Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 02:52:09

Phòng chống say nóng, say nắng cho bộ đội

Ngày đăng: 19/06/2023

QK2 – Trong những năm qua, các đơn vị trong Quân khu đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống say nóng, say nắng. Tuy nhiên, có nơi nhận thức về phòng chống say nóng, say nắng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống say nóng, say nắng chưa tốt, còn để xảy ra hiện tượng say nóng, say nắng nhiều, cá biệt có trường hợp đột qụy, biến chứng rất nặng. Nhân dịp này Phóng viên Báo Quân khu có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Huy Hoàng, Quyền Giám đốc Bệnh viện Quân y 109 về việc phòng, chống say nóng, say nắng.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc bệnh nhân mùa nắng nóng.

PV: Thưa Đại tá Nguyễn Huy Hoàng, say nóng, say nắng có nguy cơ xảy ra khi huấn luyện, làm việc ngoài trời ở nhiệt độ cao, dưới ánh nắng mặt trời. Ở điều kiện này, bộ đội cần nhận biết những triệu chứng trên như thế nào?

Đại tá Nguyễn Huy Hoàng: Say nắng, say nóng biểu hiện theo 3 mức độ: mức độ nhẹ: choáng váng, chuột rút; Mức độ vừa: kiệt sức; Mức độ nặng: đột qụy (có thể tử vong).

Say nóng thường gặp về buổi chiều nắng nóng có nhiều tia hồng ngoại, thường diễn ra từ từ với các triệu chứng nặng dần như: nhiệt độ cơ thể tăng dần, sốt trên 38,5oC; da lạnh, ẩm ướt và tái mét hoặc khô nóng trong trường hợp đột qụy do nóng; vã mồ hôi; miệng khô; mệt mỏi, đuối sức; nhức đầu; choáng váng; buồn nôn, thỉnh thoảng nôn; chuột rút; đái ít, nước tiểu đậm mầu; mạch nhanh và yếu; tụt huyết áp tư thế đứng.

Say nắng thường gặp vào thời điểm buổi trưa, trời nắng gay gắt có nhiều tia tử ngoại, đặc biệt thường diễn ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước. Triệu chứng say nắng gồm các triệu chứng như say nóng nhưng thân nhiệt thường trên 40oC; da nóng, khô và đỏ; không có mồ hôi; nặng hơn thì đồng tử giãn; lú lẫn, mê sảng, ảo giác; co giật; bất tỉnh; hôn mê. Trường hợp nặng có thể tử vong.

PV: Để cấp cứu, điều trị say nắng, say nóng chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt các biện pháp nào thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Huy Hoàng: Nhanh chóng đưa nạn nhân vào nơi thoáng mát, nới bỏ quần áo dài, đồng thời báo ngay quân y cấp cứu. Nếu nạn nhân ngừng tuần hoàn, hô hấp tiến hành ngay hồi sức cấp cứu hô hấp cơ bản theo thứ tự: Ép tim ngoài lồng ngực (cứ 15 lần ép tim thì 2 lần thổi ngạt).

– Kiểm soát khai thông đường thở – Thông khí nhân tạo bằng miệng – miệng hoặc miệng – mũi.

– Đo nhiệt độ dưới luỡi hoặc nhiệt độ hậu môn (nếu có điều kiện).

– Áp dụng ngay lập tức và mạnh mẽ các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ lõi của cơ thể như: Phun nước mát, quạt gió, khăn lau lạnh, cồn loãng…

– Duy trì ổn định tuần hoàn bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạnh tùy theo tình trạng ý thức của bệnh nhân.

– Những trường hợp không cải thiện nhanh về lâm sàng cần vận chuyển nhanh về khoa hồi sức cấp cứu.

* Về phòng say nắng, say nóng ở đơn vị cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Một là: Mọi cá nhân phải biết cách tự nhận biết các biểu hiện của say nắng, say nóng và có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng chống say nắng, say nóng, kịp thời báo cho chỉ huy và quân y đơn vị khi có biểu hiện say nắng, say nóng.

Hai là: Chỉ huy đơn vị xác định thời gian luyện tập, lao động phù hợp với dự báo thời tiết hằng ngày. Bố trí thời gian luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý trong những ngày nắng nóng. Chọn nơi luyện tập, lao động có bóng mát, nếu phải làm việc dưới trời nắng phải bố trí gần nơi có bóng mát để thuận tiện lúc nghỉ.

Ba là: Tổ chức luyện tập thích nghi dần với nắng nóng. Thực hiện tăng dần cường độ và thời gian rèn luyện với nóng theo từng mức độ, mỗi mức độ kéo dài tối đa 2 giờ liên tục. Tuỳ theo cường độ lao động và thời tiết, bố trí hợp lý giữa thời gian luyện tập và nghỉ ngơi, phân bố hợp lý chu kỳ lao động, luyện tập với thời gian nghỉ giải lao (30 phút, 45 phút hoặc 60 phút nghỉ 15 phút).  Nếu luyện tập đúng phương pháp thường sau 10 – 14 ngày cơ thể sẽ có những biến đổi thích nghi dần với nắng, nóng.

Bốn là: Bảo đảm đủ nước uống và uống nước đúng cách: Không được nhịn khát, cần phải bù đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện, lao động; Chỉ bắt đầu luyện tập  và lao động khi cơ thể ở trạng thái cân bằng nước (nước tiểu mầu trắng trong, hết cảm giác khát nước); trong luyện tập và lao động uống thường xuyên một lượng nhỏ nước (100 – 150 ml) cách nhau 15 – 20 phút/lần, không uống quá nhiều một lần. Nước uống là nước uống sạch thông thường, nước sạch đun sôi để nguội hoặc nếu có thể nên dùng nước có chứa chất điện giải như Oressol hoặc một số nước bổ dưỡng như chè sâm, vitamin C dạng sủi. Nhiệt độ nước uống tốt nhất là từ 15 – 25oC. Bổ sung nước đến khi màu nước tiểu trở lại trắng, trong, hết cảm giác khát, trọng lượng cơ thể cân bằng. Chọn chế độ ăn uống tốt, phù hợp với tính chất, cường độ lao động và thời tiết.

Năm là: Quân y các đơn vị phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra và quản lý tốt sức khoẻ bộ đội trước, trong và sau luyện tập, lao động. Chú ý theo dõi những trường hợp sức khoẻ hạn chế, khi thấy nghi ngờ bị say nắng, say nóng phải cho tạm nghỉ để kiểm tra, nếu đủ điều kiện sức khoẻ mới được làm việc tiếp. Chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc và trang bị cấp cứu theo quy định. Chủ động phát hiện sớm và ngay lập tức thực hiện các biện pháp cấp cứu tại chỗ theo tài liệu "Phòng chống tác động do nắng – nóng đến sức khoẻ" năm 2014 của Cục Quân y.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGỌC CƯỜNG (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.