu bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều tác hại cho cơ thể mà chúng ta không ngờ tới. Khi uống rượu bia quá mức cho phép sẽ đem đến nhiều tác hại như sau:

Ảnh hưởng tới não bộ: Khi một lượng cồn lớn vào trong cơ thể chúng gây rối loạn bộ não của cơ thể, khiến bộ não của chúng ta không còn kiểm soát, điều chỉnh được các hoạt động của các trung tâm dưới vỏ não, từ đó gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát, suy giảm trí nhớ và tinh thần không ổn định.

Ảnh hưởng đến tim mạch: Rượu bia làm cho cơ tim bị thoái hóa, bộ máy tim mạch bị tổn thương, có thể gây ra suy tim. Dùng rượu mạnh trong thời gian dài có thể gây giãn cơ tim, phì đại tâm thất và xơ hóa. Rượu bia cũng làm tăng huyết áp. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ lớn của đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Tác hại đến dạ dày: Theo một số nghiên cứu, khi rượu bia vào trong cơ thể sẽ bị phân hủy từ ethanol thành các acetaldehyde (chất rất độc) có thể gây viêm loét dạ dày. Rượu kích thích niêm mạc dạ dày, khiến cho nó tiết nhiều axit tiêu hóa hơn. Khi rượu và cả axit tích tụ trong dạ dày gây buồn nôn và nôn.

Tác hại với gan: Khi rượu vào cơ thể nó được hấp thụ nhanh với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30-60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết.  Sau đó, rượu được chuyển hóa chủ yếu vào gan (90%). Trong quá trình này, gan phải hứng chịu một đợt tấn công của rất nhiều độc tố. Khi đó, chức năng ngăn các chất độc khác nhau do máu mang từ ruột hoặc ở ngoài đến gan bị suy giảm, dẫn đến việc gan bị nhiễm mỡ, xơ gan, và nghiêm trọng hơn, nó có thể gây ra ung thư gan.

Ngoài ra còn rất nhiều các tác hại khác cho hầu hết các cơ quan của cơ thể con người như làm tổn thương tuyến tụy, gây tiểu đường, ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh Gout, loãng xương, tiêu cơ bắp, ảnh hưởng đến khả năng tình dục và sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.

PV: Bác sĩ có lời khuyên nào đối với các cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe của con người hầu hết chúng ta đều hiểu và cảm nhận được. Tuy nhiên còn một thực trạng vô cùng nghiêm trọng do rượu, bia gây ra đó là tình trạng mất an toàn giao thông, vi phạm Pháp luật Nhà nước và kỷ luật Quân đội. Khi uống say, chất lượng công việc giảm sút, tình trạng mâu thuẫn trong quan hệ đồng chí đồng đội, vi phạm quan hệ nam nữ gia tăng và kéo theo một loạt các hệ lụy tiêu cực khác làm ảnh hưởng đến hình ảnh  “Bộ đội Cụ Hồ”. Chính phủ đã nhận thấy tác hại của rượu bia là vô cùng to lớn nên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (khóa XIV) đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 gọi tắt là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ngày 28/6/2019, Chủ tịch nước ký Lệnh số 06/2019/L-CTN công bố Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

PV: Bác sĩ có thể cho biết khái quát thế nào là uống rượu bia nhiều, quá nhiều, mức độ cụ thể bằng các con số?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Vâng, rất nhiều người không biết cụ thể sử dụng mức độ rượu bao nhiêu được coi là có lợi cho sức khỏe hay bao nhiêu là nhiều và quá nhiều đối tượng uống rượu sẽ có mức độ uống rượu mỗi ngày như sau:

Số gam cồn uống/ ngày: Trên 30g

Rượu mạnh 40 độ cồn: Mỗi ngày uống trên 75ml

Rượu vang 12 độ cồn: Uống trên 260ml mỗi ngày

Với các đối tượng uống quá nhiều sẽ có mức độ uống rượu     như sau:

Số gam cồn/ ngày: Uống nhiều hơn 4 đơn vị cồn/ ngày

Rượu mạnh 40 độ cồn: Uống trên 100ml/ ngày

Rượu vang 12 độ cồn: Uống trên 350ml/ ngày

1 đơn vị cồn tương đương một chén rượu mạnh 30ml (40%).

Và uống rượu bao nhiêu là an toàn cho sức khỏe?

Theo nghiên cứu của các cơ quan chức năng, tỷ lệ tai nạn và nguy cơ bệnh tật tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn mỗi ngày. Mức độ uống rượu càng nhiều, nguy cơ tử vong càng tăng.

Đối với nam giới, không nên uống quá 14 đơn vị trong 1 tuần. Nếu uống rượu bia, chỉ nên uống ở mức vừa phải: Nam giới không quá 3 đơn vị rượu/ ngày, nữ giới không quá 2 đơn vị rượu/ngày. Để tránh vượt quá giới hạn an toàn của sức khỏe, cần phải biết uống một cách điều độ, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

NGỌC CƯỜNG (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.